Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát góp phần bình ổn giá

Kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, theo các chuyên đề, các đợt kiểm tra liên ngành được đảm bảo nguyên tắc tuân thủ đúng qui trình nghiệp vụ, có trọng tâm, trọng điểm nhằm đạt mục đích và hiệu quả cao,

Trước những thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra, thị trường Hà Tĩnh phải đối mặt tình trạng giá cả “leo thang”. Có thể xem đây là cơ hội hiếm có cho các đối tượng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại gia tăng. Bên cạnh đó, trên quốc lộ 8A và khu vực kinh tế cửa khẩu Cầu Treo luôn là địa bàn “nóng” để các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng nhập lậu hoạt động. Với những thủ đoạn ngày càng liều lĩnh và táo tợn, lượng hàng hoá được nhập lậu vào nội địa nhiều hơn bằng hình thức “xé” nhỏ và được tập kết tại vùng giáp giữa khu kinh tế và nội địa, sau đó thuê người mang vác luồn lách, dùng xe máy vận chuyển vào ban đêm hoặc trà trộn trên xe khách… nhằm qua mặt các lực lượng chức năng. Các mặt hàng nhập lậu chủ yếu như: Máy điều hoà nhiệt độ, nồi cơm điện, tủ lạnh, nước giải khát, gạo Thái Lan sản xuất và thậm chí có cả những mặt hàng được nhập từ nội địa, sau đó được thẩm lậu trở lại. Vì lợi nhuận mà các đối tượng này bất chấp pháp luật và hành vi côn đồ. Do đó, Chi cục phải thường xuyên gắn công tác quản lý địa bàn với quản lý đối tượng, đồng thời bỏ ra không ít thời gian và công sức để nghiên cứu đối tượng, địa bàn, tăng cường thông tin mới bắt được. Ông Trần Văn Minh – Phó Chi cục trưởng tâm sự: Để triệt phá được đường dây của bọn chúng, anh em cán bộ phải lên kế hoạch đầy đủ, có phương án dự phòng, rồi cho “trinh sát” hoá trang đi nắm bắt tình hình. Khi biết được kế hoạch vận chuyển hàng của chúng, cũng là lúc anh, em cán bộ phải nằm kín trong rừng cả ngày, ăn lương khô trừ bữa để chờ “hàng”. Đôi khi, các đối tượng này còn kháng cự quyết liệt, phải dùng đến vũ khí mới khống chế được. Đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại với những thủ đoạn tinh vi, lại biết lợi dụng kẽ hở trong một số văn bản pháp luật của Nhà nước để hợp thức hoá hàng nhập lậu, gây không ít khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra và xử lý vi phạm.
Nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng lũ lụt để đầu cơ, găm hàng, ép giá, tăng giá quá mức, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại, Chi cục QLTT Hà Tĩnh đã quyết tâm thể hiện vai trò, vị trí trong công tác bình ổn giá thị trường, bảo vệ người tiêu dùng. Đến nay, có 174/262 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, với gần 15.000 hộ kinh doanh và 928 doanh nghiệp đã được Chi cục kiểm tra, khảo sát đồng loạt. Đồng thời, ký cam kết bình ổn giá đối với các cơ sở đại lý phân phối hàng hoá, siêu thị trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá quá mức, bán hàng giả, hàng quá hạn sử dụng, hàng bị hư hỏng do lũ lụt.
Trong những giai đoạn thị trường có sự biến động lớn về giá cả, lực lượng QLTT đã thường xuyên, liên tục bám sát địa bàn, nắm bắt tình hình diễn biến thị trường, tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Huyện Kỳ Anh là vùng trọng điểm công nghiệp của tỉnh cũng như cả nước, có thời kỳ nơi đây được mệnh danh là “chảo lửa, túi mưa” của Hà Tĩnh. Do đó, Chi cục đã chỉ đạo Đội QLTT số 4 kiểm tra nghiêm ngặt giá các mặt hàng vật liệu xây dựng để phục vụ nhu cầu của nhân dân vùng tái định cư khu kinh tế Vũng Áng. Vào thời điểm nắng nóng, nên các thiết bị điện như: ắc qui, máy nổ, bộ kích điện… được xem là mặt hàng thiết yếu của nhân dân, đã đẩy thị trường có sự biến động lớn. Lực lượng QLTT đã tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh các mặt hàng trên, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức góp phần ổn định thị trường.
Trước tình hình, phân bón đang là mặt hàng được tiêu thụ với số lượng lớn, Chi cục đã chỉ đạo các đội QLTT phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với cơ sở kinh doanh phân bón, thực hiện tốt chỉ đạo của Ban chỉ đạo 127/TW. Nhìn chung các tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón trên địa bàn chấp hành tương đối tốt những qui định của pháp luật trong lĩnh vực phân bón. Bên cạnh đó, Chi cục đã chỉ đạo các đội QLTT tăng cường kiểm tra và quyết liệt xử lý đối với mặt hàng mì chính do nước ngoài sản xuất vận chuyển và tiêu thụ trên địa bàn. Vừa qua, Đội QLTT số 2 đã bất ngờ kiểm tra xe ô tô mang BKS 18N – 1891 phát hiện 459 kg mì chính do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hoá, Đội đã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu toàn bộ hàng hoá vi phạm theo qui định của pháp luật.
Mặt khác, Chi cục luôn phối hợp với chính quyền địa phương, Trung tâm y tế, thú y các huyện, thị, thành phố để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường sau lũ lụt. Tập trung kiểm soát chặt chẽ vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm, đảm bảo VSATTP của các quán ăn, nhà hàng; xử lý nghiêm những trường hợp bán thịt gia súc, gia cầm đã chết hoặc nhiễm bệnh. Kết quả, trong quí III đã xử lý 10 vụ.
Nhờ sâu sát cơ sở, nắm bắt và xử lý chính xác các thông tin về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, Chi cục QLTT Hà Tĩnh đã đẩy lùi được tình trạng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn. Mùa Xuân đang về đối với đồng bào vùng lũ, để đảm bảo nhân dân được đón Tết đầy đủ, vui vẻ, thì công việc kiểm soát, kiểm tra thị trường càng trở nên vất vả. Hơn ai hết, lực lượng cán bộ QLTT Hà Tĩnh quyết tâm thực hiện thắng lợi chỉ thị 1875/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường biện pháp bình ổn giá cả, thị trường, đặc biệt là những tháng cuối năm.