1. Phát triển nông lâm nghiệp

Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn từ kinh tế thuần nông sang kinh tế sản xuất hàng hóa. ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa nông lâm nghiệp. Hoàn chỉnh hệ thống sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi. Kiện toàn hệ thống khuyến nông từ Tỉnh đến cơ sở. Hoàn thành “dồn điền, đổi thửa” gắn với quy hoạch thủy lợi, quy hoạch đồng ruộng và quy hoạch nông thôn mới. Tổ chức sản xuất trên diện rộng cánh đồng có giá trị sản phẩm đạt trên 50 triệu/ha và có lãi cao.

1.1. Cây lương thực: Sử dụng giống lúa, ngô có năng suất cao, bố trí cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ hợp lý với từng vùng, thực hiện thâm canh để đạt năng suất cao.

1.2. Cây công nghiệp, cây ăn quả: ổn định diện tích 6.600 ha mía nguyên liệu tập trung gần nhà máy, đầu tư thâm canh đúng qui trình kỹ thuật, sử dụng giống tốt, năng suất cao và bố trí cơ cấu giống hợp lý để thu hoạch rải vụ, cung cấp đủ nguyên liệu cho nhà máy đường hoạt động. Đầu tư tăng công suất của 2 nhà máy lên trên 2.500 tấn mía cây/ngày.

Quy hoạch và xây dựng vùng chè tập trung thâm canh, năng suất cao. Lựa chọn, đưa vào cơ cấu giống các giống chè có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường; đến năm 2010, ổn định vùng chè tập trung 8.400 ha, năng suất bình quân trên 12 tấn/ha. Đổi mới công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm chè đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Quy hoạch và đầu tư phát triển trồng lạc, đậu tương thành vùng tập trung, đến năm 2010 ổn định diện tích từ 7.000 – 8.000 ha, tạo sản phẩm hàng hóa đáp ứng được yêu cầu chất lượng của thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu.

- Phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa, trọng tâm là vùng trồng cam Hàm Yên. Quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây ăn quả. Phấn đấu đến 2010, diện tích cây ăn quả toàn Tỉnh đạt trên 2 vạn ha.

1.3. Chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp với qui mô phù hợp, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Chọn lọc, cải tạo giống gia súc, gia cầm nhằm tạo được đàn giống tốt tại địa phương; củng cố hệ thống chăn nuôi và mạng lưới thú y thôn, bản, xã, phường, huyện, thị.

1.4. Lâm nghiệp: Phát triển và khai thác có hiệu quả lợi thế ngành lâm nghiệp theo hướng đa canh, đa dạng các sản phẩm nông, lâm kết hợp gắn với công nghiệp chế biến, phát triển nhanh trồng rừng nguyên liệu bằng nguyên liệu loài cây có năng suất cao, đáp ứng yêu cầu cung cấp nguyên liệu cho nhà máy giấy và nhà máy chế biến gỗ. Phấn đấu từ năm 2006 đến năm 2010 trồng mới trên 60.000 ha rừng tập trung. Đưa độ che phủ của rừng đến năm 2010 đạt 69,3%. Bảo vệ nghiêm ngặt và phát triển diện tích rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh theo hướng đa dạng sinh học phục vụ cho công tác nghiên cứu và phát triển tham quan du lịch, bảo đảm các điều kiện hình thành vườn quốc gia.

1.5. Thủy lợi: Tiếp tục đầu tư kiên cố hóa các công trình thủy lợi, nâng cao năng lực tưới, từ năm 2006 – 2010 phấn đấu mỗi năm kiên cố hóa 150 km kênh mương nội đồng, xây dựng mới một số công trình hồ, đập đầu mối, trạm bơm điện, bảo đảm tưới chắc cho trên 35.000 ha vào năm 2010.

2. Phát triển công nghiệp.

Thu hút nguồn lực để đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của Tỉnh, phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân giai đoạn 2006 – 2010 đạt trên 20%/năm.

Xây dựng cụm công nghiệp Long – Bình An và 5 cụm công nghiệp – TTCN tại các huyện, thị xã. Triển khai đầu tư xây dựng một số dự án công nghiệp trọng điểm như: Nhà máy Giấy An Hòa công suất 130.000 tấn bột giấy/năm, các nhà máy xi măng, nhà máy sản xuất phôi thép công suất 200.000 tấn/năm, nhà máy luyện ferro mangan công suất 30.000 tấn/năm, Nhà máy Thủy điện Hùng Lợi 1, Hùng Lợi 2, nhà máy ván ép sợi gỗ MDP công suất 30.000 m3/năm, nhà máy chế biến thức ăn gia súc công suất 30.000 tấn/năm, nhà máy sản xuất hoa quả hộp công suất 2.500 tấn/năm. Tập trung làm tốt công tác di dân tái định cư để đảm bảo hoàn thành xây dựng công trình Thủy điện Tuyên Quang vào năm 2006.

Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, phát triển nhanh các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ ở nông thôn, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Huy động vốn để đầu tư phát triển sản phẩm mới với công nghệ, thiết bị hiện đại, tập trung vào các sản phẩm: xi măng, thép cán, fenspat, bột đá trắng, ferro mangan, chế biến lâm sản, chế biến chè, đường kính. Một số sản phẩm chủ yếu đến năm 2010: chè đen 15.500 tấn; bột ba rít 100.000 tấn; điện thương phẩm 1.062 triệu kWh, xi măng trên 01 triệu tấn/năm.

3. Phát triển cơ sở hạ tầng.

3.1. Giao thông: Tập trung huy động các nguồn lực của địa phương và tranh thủ sự hỗ trợ các nguồn vốn từ trung ương để đầu tư phát triển nhanh hệ thống giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của Tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ triển khai và thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình giao thông đường bộ, xây dựng đường sắt, đường sông, bến cảng của Tỉnh.

- Đến hết năm 2005, nhựa hóa 100% các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh hiện có. Hoàn thành xây dựng quốc lộ 2 đoạn tránh thị xã Tuyên Quang, cải tạo nâng cấp quốc lộ 37 (đoạn Bình Thuận – Mỹ Lâm, đoạn Cầu Vạc – Chanh và đoạn Đèo Khế – Sơn Dương), nâng cấp quốc lộ 2C (đoạn Sơn Dương – Tân Trào), triển khai xây dựng quốc lộ 279, xây dựng các cầu trên các tuyến huyết mạch, mở rộng các tuyến quốc lộ, đường tỉnh có nhu cầu vận tải lớn.

- Giai đoạn 2006 – 2010: Triển khai xây dựng đường sắt, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc, đường quốc lộ 2B, đường quốc lộ 37B, các tuyến đường tỉnh, đường vành đai theo quy hoạch. Hoàn thành xây dựng cảng đường sông, ga đường sắt phục vụ cụm công nghiệp Long – Bình – An.

3.2. Điện, nước, thông tin liên lạc:

- Đầu tư, cải tạo, mở rộng và nâng cấp các trạm biến áp, hệ thống lưới điện phân phối, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và sinh hoạt.

- Xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho dân sinh và phát triển các ngành kinh tế - xã hội. Tiếp tục đầu tư thực hiện Chương trình nước sạch nông thôn.

- Xây dựng mạng lưới bưu chính viễn thông hiện đại, đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc trên địa bàn Tỉnh. Đầu tư mở rộng vùng phủ sóng di động, tập trung cho các khu đông dân cư, vùng trọng điểm kinh tế, văn hóa du lịch, các khu, cụm công nghiệp, khu di tích lịch sử, các tuyến quốc lộ. Triển khai lắp đặt mới các điểm chuyển mạch, các bộ tập trung thuê bao và mở rộng dung lượng tại các điểm hiện có; đến năm 2010 đạt tỷ lệ 10,8 máy/100 dân. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà bưu điện – văn hóa xã. Quy hoạch, đầu tư xây dựng các bưu cục khu vực, thu hẹp bán kính phục vụ từ 3,45 km (năm 2004) xuống 3,3 km vào năm 2010.

4. Tài chính, tín dụng.

Phát triển và quản lý khai thác nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu theo quy định; tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hàng năm đạt trên 10%.

Đẩy mạnh công tác huy động vốn, phấn đấu mức tăng trưởng nguồn vốn tín dụng huy động của các ngân hàng thương mại thời kỳ 2001 – 2010 trên địa bàn Tỉnh bình quân 22 – 25%/năm. Khuyến khích các thành phần kinh tế huy động mọi nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ có mức tăng trưởng bình quân hàng năm thời kỳ 2005 – 2010 là 18%.

5. Thương mại - du lịch.

Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với hoạt động thương mại; khuyến khích các thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển các sản phẩm xuất khẩu mới; mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao chất lượng mặt hàng xuất khẩu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội tăng bình quân 15%/năm, đáp ứng đủ, kịp thời hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; giá trị xuất khẩu tăng bình quân trên 13%/năm.

Triển khai xây dựng các khu đô thị, trung tâm thương mại, siêu thị. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển chợ. Đầu tư nâng cấp các chợ đã có, xây dựng chợ trung tâm các huyện và mở mới chợ nông thôn theo phương châm nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ.

Quy hoạch phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn toàn Tỉnh; hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2010; quy hoạch chi tiết và huy động vốn đầu tư các công trình trong khu du lịch điều dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm. Thực hiện dự án Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử Chiến khu Việt Bắc; quy hoạch và lập dự án đầu tư phát triển các khu du lịch: Tân Trào – ATK, khu du lịch sinh thái Na Hang gắn với quản lý hồ Thủy điện Tuyên Quang.

6. Lĩnh vực văn hóa - xã hội.

6.1. Giáo dục và đào tạo:

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường. Củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học – chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đẩy mạnh các biện pháp thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học. Phấn đấu đến năm 2006, Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc trung học.

Tạo mọi điều kiện để tất cả các học sinh đến trường đúng độ tuổi. Tiếp tục thực hiện phương thức “Một hội đồng 2 nhiệm vụ” để giữ vững và thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục các bậc học.

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của giáo viên. Hàng năm, tổ chức mở các lớp tại Tỉnh đào tạo trên chuẩn cho giáo viên các bậc học, đào tạo thạc sĩ chuyên ngành, quản lý giáo dục để tạo nguồn cán bộ làm nòng cốt cho các cơ sở giáo dục - đào tạo. Phấn đấu đến 2010 có trên 90% giáo viên mầm non, 100% giáo viên tiểu học, THCS, THPT đạt chuẩn; mỗi bậc học đều có giáo viên đạt trình độ trên chuẩn.

Tiếp tục mở các lớp đại học tại chức, sau đại học để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho các ngành, các đơn vị trong Tỉnh. Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề; thực hiện “đào tạo theo cơ chế mở” và cân đối giữa đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong giáo dục - đào tạo. Xây dựng và thực hiện chặt chẽ quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ quản lý ở các trường, các cơ sở đào tạo và các cơ quan quản lý giáo dục - đào tạo từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Lựa chọn, bố trí các cán bộ có đủ năng lực, trình độ làm cán bộ quản lý các trường học, cơ sở giáo dục - đào tạo.

Đổi mới công tác quản lý giáo dục - đào tạo, đưa nhanh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý giáo dục - đào tạo.

Đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng chuẩn quốc gia. Chuẩn bị đủ các điều kiện để thành lập Trường Đại học Tuyên Quang. Ban hành cơ chế chính sách để đảm bảo cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo phát triển ổn định, chất lượng, hiệu quả. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện để mọi người có cơ hội học tập, xây dựng toàn Tỉnh là một xã hội học tập.

6.2. Phát triển khoa học và công nghệ: Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây lương thực, cây lâm nghiệp, cây mía, cây thức ăn gia súc. ứng dụng công nghệ sạch trong bảo quản và chế biến nông sản. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: nghiên cứu, xây dựng dư địa chí tỉnh Tuyên Quang, biên soạn các tài liệu lịch sử cách mạng của địa phương, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, xây dựng và thực hiện cơ chế khuyến khích sản xuất phần mềm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa một phần trong sản xuất nông nghiệp. Đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến trong một số ngành sản xuất mà Tỉnh có lợi thế như: chế biến chè, sản xuất giấy, sản xuất vật liệu xây dựng. Khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa sản xuất sản phẩm có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao không gây ô nhiễm môi trường, đủ sức cạnh tranh trong nước và hướng tới xuất khẩu. Xây dựng và quản lý chất lượng sản phẩm theo hệ thống ISO 9000. Xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm sữa và các sản phẩm khác của Tỉnh.

Xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách nhằm đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật của Tỉnh. Các ngành, các doanh nghiệp chủ động liên hệ, tiếp nhận sinh viên hoặc cán bộ đã có trình độ đại học, trên đại học các chuyên ngành Tỉnh còn thiếu về công tác theo cơ chế hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ đào tạo công chức dự bị của Tỉnh.

6.3. Văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể thao: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) và Nghị quyết kỳ họp lần thứ 10 của BCH Đảng bộ Tỉnh (khóa XII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Tăng cường và nâng cao chất lượng phục vụ của Đoàn Nghệ thuật, hoạt động đội thông tin lưu động, các đội văn nghệ quần chúng và các nhà văn hóa trung tâm. Chuyển mạnh các hoạt động văn hóa thông tin về cơ sở, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa, đầu tư xây dựng, nâng cấp Bảo tàng Tỉnh, Nhà văn hóa trung tâm, Trung tâm Hội nghị của Tỉnh, Thư viện khoa học tổng hợp...

Đầu tư nâng cấp hệ thống đài phát thanh truyền hình từ tỉnh đến huyện; nâng công suất máy phát thanh, tăng thời lượng tiếp sóng truyền hình; thực hiện tiếp sóng đủ 5 chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam. Đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu phát triển và phủ sóng phát thanh, truyền hình vùng lõm kết hợp với đầu tư lắp đặt các bộ thu truyền hình vệ tinh kỹ thuật số cho 70 – 80% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng III. Đến năm 2010 có 100% số xã có trạm phát thanh, truyền thanh FM. Xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc với 3 thứ tiếng Tày, Dao, Cao Lan đảm bảo thời lượng và chất lượng chương trình.

Từng bước đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao. Tiếp tục quy hoạch sân chơi, bãi tập cho các nhà văn hóa, xã, nhà văn hóa thôn, bản. Đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực thể dục thể thao, phát triển phong trào thể dục thể thao ở tất cả các cơ quan,  đơn vị, các xã, phường, thị trấn. Đến năm 2010 có 22% dân số tham gia tập thể dục thường xuyên, 18% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao.

6.4. Y tế:

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 30/NQ-TƯ của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh (khóa XII) về củng cố, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đặc biệt tuyến y tế cơ sở.

Chú trọng củng cố về tổ chức, hoạt động của các đơn vị y tế làm công tác y tế dự phòng từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở. Tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng, chương trình phòng chống bệnh xã hội, các bệnh dịch nguy hiểm. Đưa các dịch vụ y tế xuống cơ sở, đặc biệt các xã vùng sâu, vùng xa, sử dụng có hiệu quả đội ngũ bác sĩ đang công tác tại xã, các cán bộ y tế tại thôn, bản. Đảm bảo đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, cán bộ... để đến năm 2006, tất cả các xã đều đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, thực hiện tốt mục tiêu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ở tuyến cơ sở.

Tích cực đào tạo cán bộ y tế nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ sau đại học để đảm bảo hết năm 2005 các trưởng, phó khoa của bệnh viện tỉnh có trình độ chuyên khoa cấp I trở lên.

Đầu tư nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh với quy mô 450 giường bệnh, xây dựng Bệnh viện đa khoa khu vực tại huyện Chiêm Hóa. Mở rộng quy mô của Bệnh viện Điều dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm. Đầu tư xây dựng các phòng khám đa khoa khu vực đảm bảo thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong khu vực. Quy hoạch xây dựng bệnh viện Lao tại địa điểm phù hợp, đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh lao.

Tổ chức quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo theo Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cung ứng đủ thuốc chữa bệnh cho nhân dân; khuyến khích mở rộng các dịch vụ về y học cổ truyền dân tộc, các cơ sở kinh doanh thuốc nam. Từng bước nâng cao chất lượng dân số, chú trọng thực hiện có hiệu quả các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em; gắn việc quy hoạch, nâng cấp xây dựng mới các trường học với điểm vui chơi của trẻ em.

6.5. Lao động, việc làm và đời sống xã hội.

Bằng nhiều biện pháp giải quyết việc làm cho người lao động, từ nay đến năm 2005, mỗi năm giải quyết việc làm mới cho trên 7.500 lao động, giai đoạn từ 2006 – 2010 mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 9.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động hàng năm bình quân đạt 1.0000 – 1.500 lao động/năm.

Giảm tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị xuống dưới 3,5%, nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 85% và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên trên 27,5%.

Kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo các cấp. Thực hiện lồng ghép chương trình xóa đói giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

7. An ninh – Quốc phòng.

Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Từ nay đến năm 2010 phấn đấu 100% cán bộ các cấp được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh. Hoàn thành quyết tâm phòng thủ tác chiến cơ bản, kế hoạch B, kế hoạch chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, kế hoạch động viên thời chiến, kế hoạch phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy rừng, chống tội phạm. Đầu tư xây dựng căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương và khu vực phòng thủ then chốt trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện.

Duy trì chặt chẽ các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cấp, tăng cường luyện tập, diễn tập sẵn sàng đối phó có hiệu quả với các tình huống phức tạp khi xảy ra trên địa bàn, thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống “diễn biến hòa bình – bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

Xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch vững mạnh, thường xuyên tấn công ngăn chặn các loại tội phạm nhất là tội phạm về ma túy, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Tỉnh.

8. Xây dựng chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức.

8.1. Quy định rõ chức trách, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của HĐND, UBND, các ban của HĐND, các cơ quan chuyên môn của UBND các cấp; nâng cao chất lượng các kỳ họp, tăng cường vai trò trách nhiệm của đại biểu HĐND trong việc kiểm tra giám sát hoạt động của UBND, các cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội trong việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định của cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp.

8.2. Rà soát đánh giá đội ngũ cán bộ chính quyền các cấp; thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ ở các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện về công tác ở cơ sở; kiên quyết thay thế những cán bộ năng lực yếu, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ, giảm sút tín nhiệm với nhân dân, nhằm củng cố, kiện toàn các cấp đủ sức quản lý, điều hành thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Năm 2010 có trên 60% chính quyền cấp xã vững mạnh không còn cơ sở yếu kém.

8.3. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, tin học cho cán bộ chính quyền cơ sở; năng lực hoạt động của đại biểu HĐND các cấp. Tiếp tục duy trì thực hiện chỉ tiêu 100% cán bộ lãnh đạo nghiên cứu tổng hợp, nghiệp vụ của cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện phải có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học và trung cấp trở lên, trong đó trên 30% có trình độ cao đẳng, đại học; đảng viên phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị.

8.4. Xây dựng chức trách, nhiệm vụ, tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh cán bộ, công chức cấp xã để bố trí, sắp xếp cán bộ chuyên trách và không chuyên trách. Tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; củng cố, kiện toàn thôn, xóm, bản theo Quyết định số 13/2002/QĐ-BNV ngày 06/12/2002 của Bộ Nội vụ và Nghị quyết số 17-NQ/TƯ ngày 22/4/2003 của Tỉnh ủy.

8.5. Xây dựng cơ chế chính sách thu hút học sinh tốt nghiệp đại học loại khá trở lên ở một số chuyên ngành đang thiếu cán bộ; thực hiện tốt chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, thiết lập trật tự, kỷ cương trên các lĩnh vực trật tự an toàn xã hội.

 

  • Tags: