VIỆT NAM có nên xây dựng Nhà máy điện hạt nhân?

Trước thực trạng nguồn nhiên liệu dùng cho sản xuất điện đang cạn kiệt dần, nhiều nhà khoa học đã đưa ra những giải pháp cụ thể để giải quyết một phần năng lượng thiếu hụt. Một trong những giải pháp đ

Lược sử điện hạt nhân

Lần đầu tiên điện được sản xuất bằng năng lượng hạt nhân vào ngày 20-12-1951, tại Lò thử nghiệm EBR-1 của Mỹ và thắp sáng được bốn bóng đèn. Tổ máy hạt nhân đầu tiên là lò graphit nước nhẹ 5 MW tại Obninsk của Nga, bắt đầu hoạt động năm 1954 và ngừng hoạt động ngày 30-4-2002. Calder Hall (Anh) là NMĐHN quy mô công nghiệp đầu tiên trên thế giới, bắt đầu vận hành năm 1956 và đóng cửa tháng 3-2003.

Giai đoạn 1970-1980, do khủng hoảng dầu mỏ, nhiều quốc gia đã đẩy nhanh tốc độ phát triển ĐHN với công nghệ được thương mại hoá cao. Tỉ trọng ĐHN toàn cầu tăng gần hai lần, từ 9% lên 17%. Lò Unterwesr 1.350 MW ở Đức bắt đầu sản xuất điện từ năm 1978 và đến nay, tổng sản lượng điện là 221,7 tỉ kWh. Bước vào thập niên 80 và 90, sau sự cố Chernobyl, sự phản đối của công chúng, các yếu tố chính trị và sự cạnh tranh yếu về kinh tế do các yêu cầu về an toàn đòi hỏi phải cao hơn đã làm cho tốc độ xây dựng NMĐHN giảm mạnh. Một số nước như Đức và Thụy Điển có chủ trương loại bỏ ĐHN.

Thế giới hiện có hơn 440 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, cung cấp khoảng 16% (2.574 tỉ kWh) sản lượng điện và khoảng 30 lò phản ứng đang được xây dựng. Pháp - một quốc gia không có khu dự trữ dầu lửa lớn nào, đã trở thành nước sản xuất năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới. Hiện nay, tại Pháp, 75% nhu cầu năng lượng được thoả mãn bằng năng lượng hạt nhân, lớn hơn rất nhiều so với các nước khác trong Cộng đồng các quốc gia châu Âu (EU).

Mặc dù xu hướng chung trên thế giới là tăng sử dụng ĐHN, nhưng ở một số nước ĐHN phát triển như Ý, Áo, Đan Mạch, Đức... lại có xu hướng giảm ĐHN, bởi vì, những người phản đối vẫn kiên quyết rằng, những hiểm họa liên quan đến uranium được làm giàu và sản phẩm phụ của nó (plutoni) lớn hơn rất nhiều so với các lợi ích kinh tế.

NMĐHN ở nước ta sẽ như thế nào?

Các nhà chuyên môn đã đề xuất chọn xã Phước Dinh - huyện Ninh Phước - tỉnh Ninh Thuận làm địa điểm xây dựng NMĐHN và đề án này hiện đang chờ Chính phủ phê duyệt. Trong báo cáo tiền khả thi, Phước Dinh được đánh giá rất cao bởi ở đây chưa từng xảy ra các hiện tượng khí hậu phức tạp; địa chất công trình ổn định; sông ngòi ngắn, nước lũ thoát ra biển nhanh; môi trường động thực vật nghèo nàn, không có thú quý hiếm; không ảnh hưởng đến các công trình du lịch, văn hoá, lịch sử; không có nhà máy, kho tàng vật liệu, hoá chất nguy hiểm; gần tuyến đường biển, có tuyến chở dầu nội địa; các tuyến đường bộ, đường sắt trong khu vực không có khả năng gây nguy hiểm tới công trình; chỉ cách quốc lộ 1 khoảng 15km; do ít dân nên kinh phí đền bù chỉ khoảng 48 tỉ đồng...

Vấn đề lựa chọn công nghệ xây dựng NMĐHN tại Việt Nam hiện vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, sẽ không nằm ngoài 3 loại lò mà thế giới hiện đang sử dụng là lò nước áp lực PWR (chiếm 60%), lò nước sôi BWR (chiếm 21%) và lò nước nặng PHWR (CANDU). Nhưng theo đánh giá lựa chọn công nghệ cho thấy, lò PWR và BWR có ưu điểm cao hơn lò CANDU và được xem là công nghệ phù hợp với Việt Nam, mặc dù những công nghệ này còn tiếp tục được xem xét với quan điểm hướng vào công nghệ mới đã được kiểm chứng. Tuy nhiên, sự chênh lệch không nhiều giữa ba loại lò này có thể dẫn đến việc thay đổi lựa chọn công nghệ, nếu các tiêu chí lựa chọn có sự thay đổi về trọng số. Nếu có ý định nội địa hoá ngay từ bước đầu của chương trình ĐHN thì lò CANDU sẽ chiếm ngôi đầu bảng. Hoặc trong tình hình thiếu vốn như hiện nay, tiêu chí thu xếp tài chính lại trở thành yếu tố quyết định.

Theo báo cáo tiền khả thi, công nghệ thiết bị ĐHN hiện nay có thể đảm bảo vận hành an toàn và kinh tế. Xác suất phá huỷ nghiêm trọng vùng hoạt động lò phản ứng hiện nay rất nhỏ, chỉ khoảng 10-5 sự kiện/lò/năm và còn cao hơn đối với các lò tiên tiến, tương đương xác suất thiên thạch lớn rớt vào trái đất, tiêu diệt toàn bộ loài khủng long cách chúng ta khoảng 150 triệu năm về trước.

Dự kiến, NMĐHN ở Việt Nam có tổng vốn đầu tư khoảng 3.400 triệu USD. Nhà máy gồm 2 tổ máy với tổng công suất dự kiến là 2.000 MW, khi đi vào hoạt động sẽ cho sản lượng điện từ 14-15 tỉ kWh/năm, góp phần đảm bảo nhu cầu điện năng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Ngày 29-8, trong cuộc Hội thảo về Đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân ở Việt Nam, diễn ra tại Hà Nội, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VAEC) đã đề nghị các cơ quan chức năng sớm phê duyệt chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho việc phát triển ĐHN ở Việt Nam. Do tính chất phức tạp của nó, nên việc đào tạo phải tiến hành trước khi đi vào hoạt động từ 10 đến 15 năm. Theo kế hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2007-2018 của Viện Năng lượng (IE), để chuẩn bị cho NMĐHN đầu tiên ở nước ta đi vào hoạt động, Việt Nam cần đào tạo khoảng 530 người gồm các chuyên gia, kỹ thuật viên và công nhân lành nghề. Trong khi đó, cả nước mới chỉ có khoảng 600 chuyên gia hạt nhân làm việc trong các lĩnh vực khác nhau, phần lớn không liên quan đến năng lượng và có tuổi đời đã khá cao.

An toàn hạt nhân là vấn đề nan giải, đòi hỏi trình độ quản lý công nghiệp rất nghiêm chỉnh và ngặt nghèo. Tuy nhiên, hiện nay, trình độ cán bộ quản lý và cán bộ khoa học công nghệ về lĩnh vực này còn rất mỏng và còn yếu. Nếu lấy mục tiêu năm 2017-2020 có NMĐHN thì ngay bây giờ, nước ta phải cấp tốc đào tạo nhân lực, bao gồm lực lượng trực tiếp sản xuất, lực lượng quản lý và lực lượng nghiên cứu.

Xây dựng nhà máy điện nguyên tử - vấn đề không đơn giản!

Nhìn chung, dưới những chuẩn mực hiện nay, ĐHN sẽ duy trì được tính cạnh tranh của nó so với các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch khác. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Hermann Scheer, Nghị sĩ Đức, Chủ tịch Ủy ban quốc tế về năng lượng tái tạo thì: Hiện nay, thế giới chỉ có 30 nước sản xuất ĐHN, còn 170 nước là không. Bởi vì, xây dựng và vận hành NMĐHN là một công nghệ cực kỳ nguy hiểm và có giá ngày càng đắt. Những nước xây dựng NMĐHN là những nước sẽ gánh khoản đầu tư rất lớn về xử lý hậu quả và xử lý rác nguyên tử. Vấn đề này đến nay vẫn chưa giải quyết được, vì người ta phải lưu giữ rác trong hàng trăm nghìn năm. Trên thế giới, tất cả các nước có NMĐHN đều không có bảo hiểm. Bởi không có một doanh nghiệp bảo hiểm tư nhân nào sẵn sàng bảo hiểm hoàn toàn cho ĐHN. Một vấn đề khác là nhu cầu nước cho các NMĐHN để làm lạnh các lò phản ứng cũng cực kỳ lớn, nếu lấy nước nơi này thì đồng nghĩa với việc sẽ thiếu ở nơi khác.

Trữ lượng uranium cũng có hạn: uranium khai thác chỉ đáp ứng được 70% nguyên liệu để làm các thanh uranium, còn lại phải lấy từ ngành công nghiệp quốc phòng. Hiện nay, cả thế giới có 440 NMĐHN. Nếu giữ nguyên số lượng nhà máy như thế, thì sau 50 năm sẽ hết trữ lượng uranium. Hơn nữa, một số nước đang có chủ trương xây dựng NMĐHN, nên số lượng nhà máy sẽ tăng theo và giá uranium sẽ ngày càng đắt hơn.

Hiểm họa về môi trường từ các NMĐHN cũng là điều khiến nhiều người lo ngại. Năm 1979 đã xảy ra sự cố Nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island tại Pennsylvania (Mỹ) và 7 năm sau đó là thảm họa Chernobyl (Cộng hoà Ucraina). Chỉ trong một đêm, sau vụ nổ của lò phản ứng Chernobyl, luồng gió thổi từ Đông sang Tây đã đem chất phóng xạ làm chết người rải trên nhiều vùng của các nước Tây và Bắc Âu, đưa mức phóng xạ không khí ở nhiều nơi lên cao hơn bình thường tới 100 lần. Có thể nói, sự suy sụp kinh tế của Liên Xô bắt đầu từ tai nạn tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl. Dù ở xác suất tai họa chỉ là một phần triệu, nhưng liệu chúng ta có thể chắc chắn rằng, tai họa ấy sẽ không xảy ra tại bất cứ quốc gia nào có NMĐHN? Đây là mối quan tâm lớn của nhiều người, vì một khi tai nạn hạt nhân xảy ra, sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Theo các chuyên gia Pháp, về nguyên lý, ĐHN đơn giản, nhưng lại phức tạp về công nghệ. Sự an toàn của điện nguyên tử phải đáp ứng được ba yêu cầu: hạn chế thải các chất phóng xạ vào môi trường, ngăn ngừa sự cố và tai nạn, hạn chế hậu quả của chúng.

Không phải chỉ đến khi xảy ra sự cố, mà ngay trong quá trình hoạt động bình thường, NMĐHN vẫn gây ô nhiễm phóng xạ. NMĐHN thải ra một lượng lớn nước thải có nhiễm chất phóng xạ, tuy không gây ảnh hưởng tức thời, nhưng qua vài chục năm, các loại sinh vật trong khu vực chịu ảnh hưởng của nước thải nhà máy cũng sẽ bị ảnh hưởng. NMĐHN không trực tiếp thải ra khí CO2, nhưng quá trình xây dựng một nhà máy điện phải kéo dài tới 15 đến 20 năm, lượng khí CO2 do thiết bị máy móc phục vụ xây dựng nhà máy thải ra sẽ rất nhiều…

Tiến sĩ Hermann Scheer nhận định: Việt Nam mất từ 10 – 20 năm để xây dựng NMĐHN. Suốt thời gian đó, sẽ không có 1 kW điện nào được sinh ra. Hơn nữa, ĐHN là phương án tốn kém và rủi ro, trong khi Việt Nam có thể bù đắp bằng các nguồn tự nhiên dồi dào khác như gió, sinh khối, mặt trời...

Việt Nam là đất nước có nền kinh tế đang phát triển khá nhanh, trung bình khoảng 7,5%/năm. Vậy làm thế nào để đáp ứng một cách bền vững nhu cầu năng lượng cho sự phát triển nền kinh tế xã hội trong tương lai? Câu hỏi này đã được trả lời qua việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển điện hạt nhân trong Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 (ngày 3-1-2006). Mặc dù vậy, phát triển ĐHN có thực sự cần thiết, lựa chọn công nghệ nào, nguồn nhân lực ra sao... vẫn đang là một bài toán khó. Điều đó liên quan đến sự an toàn của người dân và bài toán kinh tế của đất nước.

  • Tags: