TIN TỨC - SỰ KIỆN
Thiếu điện đe doạ giải ngân FDI
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, những rào cản đã hiện hữu, mà nghiêm trọng hơn cả là tình hình thiếu điện đang đe dọa giải ngân FDI trong các tháng tới. Tình trạng cắt điện luân phiên đã bắt đầu được thực hiện trong tháng 3 khiến nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư như “ngồi đống lửa”. Các DN cho biết, bước sang năm nay, sản xuất đã gặp rất nhiều khó khăn bởi điều chỉnh tỉ giá ngoại tệ, biến động giá nguyên liệu đầu vào tăng, nay lại nơm nớp lo thiếu điện, càng thêm khó xoay xở. Một vị lãnh đạo Cty cổ phần phát triển đô thị và KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) đang đầu tư hạ tầng 2 khu công nghiệp tại Bình Dương và Quế Võ (Bắc Ninh) cho hay, từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 10 nhà đầu tư ký hợp đồng thuê đất với VSIP và một số nhà đầu tư đã quyết định tăng vốn để mở rộng sản xuất. Song ngặt một nỗi, họ đều phàn nàn và lo lắng về việc thiếu điện cho sản xuất sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải ngân dự án: “Đa số các dự án triển khai đều thuộc lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, nhựa, hàng tiêu dùng, điện tử gia dụng... tiêu thụ trong nước và một phần xuất khẩu. Nhưng nếu tình hình thiếu điện vẫn không được cải thiện thì thật là nan giải". Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 2 tháng đầu năm 2011 giải ngân FDI được xem là khả quan với 1,15 tỉ USD, nhưng những rào cản đã hiện hữu, mà nghiêm trọng hơn cả là tình hình thiếu điện đang đe dọa giải ngân trong các tháng tới. Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - ông Đỗ Nhất Hoàng - tỏ ra lo ngại khi trong nhiều cuộc tiếp xúc gần đây của các DN FDI với lãnh đạo cục, mối quan ngại của các nhà đầu tư đã chuyển hướng. Không còn phàn nàn về thủ tục hành chính rườm rà, hạ tầng chưa được cải thiện, hay nguồn nhân lực trình độ thấp, mà họ bức xúc nhất là tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên, thậm chí không báo trước đã gây thiệt hại không nhỏ trong năm 2010, năm nay lại lặp lại. “Nhiều nhà đầu tư phản ứng khá gay gắt, thậm chí có thể dừng đầu tư nếu không xử lý được dứt điểm tình trạng cắt điện đột ngột” - ông Hoàng nói. Ông Nguyễn Trọng Thừa - Phó Chủ tịch tỉnh Hải Dương thừa nhận, nhiều doanh nghiệp năm ngoái giảm sản xuất 50%, năm nay đặt mục tiêu tăng tốc nhưng gặp lúc cúp điện thì “bó tay”. Nhà máy vừa đầu tư vài trăm triệu USD mà phải nghỉ trong lúc thị trường đang cần hàng. Có doanh nghiệp cho biết, sẽ tính đến nước khởi kiện, để yêu cầu ngành điện san sẻ bài toán kinh tế vì thiệt hại do mất điện đã rõ. (Lao Động 16/3)

Ký kết FTA phải xuất phát từ nhu cầu kinh tế
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà VN sẽ có trong tương lai nên ký kết với các đối tác có trình độ phát triển kinh tế, công nghệ và kỹ thuật cao. Đó là một trong những nội dung được đưa ra tại hội thảo về các hiệp định thương mại tự do của Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 16/3. Các đại biểu chỉ ra cần phải lựa chọn các đối tác có thể đáp ứng những điều Việt Nam cần là: công nghệ, vốn, dịch vụ, thị trường. Ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc tham gia FTA với các nước có chuẩn mực cao hơn sẽ là động lực để VN thay đổi mô hình phát triển kinh tế và thúc đẩy các cải cách mới. Theo các đại biểu tham dự, dự thảo Chiến lược đàm phán FTA của Việt Nam mà Bộ Công Thương là đầu mối soạn thảo còn khá “tham lam” ở mục tiêu, đối tác... Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói, cách tiếp cận mới phải là xuất phát từ nhu cầu kinh tế và nhu cầu của các doanh nghiệp. (Tuổi Trẻ 17/3)

Bán càphê qua sàn: ngán thủ tục, ngại đường xa
Trung tâm Giao dịch càphê Buôn Ma Thuột mới khai trương sàn giao dịch càphê kỳ hạn ngày 11/3. Nhưng ngay cả với giao dịch giao ngay, đối với đa số nông dân ở Dăk Lăk vẫn quá xa lạ. Có thể nói, các nhà cung cấp dịch vụ chưa làm đủ các động tác cần thiết để thu hút nông dân. Chị Nguyễn Thị Kim Hậu (xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ, Dăk Lăk) là một trong gần 50 nông dân mạnh dạn thử cách thức mua bán càphê qua sàn cho biết, nông dân ngại mang càphê lên BCEC vì đường xa mà phải làm khá nhiều thủ tục giấy tờ. Đã giao dịch chị cho biết, nhân viên của sàn giao dịch hoặc nhân viên công ty Thái Hoà Buôn Ma Thuột phụ trách kho gửi càphê hướng dẫn thủ tục tận tình, viết giùm những giấy tờ phức tạp, vậy mà cũng phải tới mấy chục chữ ký. Nông dân không quen quan hệ các chủ xe chở hàng vì từ trước đến giờ họ bán cho thương lái, đại lý, được lo vận chuyển hết nên họ nghĩ bán cho thương lái tiện hơn, khỏi bỏ công đi mất một ngày. (Sài Gòn Tiếp Thị 16/3)

Phần 1: Tin công nghiệp
ĐIỆN LỰC
Việt Nam vẫn triển khai dự án điện hạt nhân
Sau khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima I tại Nhật Bản bị nổ do ảnh hưởng của động đất và sóng thần, ông Ngô Đặng Nhân - Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ KH-CM) cho rằng, sự cố này được coi là bài học nghiêm túc và cần thiết cho Việt Nam chứ không ảnh hưởng tới việc từng bước triển khai thực hiện dự án điện hạt nhân. Theo ông Nhân để đảm bảo an toàn trong quá trình phát triển điện hạt nhân có nhiều vấn đề, trong đó công nghệ là quan trọng nhất. Việt Nam sẽ lựa chọn công nghệ thế hệ mới, hiện đại nhất để đảm bảo an toàn cho xây dựng nhà máy điện hạt nhân sắp tới. Theo ông Tấn, Bộ KH-CN đang lấy ý kiến các bộ ngành, đưa ra yêu cầu cho nhà thiết kế để đảm bảo mức độ an toàn. Hiện bộ đã giao cho Cục An toàn bức xạ xây dựng thông tư liên quan đến địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, trong đó quan tâm đến ba vấn đề: hiện tượng tự nhiên (động đất, sóng thần) gây ảnh hưởng tới nhà máy; hoạt động của con người gây mất an toàn trong nhà máy (đường lên xuống sân bay, nhà máy hóa chất, giao thông…) và yếu tố nhà máy có ảnh hưởng tới khu dân cư. (Theo Cafef.vn 17/3)

Cắt điện luân phiên ở Nam Bộ: DN đình trệ, sinh hoạt đảo lộn
Nhiều doanh nghiệp ở Nam Bộ gửi đơn đến báo Nông Nghiệp Việt Nam phản ánh việc sản xuất chăn nuôi của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bị cúp điện triền miên. Ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Việt Mỹ cho biết, nhà máy sản xuất phân bón của ông ở Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) hiện mỗi tuần bị cúp điện tới 2 lần. Mỗi lần “ông điện” cúp hẳn một ngày từ 6 giờ sáng đến 21 giờ tối. Việc cúp điện thường xuyên khiến mọi dây chuyền sản xuất phân bón bị đình trệ, lại đúng vào lúc cao điểm sản xuất phân bón cho vụ Hè Thu nên thiệt hại không sao kể xiết. Trước tình hình cúp điện thường xuyên, Công ty Cổ phần Phân bón Việt Mỹ phải đầu tư hàng tỷ đồng cho hệ thống máy phát điện. Tuy nhiên, để vận hành hệ thống máy phát điện thì chi phí đội lên gấp 3-4 lần so với dùng điện, trong khi việc vận hành chỉ đáp ứng được khoảng 30% công suất của nhà máy. Nhưng điều đáng lo ngại nhất từ hệ luỵ cúp điện, đó là hàng bị giao chậm trễ khiến khách hàng lên tiếng phàn nàn, ảnh hưởng đến uy tín công ty. Ông Hùng cũng cho hay, đơn vị đã làm nhiều kiến nghị tới ngành điện trong việc cung ứng điện, tuy nhiên đến nay điện vẫn cúp. Tại TPHCM, việc cúp điện cũng diễn ra thường xuyên đặc biệt là ở huyện Bình Chánh. Do đó, tại địa bàn hai xã Vĩnh Lộc A và B có hàng ngàn doanh nghiệp lớn, nhỏ đều đã phải trang bị máy phát điện. Ông Phùng Thanh Vũ - Quản đốc Nhà máy của Công ty Cổ phần Nam Việt Úc (chuyên chế biến thực phẩm) cho biết, do mất điện thường xuyên, khiến xe chở hàng phân phối đậu thành hàng dài. Các đại lý thì không có hàng để bán, tất cả bị đình trệ nghiêm trọng. Đơn vị đã bố trí công nhân làm bù vào ban đêm, nhưng vẫn không đáp ứng đủ sản lượng. Đáng nói, thực phẩm do cúp điện không được đông lạnh để chỉ một ngày là hư, thối hoặc không chế biến được. Thê thảm không kém là Công ty Bao bì giấy Nguyễn Hồng (xã Vĩnh Lộc A). Do điện cúp liên miên máy móc không vận hành được, nên thường vi phạm hợp đồng và bị huỷ nhiều đơn hàng, tổn thất nặng nề. (Nông Nghiệp Việt Nam 17/3)

DẦU KHÍ
Thả nổi giá xăng dầu sẽ chống được buôn lậu?
Theo báo cáo của cục Quản lý thị trường, thời gian gần đây, số lượng xăng dầu bán ra trong một tháng của cửa hàng khu vực biên giới khoảng 200.000 lít, tăng gấp 2 lần so với bình thường do các hoạt động buôn lậu. Lãnh đão cục Điều tra chống buôn lậu nhận định, với thực tế chênh lệch giá xăng dầu trong nước với những nước láng giềng như hiện nay, việc đấu tranh chống buôn lậu chỉ để hạn chế, chứ không thể triệt hoàn toàn. Do đó, vị này cho rằng, trừ khi giá xăng dầu trong nước được điều hành theo giá thị trường, tiếp tục nâng giá bán trong nước lên ngang bằng với các nước láng giềng, thì nghiễm nhiên chẳng ai đi buôn lậu mặt hàng này nữa. Đồng tình với quan điểm này, đại diện của công ty TNHH một thành viên dầu khí Đồng Tháp cho rằng, với giá bán hiện nay doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn đang phải bù lỗ 1.000 – 1.500 đồng/lít. Nếu không được tăng giá, doanh nghiệp khó đảm bảo được sự điều tiết theo các chính sách chống buôn lậu hiện nay.Trước ý kiến tiếp tục tăng giá bán trong nước lên ngang bằng với giá xăng dầu của các nước láng giềng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, biện pháp tăng giá không phải là tối ưu trong thời điểm này. Vì theo lộ trình, tới năm 2012, xăng dầu cùng với than, điện mới được quản lý theo cơ chế thị trường. Ông Hoàng cho rằng, hiện các doanh nghiệp xăng dầu đã được hỗ trợ rất nhiều về thuế nhập khẩu, nguồn cung ngoại tệ… nên không thể liên tục điều chỉnh tăng giá, gây ảnh hưởng đến chính sách kinh tế vĩ mô. “Trước mắt, trong tháng 3 này, bộ Công thương sẽ ban hành quy chế kinh doanh xăng dầu tại các vùng biên giới, tính đến biện pháp giới hạn thời gian bán, và sàng lọc những cây xăng, điểm bán không hiệu quả…” ông Hoàng nói. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết thêm, ngay sau hội nghị này, với tư cách là thường trực của ban chỉ đạo 127TW, Bộ Công Thương sẽ ban hành chỉ thị để triển khai những biện pháp kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu xăng dầu. Ông Hoàng nhấn mạnh, trong tuần sau, chỉ thị sẽ được ban hành. Tuy nhiên, tình hình hiện diễn biến rất phức tạp, nên các cơ quan ban ngành cần triển khai ngay những biện pháp đã được thống nhất trong hội nghị. (Sài Gòn Tiếp Thị 15/3)

Có nguồn cung xăng dầu giá rẻ ở Hải Phòng
Ngày 15/3, khảo sát tại khu vực Hải Phòng cho thấy, hiện có một nguồn xăng dầu giá thấp hơn khoảng 1.500 đồng/lít so với giá bán buôn của công ty Xăng dầu khu vực 3 (thuộc Petrolimex). Nguồn hàng giá rẻ này đang được tiêu thụ mạnh cho các đại lý bán lẻ xăng dầu, các doanh nghiệp vận tải, công ty sản xuất thép, nhà máy nhiệt điện… trên địa bàn thành phố. Nguyên nhân là do trước thời điểm tăng giá xăng dầu (ngày 24.2.2011), nhiều tổng đại lý kinh doanh xăng dầu đã nhanh chân “mua hàng trên bể chứa” với giá cũ. Sau khi giá tăng, họ mới đến lấy hàng và mạnh tay giảm giá bán từ 700 – 800 đồng/lít cho các đại lý xăng dầu. Do bị cạnh tranh bởi nguồn hàng giá rẻ này, nên doanh số bán hàng theo hình thức bán buôn của công ty Xăng dầu khu vực 3 trong một tháng qua đã bị sụt giảm mạnh. Vì thế, công ty đang đẩy mạnh hoạt động bán lẻ để tăng doanh thu, đồng thời giảm lỗ do kinh doanh xăng dầu hiện vẫn đang bị lỗ. (Sài Gòn Tiếp Thị 16/3)

Rút giấy phép kinh doanh hai cửa hàng xăng dầu
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 3 này sẽ ban hành quy chế kinh doanh xăng dầu qua biên giới để tăng cường công tác quản lý và có cơ sở xử lý vi phạm trong việc kinh doanh xăng dầu trái phép. Theo dự thảo quy chế, các cửa hàng sẽ phải tuân thủ quy định giờ bán hàng từ 6 giờ đến 18 giờ, cách thức bán (không bán qua can, thùng phuy), công khai quy hoạch mạng lưới xăng dầu dọc biên giới...Ngoài ra, các cửa hàng xăng dầu ở khu vực biên giới chỉ được ký hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp xăng dầu đầu mối và phải tuân thủ định mức bán xăng dầu, chỉ được bán trực tiếp vào phương tiện, hạn chế tối đa việc bán vào thùng phuy, can... (Tiền Phong 17/3)

KHAI KHOÁNG
Lâm Đồng: Khai thác mẻ quặng bauxite đầu tiên tại mỏ Tân Rai
Ngày 16/3, tại mỏ bauxite Tân Rai, Công ty Cổ phần Than Hà Tu (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) đã tổ chức lễ khai thác mẻ quặng bauxite đầu tiên phục vụ hoạt động của nhà máy Alumin, thuộc Dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng. Hiện dự án đã hoàn thành khoảng trên 90% khối lượng công trình. Đơn vị thi công đang tiến hành đấu nối lưới điện 110kV để chạy thử nhà máy nhiệt điện vào tháng 4 tới, đến tháng 5 chạy nhà máy khí hóa than và tháng 6 nhà máy Alumin sẽ hoạt động, cho ra mẻ Alumin đầu tiên. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 11.300 tỷ đồng, công suất nhà máy Alumin giai đoạn 1 là 650.000 tấn Alumin/năm, giai đoạn 2 là 1,2 triệu tấn Alumin/năm. (Sài Gòn Giải Phóng 17/3)

DỆT MAY – DA GIÀY
Indonesia áp thuế tự vệ mặt hàng sợi, DN Việt bị ảnh hưởng
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, Ủy ban tự vệ Indonesia vừa ra thông báo áp thuế tự vệ trên toàn cầu đối với mặt hàng sợi bông (nhập khẩu vào Indonesia trong vòng ba năm, bắt đầu tính từ 9/2. Ngành sợi Việt Nam cũng chịu tác động bởi chính sách thuế mới này, nhưng số lượng xuất khẩu sợi của Việt Nam vào Indonesia còn ít. Việc áp thuế này do Hiệp hội Công nghiệp dệt may Indonesia khởi kiện từ năm 2007 vì cho rằng mặt hàng sợi nhập khẩu đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành sản xuất sợi của Indonesia. (Theo Cafef.vn 16/3)

Ngành dệt may lại thiếu lao động
Bộ Công Thương cho biết, tháng 2/2011, mặt hàng vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo của các doanh nghiệp ngành dệt may tăng mạnh (tăng 22,3%). Tính chung 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 2,16 tỷ USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sản phẩm may mặc chưa đáp ứng đủ nhu cầu xuất khẩu dù các đơn hàng còn quá nhiều do việc thiếu lao động. Sau Tết Nguyên đán, công nhân nghỉ chưa đi làm ổn định nên một số nhà máy đã thiếu hụt lượng lớn lao động, nhất là lao động có tay nghề cao. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải tổ chức tăng ca để đáp ứng yêu cầu tiến độ giao hàng. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã khuyến nghị các doanh nghiệp củng cố đội ngũ lao động, nhằm tránh thiệt hại khi không thực hiện đúng tiến độ giao hàng xuất khẩu. (An Ninh Thủ Đô 17/3)

Ô TÔ – XE MÁY
Khan hiếm ô tô Nhật sẽ đẩy thị trường “xế hộp” VN lên cơn “sốt”?
Hầu hết các hãng xe cả nhập và liên doanh đều cho biết, đang "méo mặt" chờ hàng từ Nhật về. Tuy nhiên, rất may đây là thời điểm thị trường ô tô trong nước vốn đang trầm lắng từ trước nên tình hình này không gây ảnh hưởng gì lắm. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng trưởng phòng liên doanh Toyota Việt Nam cho hay, thông tin từ trụ sở Toyota tại Nhật Bản cho thấy, ngay sau khi vụ động đất xảy ra, hãng Toyota đã nhanh chóng đóng cửa hai nhà máy đặt ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Công nhân tại các nhà máy ở quận Iwate và Miyagi đã được di tản đến nơi khác. Hãng cũng cho đóng cửa các nhà máy nội địa trong vài ngày, để nhân viên và các nhà cung cấp nội địa đi tìm kiếm và kiểm tra xem gia đình, người thân của họ có an toàn trong trận động đất hay không. Bên cạnh việc sản xuất, lắp ráp xe trong nước, Toyota Việt Nam còn nhập khẩu một số dòng xe của Toyota từ Nhật Bản về bán tại Việt Nam như Land Cruiser… hay một số dòng xe của liên doanh Toyota Thái Lan. Hơn nữa, một số linh kiện, phụ tùng xe vẫn được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật. Thế nên thời gian đầu, việc nhập hàng có thể chậm lại một vài tuần, song Toyota Việt Nam vẫn cố gắng đảm bảo kế hoạch sản xuất đã đề ra. Ông Tuấn nhận định: những hãng xe liên doanh thì ít bị ảnh hưởng hơn, còn những doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi trực tiếp từ Nhật chắc chắn là "đau đầu" bởi trận động đất vừa qua. Ông Nguyễn Đức Nam - Giám đốc Công ty CP đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Nhật Anh, quản lý hai salon ô tô nhập khẩu Nhật Anh trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) cho biết, trước đó doanh nghiệp vẫn nhập khẩu một số dòng xe của Nissan và Honda từ Nhật Bản về bán. Mới đây, một đối tác xuất hàng bên Nhật cho biết, nhiều nhà máy của Nissan được đặt ở vùng Đông Bắc nước Mỹ nên bị ảnh hưởng nặng bởi động đất, sóng thần và đang ngừng sản xuất. Hàng nghìn chiếc xe Nissan đang chờ xuất ra thị trường đã bị sóng thần cuốn trôi. Tuy không phủ nhận các doanh nghiệp ô tô nhập khẩu xe nguyên chiếc và linh kiện từ Nhật Bản bị ảnh hưởng khá lớn từ trận động đất vừa qua nhưng anh Nam vẫn hài hước: May mà thị trường trong nước thời gian này trầm lắng, hàng chưa về nhưng cũng không thấy khách hỏi mua, nên Công ty cũng đỡ tiếc vì chưa nhập được hàng. Theo anh Nam, hai salon của Nhật Anh trong tháng 2 chỉ bán được vỏn vẹn 10 chiếc xe hơi, trong khi các tháng trước Tết doanh số trung bình thường từ 50 tới 60 chiếc. Từ đầu tháng 3 đến giờ, lượng xe bán ra chỉ đếm trên đầu ngón tay. Việc các cửa hàng ngoại tệ tự do đóng cửa cũng khiến doanh nghiệp khó khăn hơn trong việc mua USD để nhập hàng. Thị trường xe hơi từ qua Tết đến nay ế ấm bởi nhiều nguyên nhân, từ việc tỷ giá tăng mạnh, tới các chính sách hạn chế xe nhập từ Nhà nước, chứng khoán sụt giảm, ngoại tệ bị cấm giao dịch tự do, vàng miếng trầm lắng do thông tin cấm mua bán, và mới đây nhất là động đất tại Nhật, thị trường cung cấp ô tô và linh kiện lớn cho Việt Nam. Ông Hoàng Thức, chuyên viên tư vấn của GM Deawoo Việt Nam, cho rằng, việc chứng khoán xuống dốc, vàng, USD hết thời cũng tác động không nhỏ đến nhu cầu về xe hơi trong nước. Trước đây những nhà đầu tư đôi khi trúng “một mẻ” chứng khoán hay vàng, USD thường tự thưởng cho mình 1 chiếc xe mới, hay đổi xe sang hơn. Nhưng bây giờ các salon xe hơi ít gặp những “món hời” đó. Theo ông Thức, doanh số bán ra trung bình của 1 đại lý GM Deawoo tại Hà Nội thời gian qua giảm 50 – 70% so với trước Tết. Chẳng hạn trong tháng 2, salon ở số 1 Lê Trọng Tấn chỉ bán được hơn 20 chiếc trong khi mấy tháng cuối năm 2010, lượng xe bán ra khoảng 50 – 60 chiếc. Tuy nhiên, dù thị trường èo uột khách nhưng hầu như các salon, đơn vị kinh doanh xe nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước thời điểm này lại rất ít có các chương trình khuyến mãi để kích cầu. “Liên doanh GM Deawoo Việt Nam đang xem xét để có lộ trình tăng giá hợp lý thời gian tới, vì tất cả mặt hàng đã lên giá mạnh nhiều lần trong nhiều tháng nay. Chúng tôi không thế căn ke mãi khi đầu vào thì tăng mà đầu ra vẫn không tăng. Hơn nữa, một số hãng xe cũng đã chính thức có biểu giá mới”, ông Thức nói. Còn Phó Trưởng phòng Toyota Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn, cho hay, Toyota Việt Nam đã chính thức tăng giá bán các dòng xe lên 7%, áp dụng từ đầu tháng 3 này.Đại diện các salon xe nhập khẩu dù thừa nhận giá nhập xe tính theo ngoại tệ hiện vẫn chưa tăng, song các chi phí tác động đến xe nhập như tỷ giá, thuế, phí lưu kho bãi, vận chuyển, thuê mặt bằng… đều đã tăng mạnh, nên nhiều doanh nghiệp đã phải xem xét đến việc tăng giá. (Đất Việt 17/3)

Xe máy Honda Việt Nam - Tại sao chênh giá?
Không thể phủ nhận thực tế là các đại lí uỷ quyền của Honda (HEAD) bán xe cao hơn giá lẻ đề xuất của chính hãng và người tiêu dùng mặc nhiên quy kết Honda Việt Nam (HVN) có trách nhiệm liên đới. HVN vẫn công bố giá bán lẻ đề xuất của xe trên website công ty, nhưng đến tay người tiêu dùng, nhiều sản phẩm bị chênh giá vài triệu, thậm chí cả chục triệu đồng trong dịp giáp Tết Nguyên đán. Mặc dù HVN đã không chỉ một lần thanh minh sự việc này không liên quan và ngoài tầm kiểm soát của công ty, nhưng chỉ chắc chắn một điều, hình ảnh thương hiệu Honda trong mắt người tiêu dùng Việt, đã không còn đẹp như trước. Có 2 nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Thứ nhất, HVN không bán sản phẩm trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng mà thông qua các HEAD. Thứ hai, các HEAD không được nhận hàng kí gửi từ HVN mà phải trả tiền khi mua hàng, tức là quan hệ đối tác kinh doanh độc lập chứ các HEAD không thuộc quyền quản lí của HVN. Việc các HEAD bán sản phẩm với giá bao nhiêu không phụ thuộc vào HVN, vì các sản phẩm đã hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của các HEAD, chứ không còn là của HVN nữa. Chính vì thế, đại diện Honda Việt Nam cho biết rằng hãng này không thể yêu cầu các HEAD bán xe với giá bao nhiêu. Với hai lí do trên, chắc chắn người tiêu dùng sẽ đặt ra câu hỏi: Vậy trách nhiệm của nhà sản xuất (Honda Việt Nam) và nhà phân phối (HEAD) thể hiện ở đâu? (Dân Trí 16/3)

ĐIỆN TỬ
Emerson xây nhà máy linh kiện điện thoại tại Hải Phòng
15/3, tại trụ sở UBND thành phố, lãnh đạo thành phố Hải Phòng cùng đại diện các ngành liên quan đã có buổi làm việc với Phó Chủ tịch Tập đoàn Emerson.
Emerson sẽ xây một nhà máy sản xuất linh liện điện thoại tại khu công nghiệp Tràng Duệ, dự kiến khởi công trong tháng 5. Emerson Network Power là tập đoàn của Mỹ chuyên sản xuất các loại pin điện thoại, máy tính... chiếm 40% thị phần trên thế giới. Khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng có tổng diện tích 600 ha nằm trên quốc lộ 10, thu hút được nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Anh Quốc, Đài Loan. (DVT.vn 16/3)

CÔNG NGHIỆP TIÊU DÙNG VÀ CHẾ BIẾN
Cơ chế điều tiết giá thuốc: Bài toán nan giải?
Từ đầu năm 2011 đến nay, rất nhiều loại thuốc, kể cả nhập khẩu và trong nước đã tăng giá đột biến làm cho thị trường hình thành một mặt bằng giá mới. Trong cuộc đua giá ấy, người bệnh khó khăn để mua được những loại thuốc đặc trị trong khi nhiều bệnh viện nơm nớp lo sợ bị ngưng nguồn thuốc từ các hãng dược phẩm. Nhà chức trách thì đau đầu vì làm thế nào để quản lý mà không phải dùng đến các biện pháp hành chính khô khan. Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh dược Việt Nam (VNPCA) cho biết, gần như tháng nào cũng có hàng chục mặt hàng thuốc được điều chỉnh tăng giá, nhiều nhất là thuốc ngoại nhập. Tại TPHCM, Sở Y tế cho biết, công việc thanh kiểm tra giá thuốc đang thực hiện ở bước đầu, chủ yếu xử lý các vi phạm về niêm yết giá, mua bán không hóa đơn chứng từ. UBND thành phố cũng đã làm việc với các công ty sản xuất, kinh doanh dược để tìm biện pháp bình ổn giá thuốc. Sở Y tế sẽ phối hợp với Công ty dược phẩm Sài Gòn Sapharco có kế hoạch cung ứng đủ thuốc chữa bệnh, đồng thời giữ giá ổn định những loại thuốc thiết yếu. UBND thành phố cũng đang lên kế hoạch xem xét việc lập Quỹ bình ổn giá thuốc. Theo bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Chủ tịch TPHCM, thành phố đã thống nhất cho doanh nghiệp vay không lãi 12 tháng không thế chấp để thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và thuốc chữa bệnh sản xuất trong nước. Lãnh đạo Sở Y tế cũng cho hay, ngân sách thành phố dành cho bình ổn giá thuốc vào khoảng vài chục tỷ đồng mua dự trữ các loại thuốc thiết yếu do các đơn vị sản xuất trong nước. Quỹ bình ổn nhằm hướng đến những đối tượng phải tự mua thuốc (ngoài bảo hiểm y tế). Khi có nguồn thuốc ổn định với giá ổn định, thị trường tự nhiên sẽ điều tiết theo. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là sẽ quản lý giá thuốc ngoại nhập như thế nào, khi các doanh nghiệp nhập khẩu dược lý giải do việc USD tăng giá, giá thuốc ngoại phải tăng theo. Có ý kiến đề nghị cơ quan quản lý thuốc cần sớm ban hành mẫu hóa đơn thuế đặc thù của ngành dược, trong đó ghi thông tin rõ ràng giá thuốc CIF là giá thuốc nhập khẩu về đến cảng Việt Nam. Giá bán buôn dự kiến đã được kê khai và kê khai lại. Điều này sẽ hỗ trợ tốt việc kiểm tra giám sát việc bán theo giá đã kê khai. Một khó khăn nữa là tính đặc thù của dược phẩm. Làm thế nào để vừa giữ bình ổn giá thuốc trong cơ chế thị trường vừa không sử dụng các biện pháp hành chính để cưỡng lại các quy luật của kinh tế thị trường? Tiến sĩ Phong Lan - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM phân tích: Bài toán không phải là tìm mọi cách kìm giữ giá thuốc mà cần phải tạo một cơ chế thích hợp để điều tiết, giảm bớt các trung gian và những chi phí phát sinh không cần thiết. (Thời Báo Kinh Tế Việt Nam 17/3)

Ngành chế biến sữa: Bảo vệ sân nhà từ... sân ngoại
Không đâu bằng sân nhà, nơi mà doanh nghiệp hiểu và được người tiêu dùng ủng hộ, đặc biệt trong tình hình kinh tế toàn cầu nhiều biến động. Điều này có vẻ phù hợp với các doanh nghiệp sản xuất sữa, đặc biệt là sữa bột, khi giá sữa ngoại hiện nay luôn cao hơn rất nhiều so với giá sữa sản xuất trong nước. Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) dường như nhanh chân hơn trong việc nắm bắt cơ hội này khi sang tận châu Âu vào đầu tháng 3-2011 để tìm ba “đại gia” là DSM, Lonza (Thụy Sĩ) và Chr.Hansen (Đan Mạch) - các tập đoàn chuyên nghiên cứu, sản xuất các loại chất - vi sinh cho các sản phẩm dinh dưỡng theo đơn đặt hàng riêng của mình. Ông Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc điều hành sản xuất và phát triển của Vinamilk nói rằng không dễ để ba tập đoàn nói trên đáp ứng đề nghị của Vinamilk nếu Vinamilk không chủ động hợp tác nghiên cứu với Viện Dinh dưỡng quốc gia (NIN) để tìm hiểu nhu cầu dinh dưỡng đặc thù của trẻ em Việt Nam. Theo ông Khánh, kết quả mà NIN cung cấp cho Vinamilk về tình hình dinh dưỡng của trẻ ở độ tuổi từ 2-5, hay tình trạng thiếu vi chất còn rất phổ biến ở trẻ em Việt Nam - đủ làm cơ sở cho Vinamilk tự tin yêu cầu ba “ông lớn” sản xuất riêng các loại dưỡng chất để Vinamilk cho ra lò các sản phẩm sữa bột phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em trong nước. NIN cũng như các cơ quan nghiên cứu khoa học khác đã tập trung rất nhiều chất xám chuyên sâu, nhưng lâu nay việc sử dụng chất xám đó vẫn còn lãng phí. Cho nên khi Vinamilk chủ động đặt hàng nghiên cứu từ những cơ quan này, rõ ràng doanh nghiệp đạt được mục tiêu mình muốn, còn viện thì có đề tài hữu ích để nghiên cứu và phổ biến. Kết quả như thế nào từ việc hợp tác của Vinamilk thì còn phải chờ. Tuy nhiên, với cách tự bảo vệ lấy mình trên sân nhà thông qua việc tạo ra sản phẩm riêng biệt có chất lượng với giá bán phù hợp mà Vinamilk đang làm trong tình hình kinh tế khó khăn quả là đáng bàn, nhất là ở những doanh nghiệp trong các lĩnh vực cũng thuộc tầm cỡ đầu ngành như Vinamilk. (Tuổi Trẻ 17/3)

Lối thoát cho xuất khẩu cà phê
Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước đang ở vị trí canh trạnh quá bất lợi so với thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài khi thu mua cà phê. Hơn thế, lãi suất huy động đô la lại thấp “một trời một vực” so với đồng Việt Nam và việc điều chỉnh tăng rất mạnh tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam vừa qua đã tạo thêm lợi thế cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh trong lĩnh vực này. Trong khi đó, việc cấm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực này hoàn toàn chỉ là biện pháp nhất thời “chữa cháy”, chứ không phải là “trị bệnh từ gốc”. Bởi lẽ, theo lộ trình thực hiện WTO, ngay như mặt hàng nông sản chiến lược gạo, Việt Nam cũng đã mở cửa cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào kinh doanh xuất khẩu trong năm nay, cho nên chắc chắn cũng không thể cấm mãi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào kinh doanh xuất khẩu cà phê. Ngoài ra, xuất khẩu cà phê với giá quá rẻ chính là “căn bệnh kinh niên” của các doanh nghiệp trong nước từ hàng chục năm nay, mà cấm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp mua cà phê để xuất khẩu chính là dung dưỡng cho căn bệnh này kéo dài thêm và cũng có thể nặng thêm. Điều này cũng có nghĩa là sẽ tiếp tục hy sinh không chỉ quyền lợi của quốc gia, mà cả quyền lợi của nông dân sản xuất cà phê hiện nay, những người có công đầu đưa cà phê Việt Nam lên ngôi “á hậu” làng xuất khẩu cà phê thế giới, nhưng lại là đối tượng thiệt thòi nhất trong toàn bộ dây chuyền sản xuất, kinh doanh xuất khẩu và chế biến cà phê. Trong khi đó, các số liệu thống kê của thế giới cho thấy, lợi ích thu được qua phát triển công nghiệp chế biến cà phê còn lớn hơn rất nhiều so với xuất khẩu cà phê nhân. Đó là, trong những năm sốt nóng giá cà phê thế giới như các năm 1988 và 2007, thì giá của nông sản thô này cũng chỉ bằng 36,3% và 35,7% giá cà phê hòa tan trên thị trường thế giới. Rõ ràng, tích hợp cả hai điều kiện giá và sản lượng cà phê nhân, Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn bất cứ quốc gia nào trên thị trường thế giới trong việc phát triển công nghiệp chế biến cà phê, bởi nguồn nguyên liệu khổng lồ với giá rẻ hiếm có. Do vậy, phải chăng khuyến khích gia tăng mạnh vốn đầu tư, kể cả vốn đầu tư nước ngoài vào phát triển công nghiệp chế biến cà phê mới là hướng đi chủ đạo của Việt Nam, bởi lợi ích mà nó đem lại chắc chắn là không hề nhỏ. Đó là, vừa “giải được bài toán” nhức nhối giá cà phê xuất khẩu quá “bèo bọt” hiện nay, vừa góp phần không nhỏ vào việc nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm cà phê “Made in Vietnam” trên thị trường thế giới, vừa góp phần khắc phục tình trạng nhập siêu vẫn còn rất nghiêm trọng hiện nay và vừa tạo công ăn việc làm cho một bộ phận trong lực lượng lao động hùng hậu của nước ta. Hẳn nhiên đây là hướng đi không hề đơn giản, bởi chen chân được vào thị trường cà phê chế biến mà các tập đoàn đa quốc gia thống trị từ rất nhiều thập kỷ nay là điều không dễ. Nhưng có lẽ đó là hướng đi tối ưu, bởi vì Việt Nam đang có cả hai tiền đề quan trọng và thuận lợi bậc nhất trong phát triển công nghiệp chế biến: nguồn nguyên liệu dồi dào và giá cũng rất rẻ. (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn 17/3)

Phần 2: Tin Thương mại
CHÍNH SÁCH THƯƠNG MẠI
EU bỏ thuế chống bán phá giá giày mũ da Việt Nam
Ngày 16/3, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ chính thức bãi bỏ việc áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da Việt Nam kể từ ngày 31/3. Thương vụ Việt Nam tại EU và Bỉ-Luxembourg khẳng định thông tin trên đã được Công báo của EU đăng tải ngày 16/3, theo Thông báo số 2011/C 82/04 của Ủy ban châu Âu (EC) về việc thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da Việt Nam và Trung Quốc sẽ chấm dứt vào ngày 31/3 tới. Tuy nhiên, Công báo cũng nêu rõ EC sẽ tiếp tục áp dụng cơ chế giám sát trong vòng một năm nữa để đánh giá việc nhập khẩu giày mũ da từ Việt Nam và Trung Quốc. Quá trình giám sát này nhằm giúp EC có thể sớm đưa ra các biện pháp trong trường hợp lại xảy ra tình trạng "bán phá giá". (Thông Tấn Xã Việt Nam 17/3)

XUẤT NHẬP KHẨU
Xuất khẩu gạo: “Chững” để chờ thời?
Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) vừa thông báo giảm giá sàn xuất khẩu một số sản phẩm gạo. Đây là lần thứ 5 kể từ đầu năm VFA điều chỉnh giá sàn xuất khẩu gạo. Điều này cho thấy thị trường xuất khẩu gạo đầu năm nay đang có dấu hiệu “chững”. VFA đã điều chỉnh giảm giá sàn xuất khẩu gạo loại 5% tấm về mức 500 USD/tấn, giảm 20 USD/tấn và loại gạo 25% tấm về mức 480 USD/tấn từ mức 490 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn. Thoạt nghe việc điều chỉnh này có vẻ như không hợp lý, bởi theo thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2011, xuất khẩu tăng mạnh nhất từ trước tới nay. Cụ thể hai tháng đầu năm lượng gạo xuất khẩu đạt 1,1 triệu tấn, thu 595 triệu USD, tăng 55,6% về khối lượng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc VFA giảm giá sàn trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn bình thường. Hạ giá sàn xuất khẩu mục đích chính là khuyến khích xuất khẩu và tiêu thụ lúa hàng hoá cho nông dân. Trong khi đó, nhiều người lại cho rằng, sở dĩ xuất khẩu gạo trong hai tháng đầu năm cao nhất từ trước tới nay không phải do thị trường tiêu thụ biến động mà đây là lượng gạo đã được các doanh nghiệp ký từ trước đó, còn thực chất lượng gạo xuất khẩu ký kết năm 2011 hiện đang “chững” lại do nhu cầu thị trường. Chẳng hạn, Philippines - quốc gia nhập khẩu gạo lớn trên thế giới thời điểm này vẫn chưa tham gia thị trường, trong khi hàng năm từ tháng 1, nước này đã xúc tiến việc nhập khẩu với số lượng khá lớn. Nếu như năm 2010 Philippines nhập khẩu 2 triệu tấn gạo thì năm nay, nước này cho biết sẽ chỉ nhập khoảng 800 nghìn tấn. Trong khi đó, Philippines là một trong những bạn hàng lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo các chuyên gia, việc Philippines giảm lượng nhập khẩu cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay. Ngay cả Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới cũng giảm giá bán để thu hút người mua. Các nước nhập khẩu gạo với số lượng lớn đang đợi giá tiếp tục giảm mới quyết định mua vào. Trong khi đó, Văn phòng khoa học, nông nghiệp và kinh tế tài nguyên Australia (ABARES) dự báo, giá nông sản trên thị trường thế giới, bao gồm lúa mì, đậu tương và đường, sẽ giảm từ năm tới bởi nông dân tăng cường sản xuất sau khi giá tăng kỷ lục. Trong báo cáo thị trường hàng quý, quý 1/2011, ABARES nhận định, giá thực phẩm hiện đang ở mức kỷ lục sẽ thúc đẩy nông dân ở khắp nơi bao gồm cả Mỹ, châu Âu và châu Á tăng diện tích trồng trọt, và điều đó tất yếu đưa nguồn cung lên cao, giúp giá hạ nhiệt các loại lương thực khác trong đó có gạo. Một khó khăn khác của các doanh nghiệp gạo trong nước hiện nay là đang phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp lương thực nước ngoài. Bởi, theo lộ trình thực hiện các cam kết WTO, thị trường lương thực trong nước năm nay sẽ mở cửa tự do cho các doanh nghiệp nước ngoài. doanh nghiệp lương thực nước ngoài sẽ hoàn toàn bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước. Trước đây, muốn làm ăn tại thị trường Việt Nam họ buộc phải liên doanh với một doanh nghiệp trong nước. Do vậy, VFA cho rằng nguy cơ các doanh nghiệp nhỏ, các cơ sở thu mua lúa gạo nhỏ, lẻ rất dễ lọt vào tay các nhà kinh doanh gạo nước ngoài. Hiện nay cả nước có hàng trăm doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu nhưng số doanh nghiệp xuất khẩu đúng nghĩa chỉ khoảng hơn 30 Công ty, còn lại phần lớn là những doanh nghiệp nhỏ lẻ, khó cạnh tranh, thậm chí có doanh nghiệp cả năm chỉ xuất được vài container. Không chỉ có vậy, hiện các doanh nghiệp còn phải đối mặt với lãi suất vay vốn ở mức cao khiến việc xuất khẩu đã khó nay lại tiềm ẩn rủi ro cao. Nhiều ý kiến cho rằng, việc VFA liên tục điều chỉnh giá sàn xuất khẩu gạo kể từ đầu năm tới nay là động thái nhằm hỗ trợ thị trường xuất khẩu gạo.Tuy nhiên, để hạt gạo Việt Nam có chất lượng và giá cả tốt hơn và đủ sức cạnh tranh với thế giới vẫn cần những chính sách “dài hơi”. Hơn nữa, việc hạ giá sàn xuất khẩu gạo cũng cần một cơ chế minh bạch để doanh nghiệp tránh được bất ngờ không đáng có. (Diễn Đàn Doanh Nghiệp 16/3)

Doanh nghiệp hạn chế ký hợp đồng xuất khẩu cao su
Do phải đến cuối tháng 5 cây cao su mới cho mủ trở lại nên nhiều doanh nghiệp đã hạn chế ký hợp đồng xuất khẩu cao su mới để tập trung nguồn hàng cho các hợp đồng đã ký trước đó, theo Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA). Bà Nguyễn Thị Minh Lý - Phó ban đối ngoại VRA cho biết, do giá cao su đang ở mức cao, thêm vào đó là Việt Nam đã qua vụ thu hoạch mủ nên nhiều doanh nghiệp đã bán hết lượng cao su sản xuất được, một số doanh nghiệp còn mủ cao su lại hạn chế ký hợp đồng nhằm đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho các hợp đồng đã ký. Ông Phan Tấn Hải - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thuộc Tập đoàn cao su Việt Nam cho biết, hiện giá cao su giao dịch trên sàn Tocom (Nhật Bản) đang giảm mạnh nhưng không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp xuất khẩu cao su trong nước. “Mỗi năm sản lượng cao su xuất sang Nhật chỉ chiếm 3-5% tổng sản lượng xuất khẩu (750.000 tấn), còn xuất sang Trung Quốc khoảng 60% sản lượng nên giá của tại Tocom rớt không ảnh hưởng nhiều”, ông Hải cho biết. Ông Hải cũng cho hay, do giá cao su đang ở mức cao, 120 triệu đồng/tấn, nên nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán hết để giảm chi phí lưu kho. (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn 16/3)

Xuất khẩu sắn tăng vọt nhờ giá cao
Trong 2 tháng đầu năm, nước ta đã xuất khẩu 593.000 tấn sắn, trị giá 202,3 triệu USD, tăng 34,4% về lượng và 72,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá sắn nước ta đã tăng 40 – 50% trong vòng 1 năm qua nhờ nhu cầu mạnh của các khách hàng Trung Quốc kết hợp với nhu cầu sử dụng trong nước làm thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học. Theo dự kiến của Bộ NN&PTNT, trong năm nay, sản lượng sắn cả nước đạt 8,9 triệu tấn nhờ diện tích được mở rộng ở Phú Yên, trong đó 8,12 triệu tấn sẽ phục vụ nhu cầu trong nước. (Cafef.vn 17/3)

Xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ tăng 17,6%
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 2 đạt 200 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này hai tháng đầu năm lên 548 triệu USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội Gỗ & Lâm sản Việt Nam nhận định xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2011 có thể tăng 30% và vượt 4 tỉ USD, so với 3,4 tỉ USD của năm ngoái. Theo tính toán của Hiệp hội Gỗ & Lâm sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ dự kiến trong các năm 2015 và 2020 lần lượt đạt 4,5 tỷ USD và 7 tỷ USD. (Cafef.vn 17/3)

Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi tăng bình quân 30-35%/năm
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Phi những năm gần đây tăng trưởng khá nhanh. Năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam sang Phi đạt 1,79 tỷ USD tăng 20% so với năm 2009 và tăng hơn 10 lần so với năm 2001; nhập khẩu đạt 767 triệu USD. Việt Nam đã có quan hệ nhập khẩu với hầu hết 54 nước Châu Phi. Các nước xuất khẩu quan trọng của Việt Nam hiện nay gồm: Nam Phi (chiếm tỷ trọng xuất 24%), Ai Cập, Bờ Biển Ngà, Senegal, Algerie… Việt Nam xuất khẩu sang Phi là gạo (chiếm tỷ trọng 4%), đá quý, dệt may, hải sản, cà phê…. Mặt hàng Việt Nam nhập khẩu của Phi gồm: hạt điều, sợi bông, sắt vụn, đồ gỗ…. Đại diện của Vụ thị trường châu Phi – Tây Á – Nam Á cho biết, thị trường Phi có nhu cầu khá lớn với hàng hóa Việt Nam, nhất là hàng nông sản và hàng tiêu dùng; các nước châu Phi có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa mỗi năm lên đến 500 tỷ USD; cơ cấu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phù hợp với nhu cầu của các nước Phi. Kim ngạch xuất khẩu sang Phi của Việt Nam hàng năm tăng khoảng 30 - 35%. Tuy nhiên, mặt hạn chế cần chú ý đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi giao thương với các nước Phi là khoảng cách địa lý xa xôi, khả năng thanh toán hạn chế, tình hình chính trị bất ổn ở một số nước, hạ tầng kém, xuất khẩu chủ yếu qua trung gian, chi phí thương mại trung bình cao…. (được biết hàng Việt Nam xuất khẩu sang Phi chiếm một phần không nhỏ dưới dạng hàng đổi hàng qua một số trung gian lớn). (Cafef.vn 17/3)

Năm 2010, kim ngạch nhập khẩu thuốc trừ sâu tăng 12,4%
Theo số liệu thống kê, kim ngạch nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu của Việt Nam tháng 12/2010 đạt 72,3 triệu USD, tăng 15% so với tháng trước và tăng 18,9% so với cùng tháng năm ngoái, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu của Việt Nam năm 2010 đạt 549 triệu USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 0,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của cả nước năm 2010. Trong năm 2010, một số thị trường cung cấp thuốc trừ sâu và nguyên liệu cho Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh về kim ngạch là Anh, Pháp Thái Lan và Singapore. (Vinanet 16/3)

THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
Giá hạt điều hết “sốt” nóng
Sau khi giá điều thô tăng nóng ở tuần đầu tiên của tháng 3, đẩy lên hơn 40.000 đồng/kg ở Bình Phước, thậm chí nhiều nông dân trồng điều còn hy vọng giá sẽ tăng lên 50.000 đồng/kg thì sang đầu tuần này, giá điều tụt giảm mạnh, chỉ còn 32.000 đồng/kg ở Bình Phước, 34.000-35.000 đồng/kg ở Bình Dương. Tại Bình Phước, nông dân trồng điều đang lo lắng vì nhiều đại lý, dù giá giảm, vẫn không muốn mua vào do giá nói trên vẫn còn cao hơn giá định hướng của Hiệp hội cây điều Việt Nam, 24.500-27.500 đồng/kg. Tại Bình Dương, giá hạt điều hiện đang ở mức từ 34.000 - 35.000 đồng/kg, tuy hạ thấp nhưng vẫn tăng hơn 10.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Giá hạt điều tăng cao nhưng sản lượng điều năm nay ở Bình Dương có khả năng giảm do bị ảnh hưởng bởi sương muối. (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn 17/3)

TPHCM: Mở rộng đối tượng tham gia chương trình bình ổn
TP.HCM sẽ tập trung bình ổn ba nhóm hàng lương thực thực phẩm, thuốc tây và các mặt hàng mùa khai trường. Trong đó, thực phẩm thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố gồm chín mặt hàng: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản. Đây là nội dung kết luận tại cuộc họp của Ủy ban nhân dân TPHCM với các sở ban ngành về chương trình bình ổn năm 2011 và Tết Nhâm Thìn 2012 với mức vốn dự kiến hơn 660 tỉ đồng. Ngoài ra, thành phố cũng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn mà không nhận vốn, chủ động tạo nguồn hàng, xây dựng các chương trình khuyến mãi, giảm giá tham gia bình ổn. Sở Công thương tiếp tục nhận đơn đăng ký tham gia từ nay đến hết ngày 24/3. Một nét mới trong chương trình năm nay là giá bán hàng bình ổn sẽ được điều chỉnh linh động theo biến động của thị trường. Trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động tăng cao hơn 15% so với thời điểm đơn vị đăng ký giá bán bình ổn, các đơn vị được điều chỉnh tăng giá bán. Khi thị trường biến động giảm giá từ 5% trở lên (nghĩa là giá bán bình ổn chỉ còn thấp hơn giá thị trường khoảng 5%), các đơn vị phải đăng ký điều chỉnh giảm giá bán tương ứng. (Tuổi Trẻ 17/3)

TPHCM: Lại "phát sốt" vì giá sữa tăng
Ngày 15/3, theo khảo sát của phóng viên tại khu vực trung tâm bán sữa sỉ trên đường Nguyễn Thông, Quận 3 cho thấy, hầu như tất cả các loại sữa đều tăng giá. Các bà chủ ở đây cho biết, chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 3, họ đã treo bảng giá mới áp dụng đối với hàng loạt nhãn sữa ngoại. Trong đó ngay đầu tháng 3, hơn 40 loại sản phẩm sữa của hãng Abbott đã tăng giá 10-20%. Điển hình như sữa Ensure Gold hộp 900g giá 474.000 đồng "vọt" lên 557.000 đồng. Tiếp tục những ngày sau đó, nhiều hãng sữa khác như Mead Johnson, XO, Milex… tiếp tục điều chỉnh tăng 5-15% giá bán. Hãng Hanco food cũng điều chỉnh giá sữa tăng từ 5-10%. Chủ đại lý sữa tại đây cũng cho biết, trước đó, trong tháng 2, các hãng sữa đã nhiều lần điều chỉnh giá bán: Mead Johnson điều chỉnh giá các sản phẩm Enfagrow, Enfakid tăng khoảng 7-8%, Dutch Lady tăng giá các sản phẩm sữa bột từ 13-15%. Theo giải thích của chủ các đại lý sữa cho biết các nhà cung cấp sữa nhập khẩu lý giải việc tăng giá chủ yếu vẫn là chi phí đầu vào tăng cao cùng các biến động tỉ giá đồng USD Mỹ. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần đầu tháng 3 này, giá sữa trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng ngất ngưởng 20%. (Cafef.vn 16/3)

Cà phê quay đầu tăng lên 45.700 đồng/kg
Giá cà phê nhân xô trong nước tăng 1.200 đồng/kg lên 45.700 đồng/kg sau 4 phiên giảm liên tiếp. Giá cà phê xuất khẩu tại cảng TP.HCM là 2.270 USD/tấn với mức trừ lùi 100 USD, tỷ giá 20.833 đồng/USD. Giá cà phê kỳ hạn trên sàn London đóng cửa tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ tư do lực cầu tăng mạnh sau 4 phiên giảm giá liên tiếp. Giá cà phê kỳ hạn tháng 5 đóng cửa ở mức 2.487 USD/tấn, tăng 112 USD, tương đương 4,5% so với phiên trước. Nguồn cung cà phê nhân chất lượng cao của thế giới thắt chặt là yếu tố cơ bản hỗ trợ cho hai thị trường giao dịch cà phê lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, theo dự đoán của các thương nhân, những lo lắng về hậu quả của trận động đất và khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản sẽ tiếp tục là mối quan tâm hàng hầu của thị trường và do đó giá cả sẽ tiếp tục biến động trong những phiên sắp tới. (DVT.vn 17/3)

XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại Việt Nam - Campuchia
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh bên cạnh một loạt hoạt động xúc tiến thương mại, khảo sát các kênh phân phối bán lẻ, hội thảo “Campuchia - thời cơ mới cho doanh nghiệp Việt Nam” sẽ được triển khai trong thời gian diễn ra Hội chợ thương mại, dịch vụ Việt Nam - Campuchia 2011. Các hoạt động này nhằm thăm dò nhu cầu thị trường, đẩy mạnh đưa hàng hóa Việt Nam sang thị trường tiềm năng này. Hội chợ thương mại, dịch vụ Việt Nam - Campuchia 2011 sẽ diễn ra từ 6-10/4 tại Trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế Koh Pich (đảo Kim Cương), thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Theo đó, có khoảng 300 gian hàng (250 gian hàng của Việt Nam, 50 của Campuchia) trưng bày các sản phẩm như thực phẩm chế biến, nhựa gia dụng, sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, dệt may, trang trí nội thất, dịch vụ y tế, giáo dục... (Tuổi Trẻ 17/3)

Giảm thiểu rủi ro giao dịch thương mại với châu Phi
16/3, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã phối hợp với Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) tổ chức hội thảo “Giảm thiểu rủi ro trong Thương mại với châu Phi.” Theo Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và châu Phi đạt gần 3 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng trung bình 30%. Hiện nay, châu Phi có ba chương trình hợp tác với Việt Nam. Đó là, đẩy mạnh xúc tiến thương mại (giữa hai bên); Phát triển xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; Dự án hỗ trợ doanh nghiệp vừa-nhỏ Việt Nam với nguồn vốn đầu tư do Thụy Sỹ tài trợ. Ông Lê Ngọc Thi-Vụ thị trường châu Phi-Tây Á-Nam Á cho biết Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 50 quốc gia châu Phi và ký Hiệp định Thương mại song phương với 15 quốc gia. Châu Phi là thị trường nhiều tiềm năng và có nhu cầu lớn đối với hàng hóa Việt Nam, đặc biệt các mặt hàng tiêu dùng, nông sản… đồng thời, nhiều quốc gia châu Phi đang được hưởng thuế quan ưu đãi trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ và EU. Song song với những điều kiện thuận lợi thì việc xuất khẩu hàng hóa và xúc tiến thương mại sang thị trường châu Phi vẫn tồn tại nhiều khó khăn và rủi ro: thuế nhập khẩu ở mức cao từ 5-40% đối với hầu hết các mặt hàng, khả năng thanh toán hạn chế, hạ tầng cơ sở và thông tin liên lạc kém, bất ổn về chính trị-xã hội, xuất khẩu chủ yếu qua trung gian và chi phí thương mại trung bình cao. Bên cạnh đó, hàng hóa còn chịu một số rào cản về thương mại như nhãn mác, thông tin sản phẩm ghi trên bao bì phải bằng tiếng của quốc gia sở tại, tiếng Pháp hoặc Anh; một số sản phẩm xuất khẩu phải có chứng thực lãnh sự hóa; đối với các quốc gia Hồi giáo thì sản phẩm lương thực, thực phẩm không được có mỡ lợn và phải có giấy chứng nhận riêng. Ông Alain Chevalier-Chuyên gia của ITC cho biết, ở châu Phi chưa có ngân hàng nào của Việt Nam hoạt động nên việc thanh toán và đảm bảo hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp Việt Nam và châu Phi chưa chủ động khảo sát thị trường và trao đổi thông tin để tìm kiếm cơ hội hợp tác bền vững. Tuy nhiên, hiện châu Phi có những tổ chức kinh tế gồm nhiều quốc gia đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất-nhập khẩu (thủ tục hành chính, thuế…) và doanh nghiệp Việt Nam có thể thông qua những tổ chức này để hợp tác kinh doanh. (Vietnamplus 16/3)./.