Ông Quách Đình Diệu: Là một doanh nghiệp Nhà nước chuyên sản xuất kinh doanh phân bón, hoá chất phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và quốc phòng, môi trường sản xuất độc hại, ngay từ khi thiết kế xây dựng, các chuyên gia Liên Xô cũ đã chú trọng đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động và vệ sinh môi truờng khu vực xung quanh. Gần 50 qua, cùng với đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, Công ty luôn quan tâm đổi mới thiết bị công nghệ để giữ gìn môi truờng và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Để đáp ứng nhu cầu phân bón ngày càng tăng cho nông nghiệp, Công ty đã đầu tư phát triển các sản phẩm truyền thống là Axít sunfuric và Supe lân, phân hỗn hợp NPK (sản phẩm mới), nâng năng lực sản xuất phân bón lên gấp 15 lần công suất ban đầu. Chất lượng sản phẩm được nâng cao, đạt Giải thưởng “Chất lượng Vàng”, được cấp chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng ISO9001:2000. Công ty vinh dự, được Nhà nước 3 lần phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Huy chương Vàng “Bạn nhà nông”, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng Cờ “Đơn vị xuất sắc về Bảo hộ lao động và Xanh- Sạch- Đẹp”…
Ông Trần Ngọc Bách (bổ sung): Trong quá trình phát triển, với hệ thống thiết bị, công nghệ sử dụng lâu năm đã lạc hậu, xuống cấp, mặc dù có nhiều cố gắng đầu tư, Công ty vẫn không tránh khỏi các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) và mỗi lần như thế, Công ty đều tiếp nhận thông tin và tìm các giải pháp khắc phục. Công ty đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp và dự án BVMT, nhất là tập trung giải quyết xử lý khắc phục các vi phạm hành chính về BVMT theo nội dung biên bản số 04/BB-VPHC ngày 13/1/2009 của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cụ thể là, đã ký hợp đồng với Công ty TNHHNN MTV Xử lý và Chế biến chất thải Phú Thọ để xử lý chất thải rắn công nghiệp, rác thải sinh hoạt theo quy định của Luật BVMT. Hoàn thiện hồ sơ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại (xỉ pyrít) với Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ, phối hợp với Công ty CP Chế biến Khoáng sản Vĩnh Phú triển khai thực hiện dự án giải quyết xử lý triệt để chất thải này. Từ năm 2008, Công ty đã thực hiện dự án xử lý và tuần hoàn nước thải công nghiệp với tổng kinh phí 47 tỉ đồng. Hiện tại, các nguồn nước thải sinh hoạt và nước làm mát axít đã được tuần hoàn tái sử dụng; chỉ còn hạng mục cuối là trạm xử lý và tuần hoàn nước thải các dây chuyền sản xuất supe (đang thải tạm ra môi trường với tổng lưu lượng 30-40 m3/h-nguồn nước thải này được xử lý trung hoà bằng sữa vôi và lắng cặn trước khi thải ra môi trường). Công ty cùng nhà thầu đưa ra phương án xử lý phù hợp và khả thi nhất nhằm sớm hoàn thiện hạng mục này. Bên cạnh đó, thực hiện hàng loạt các giải pháp thu hồi toàn bộ các nguồn nước thải bề mặt còn lại để đưa nước về hồ tuần hoàn tái sử dụng vào sản xuất, chấm dứt việc thải nước ra ngoài môi trường trong năm 2009. Khắc phục vi phạm thải khí vượt tiêu chuẩn môi trường cho phép, Công ty đã đầu tư chuyển đổi công nghệ dây chuyền Supe số 1 từ nghiền quặng apatít sấy khô sang nghiền bi ướt, sử dụng quặng tuyển ẩm không qua sấy để điều chế supe phốt phát tại dây chuyền Supe số 5, tiết kiệm chi phí nhiên liệu cho sấy quặng và giảm thiểu nguồn khí, bụi apatít thải ra môi trường.
PV: Quan điểm của lãnh đạo Công ty về dư luận Supe phốt phát Lâm Thao gây ô nhiễm môi trường, làm gia tăng tỉ lệ người dân ở Thạch Sơn bị bệnh ung thư?
Ông Quách Đình Diệu: Cho tới nay, chưa có cơ quan Y tế nào đưa ra kết luận như vậy. Tôi đã gắn bó với Thạch Sơn trên 34 năm nay và tại Công ty cũng có nhiều CBCN là dân Thạch Sơn nhưng vẫn bình yên, có sao đâu! PGS.TS Phạm Duy Hiển, Phó Giám đốc Bệnh viện K Hà Nội, khi kết thúc chuyến khảo sát các “làng ung thư” (báo chí nêu) tại xã Thạch Sơn (Lâm Thao- Phú Thọ) và xã Hưng Hoá (Nghệ An) cho rằng: “Dùng thuật ngữ “làng ung thư” rất phản cảm, không sát thực tế, gây hoang mang cho nguời dân. Tại xã Hưng Hoá thống kê cho thấy, dân số có 6,5 nghìn người, vậy mà báo chí nêu có hơn 200 người bị ung thư trong 6 năm qua. Con số này lớn khủng khiếp nếu so với tỷ lệ người chết vì ung thư tại xã Thạch Sơn- Phú Thọ. Cũng theo phản ánh, Xã này trong 15 năm có 304 người chết, trong khi dân số ở đây chỉ có 7 nghìn người. Thực ra khi điều tra 17 xã tại Lập Thạch, chúng tôi phát hiện tỉ lệ ngưòi chết vì ung thư của xã Thạch Sơn chỉ xếp thứ 10. Còn với xã Hưng Hoá thì tỷ lệ người chết vì ung thư là 23%, số còn lại chết do nhiều dịch bệnh khác.”
PGS.TS Phạm Duy Hiển, Phó Giám đốc Bệnh viện K Hà Nội
PV: Để phát triển ổn định và bền vững, ngoài cố gắng nội lực, Công ty cần sự hỗ trợ gì từ phía Bộ Công Thương và TCT Hoá chất Việt Nam?
Ông Trần Ngọc Bách: Trạm xử lý và tuần hoàn nước thải các dây chuyền sản xuất của Công ty là hạng mục nằm trong Dự án Xây dựng và cải tạo hệ thống cung cấp nước sản xuất và xử lý nước thải 1900 m3/h, hiện nhà thầu (Công ty CP SEEN) thực hiện theo phương thức EPC, nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào sản xuất, Công ty đề nghị Bộ Công Thương, TCT Hoá chất Việt Nam và các cơ quan chức năng, chuyên môn xem xét phối hợp, giúp Công ty sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng hạng mục này.
PV: Xin cám ơn Ban lãnh đạo Công ty đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuỵện này!
Thu Nga (thực hiện)