Tái cấu trúc doanh nghiệp có lợi cho người lao động

Đó là khẳng định của ông Trần Ngọc Hanh - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Thép miền Nam - VNSTEEL khi đơn vị thực hiện tái cấu trúc theo chủ trương của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP. Dưới đây


PV: Thưa ông, vấn đề xử lý lao động dôi dư khi thực hiện tái cấu trúc của đơn vị đã diễn ra như thế nào?

Ông Trần Ngọc Hanh: Thực hiện chủ trương của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP về tái cấu trúc Tổng công ty, trong đó có Công ty Thép miền Nam - chi nhánh Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên với tên mới là Công ty TNHH MTV Thép miền Nam - VNSTEEL kể từ ngày 01/01/2015, Thép miền Nam sẽ tiếp nhận nhân sự và công việc của Ban Thị trường Tổng công ty và Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, Thép miền Nam tự chủ, tự quyết định từ đầu vào đến đầu ra, thực hiện công tác bán hàng thương hiệu thép chữ V, bao gồm 3 công ty cổ phần: Công ty CP thép Thủ Đức -VNSTEEL, Công ty CP Thép Biên Hòa - VNSTEEL, Công ty CP Thép Nhà Bè - VNSTEEL. Từ một chi nhánh thuộc Tổng công ty, nay được tự chủ hoàn toàn, nhiệm vụ của chúng tôi bỗng trở nên hết sức nặng nề, đặc biệt là trong công tác bán hàng, bên cạnh đó là việc sắp xếp lao động là bài toán không dễ dàng. Riêng đối với Thép miền Nam, khi được giao trả quyền bán hàng tự chịu trách nhiệm, bộ máy cán bộ bán hàng tinh giản chỉ còn có 16 người, tuy rất vất vả nhưng hiệu quả trông thấy từng ngày.

Do làm tốt công tác tư tưởng nên các lao động bị thay đổi công việc đã thấu hiểu chủ trương của Tổng công ty cũng như của Thép miền Nam nên không có phản ứng tiêu cực nào xảy ra. Tất nhiên khi sắp xếp lại lao động cũng có một số ý kiến, nhưng chủ yếu là xuất phát từ chỗ chưa tin tưởng vào sự thay đổi. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn sau khi thực hiện tái cấu trúc, bằng những việc làm và kết quả thực tế, những suy nghĩ này không còn chỗ, tất cả đã đồng lòng quyết chí cùng ghé vai vào thực hiện nhiệm vụ tái cấu trúc một cách đầy trách nhiệm.

PV: Vì sao người lao động đã có sự chuyển biến tích cực trong một thời gian chưa lâu như vậy, thưa ông?

Trong xưởng sản xuất

Ông Trần Ngọc Hanh: Người lao động rất thực tế. Ngay sau khi chuyển đổi mô hình, nhận lấy quyền tự chủ tự quyết của một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, lúc đó là thời điểm giữa năm 2014, Thép miền Nam bắt tay vào thực hiện những cải tổ trong sản xuất kinh doanh. Đến cuối năm 2014 đã cho thấy tình hình tích cực hơn rất nhiều. Những con số tăng trưởng sẽ chỉ là những con số nếu tâm tư, nguyện vọng của người lao động không được thỏa mãn. Họ đã thấy niềm tin, niềm hy vọng của mình bắt đầu có cơ sở. Cùng với chuyên môn, Công đoàn vừa làm vừa chia sẻ, giải thích cho người lao động. Đột phá cuối 2014 là thu nhập của người lao động nhích hẳn lên, Công ty phát triển, lợi nhuận đã có. Trên tinh thần kết quả của 6 tháng 2014, Tổng Giám đốc chỉ đạo tổng lực cả hệ thống chính trị trong đó có công đoàn cũng như được sự chỉ đạo của ban thường vụ Công đoàn Tổng công ty về việc nắm bắt chủ trương tái cấu trúc, Công đoàn Thép miền Nam tiếp tục đồng hành cùng chuyên môn bước sang năm 2015. Thời điểm này giá cả phế liệu thay đổi, giao động chóng mặt từ 400 USD/tấn xuống 170 USD/tấn, Thép miền Nam thì nhập phế liệu từ nước ngoài đến hơn 70%, mà hàng phải nhập từ trước 2 tháng nên nhiều khi trở tay không kịp. Người lao động hoang mang, lo lắng lắm. Vừa mới thực hiện tái cấu trúc, Công ty còn đang bộn bề như thế… Thật may, với các giải pháp tổng thể phù hợp và tối ưu, cuối cùng năm 2015 lại là một năm rất thành công. Công ty Thép miền Nam đặt kế hoạch lợi nhuận 150 tỷ đồng thì đến cuối năm đạt 310 tỷ đồng, thu nhập bình quân lao động đạt 13 triệu đồng/tháng. So với thu nhập trước đây là 7- 8 triệu đồng thì mức thu nhập này là một thành công rất lớn. Hết năm 2015, CBCNV đã tin tưởng chủ trương đúng đắn của Tổng công ty, của Công ty.

PV: Là đại diện của người lao động, ông nhận thấy tinh thần làm việc của người lao động sau khi Công ty thực hiện tái cấu trúc như thế nào?

Ông Trần Ngọc Hanh: Tôi suy từ mình ra thì thấy trước kia đi làm áp lực không nhiều, công việc cứ bình bình như thế, từ khi sắp xếp lại lao động thì vai trò trách nhiệm của mỗi cá nhân nâng lên, từng ngày, từng giờ người lao động cảm thấy mình cần thiết với guồng quay của đơn vị, nên say sưa với thành quả lao động của mình lắm. Cái hay ở đây là tái cơ cấu như một luồng gió mới, tạo khí thế cho bản thân mỗi người cán bộ phát triển, cống hiến ở bất kỳ lĩnh vực nào, dù là người công nhân nhỏ bé nhất. 4h30 là hết giờ làm việc nhưng từ khi chuyển đổi mô hình mới, công việc nhiều hơn, bận hơn nhưng ai cũng tinh thần trách nhiệm hơn nên 6h- 6h30 anh em vẫn làm việc ào ào.

Vì sao họ thay đổi đến vậy? Tái cấu trúc đã cởi bỏ cho doanh nghiệp những vướng mắc cố hữu, đưa cho doanh nghiệp quyền tự quyết trong sản xuất kinh doanh, cho tổ chức công đoàn và Ban lãnh đạo Công ty quyền được chăm sóc người lao động theo năng lực, tình hình tài chính và trái tim của mình.

Bữa cơm ca ngon lành

Từ khi tái cấu trúc, Công ty tổ chức nghỉ mát người lao động ngoài suất bản thân còn suất gia đình, bên cạnh đó tổ chức phong rào văn hóa văn nghệ, rồi duy trì khu tập luyện thể thao. Sắp tới đây, Thép miền Nam sẽ thành lập các công trình máy tập thể thao ngoài trời chào mừng 20 thành lập Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam với dự kiến thành 3 giai đoạn, giai đoạn ban đầu là 170 triệu với 12 máy tập. Công ty còn hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn muốn xây dựng nhà được mua thép xây dựng của Công ty với giá ưu đãi, chỉ bằng 60% so với giá bán ra thị trường.


Phục vụ cơm nóng canh dẻo

Còn nhiều việc nữa mà từ trước tới nay Thép miền Nam mong muốn mà chưa bao giờ làm được cho đến tận khi chuyển đổi. Đó là tổ chức bữa tiệc liên hoan cuối năm mà toàn thể CBCNV đều rất mong đợi. Tại đó, họ được thưởng thức các món ăn ngon, giao lưu trò chuyện và chơi các trò chơi bốc thăm trúng thưởng những phần thưởng giá trị lên đến 15 - 16 triệu đồng như ti vi… Đối với người lao động, đây là một hoạt động vô cùng ý nghĩa, nhờ Công ty thực hiện tái cơ cấu nên họ mới có điều kiện thụ hưởng, nên họ cảm thấy rất trân trọng tình cảm mà ban lãnh đạo Công ty đã làm. Đó là chương trình bình xét lao động suất sắc của năm do chính người lao động bỏ phiếu và người được bình chọn được Công ty tặng một điện thoại iphone trí giá 17 triệu đồng... 566 con em của CBCNV Thép miền Nam đều được tặng quà nhân dịp tổng kết năm học. Hiện, Công ty duy trì 3 tuyến xe buýt đưa công nhân đi - về ba tuyến Bà Rịa - Vũng Tàu, Biên Hòa, TP. Hồ Chí Minh mỗi ngày. Mỗi CBCNV về quê nghỉ phép được hỗ trợ tiền tầu xe theo mức tính trung bình bằng giá tầu Bắc - Nam ngồi mềm điều hòa. Rồi tổ chức cho các lao động xuất sắc đi Singapo, Malaysia, Hồng Kông, Trung Quốc… Đặc biệt, Công ty duy trì cho CBCNV ở xa được sinh hoạt trong Khu cư xá với điều kiện sống khá tốt, an toàn và thuận lợi cho công tác.

.

Khu cư xá khang trang, sạch sẽ

Năm nay, sơ kết 6 tháng, Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Phúc có thư gửi toàn bộ CBCNV cảm ơn mọi người đã cùng ông và lãnh đạo Công ty đồng hành trong suốt thời gian khó khăn vừa qua. Không chỉ được lĩnh tiền thưởng, lá thư với những lời tri ân của lãnh đạo cao nhất đơn vị đã khiến người lao động cảm thấy nức lòng. Và họ chẳng có lý do gì để không tiếp tục cống hiến. Công đoàn dự kiến cuối năm nay cũng sẽ có thư cảm ở lãnh đạo đơn vị để đáp từ.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị!

Năm 2016, Công đoàn Công ty TNHH MTV Thép miền Nam cùng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai chương trình xã hội từ thiện với tổng chi phí 2016 là 2,5 tỷ đồng.

Cụ thể:

- Xây dựng 40 căn nhà trị giá mỗi căn 50 triệu đồng;

- 100 suất học bổng mỗi suất 2,5 triệu đồng;

- Hỗ trợ cho Trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần mua dụng cụ thể thao 125 triệu đồng;

- Hỗ trợ trung tâm nuôi dưỡng người nhà neo đơn 1 số thiết bị như tivi, máy móc là 125 triệu đồng;


Lê Duy Hải, công nhân Phân xưởng luyện, tổ trưởng tổ Chuẩn bị bảo trì công nghệ:


Sau 1 năm 8 tháng, Công ty TNHH MTV Thép miền Nam thực hiện tái cấu trúc, tôi cảm thấy rất vui. Bởi trước đó việc làm không ổn định, ATVSLĐ ít được quan tâm đến, môi trường làm việc không tạo hứng khởi. Đã có 27 năm gắn bó ở đây nên tôi có đủ thời gian để chứng kiến sự thay đổi trước và sau khi Công ty tái cấu trúc. Trước đây thu nhập của chúng tôi bình thường, may lắm được 6-7 triệu đồng. Nhiều người nản lắm…

Khi tái cơ cấu, các bộ phận thay đổi hoàn toàn, tình hình ATVSLĐ - một yếu tố quan trọng đối với người lao động được cải thiện cả về số lượng lẫn chất lượng, an toàn vệ sinh công nghiệp trong xưởng ngăn nắp gọn gàng, an toàn đặt lên hàng đầu, nên không để xảy ra vụ tai nạn nào. Bố trí lao động khoa học hơn, tinh gọn hơn rất nhiều. Trước đây, ở xưởng tôi có 2 tổ với tổng số là 37 người, trong số này có tới 2 ông tổ trưởng, 2 ông tổ phó, nhưng bây giờ tinh giản thành 1 tổ gồm 20 người, công việc nhiều hơn nhưng hiệu quả hơn, thu nhập cao hơn, bình quân 14 triệu đồng/người/tháng. Ai cũng vui vẻ, hăng say. Trước đây vì miếng cơm manh áo, một số công nhân lò ra đi, đầu quân sang đơn vị khác. Để có được một lao động lành nghề trong ngành luyện kim đâu phải dễ dàng, việc ra đi cũng chỉ là vì cực chẳng đã. Nay nhìn thấy đơn vị cũ ăn nên làm ra, một số người xin quay lại. Vậy mà Thép miền Nam cũng đón nhận lại họ. Thật không gì quý hơn.

Tôi hiểu là tái cấu trúc còn lâu dài nữa, nhưng chúng tôi hết sức tin tưởng, mong Công ty ngày càng phát triển. Qua đây, tôi xin cảm ơn Ban điều hành, đặc biệt là ông Tổng Giám đốc - người đã cho chúng tôi biết ngày càng yêu công việc, gắn bó với Công ty hơn.

Minh Thủy - Hồ Nga (ảnh)