Tái cấu trúc PVN: Hóa giải điều từng gây tranh cãi

Lượng cổ phiếu do PVN nắm giữ chiếm 1/6 vốn hóa thị trường mà không có tập đoàn nào hay bất kể nhà đầu tư nào đạt được. Đây là điều kiện tốt để PVN có đủ năng lực thực hiện mục tiêu căn bản của đề án

Từ mục tiêu ra mô hình

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 đã khơi gợi cho lãnh đạo PVN một ý tưởng, phải tái cấu trúc lại hoạt động của Tập đoàn theo hướng có khả năng chịu được những cơn địa chấn trong bối cảnh liên thông của kinh tế thế giới. Ý tưởng này được vun bồi qua thực tế hoạt động và đến 2012 thì đã thành hình thành khối rõ nét, thể hiện bằng đề án tái cấu trúc Tập đoàn được Chính phủ phê duyệt. Trong đó, mục tiêu căn bản của tái cấu trúc là “Xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành tập đoàn kinh tế mạnh, đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển bằng việc sử dụng tối ưu mọi nguồn lực sẵn có”.

Câu “đầu tư phát triển bằng việc sử dụng tối ưu mọi nguồn lực sẵn có” đã từng gây biết bao tranh luận, rằng quá trình phát triển và tích lũy của PVN mới tính bằng chục năm, chưa đủ tiềm lực đến độ “sử dụng tối ưu mọi nguồn lực sẵn có” như các hãng dầu lửa có lịch sử hàng trăm năm như Shell, Exxon Mobil, BP...

Tuy nhiên, PVN có cách nhìn khác. Tổng tài sản 35 tỷ USD của PVN chưa phải là lớn so với ngay cả các hãng trong khu vực như Petronas hay Sinopec. Với hệ số nợ rất an toàn (dưới 0,5 lần/tổng tài sản), PVN có thêm 15-16 tỷ USD cho các hoạt động của mình, cũng chưa thấm tháp gì so với nhu cầu của một tập đoàn dầu khí.

Nhưng nếu tái cấu trúc tốt, sẽ có thêm nhiều nguồn lực xã hội mạnh mẽ chảy vào PVN. Vấn đề là tái cấu trúc làm sao đáp ứng được kỳ vọng của xã hội.

Kỳ vọng của xã hội là PVN phải trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh, đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh, như thế đồng vốn họ rót vào mới sinh lời cao.

Một khía cạnh khác là, nếu anh thực sự mạnh, sẽ có nhiều ngân hàng, đối tác sẵn lòng hợp tác.

Với cách nhìn đó, PVN đã đưa ra mô hình hoạt động của mình dựa trên 4 nền tảng

- Thứ nhất, PVN sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là: thăm dò khai thác dầu khí, lọc - hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao, trong đó thăm dò khai thác dầu khí là cốt lõi. Tất cả các lĩnh vực khác không thuộc 5 lĩnh vực trên được PVN xây dựng lộ trình thoái vốn đến năm 2015.

- Thứ hai, Công ty mẹ - Petrovietnam và các tổng công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, xóa bỏ liên kết hành chính bằng liên kết đầu tư tài chính phù hợp với cơ chế thị trường, cơ cấu tổ chức.

- Thứ ba, các tổng công ty với tư cách là công ty mẹ thực hiện đồng thời 2 chức năng: đảm nhận một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc một trong 5 lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn; đầu tư tài chính vào các công ty con. Các công ty con chuyên môn hóa vào từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh phù hợp với chuỗi liên kết, ngành, nghề của công ty mẹ (hạn chế các công ty con cùng lĩnh vực).

- Thứ tư, thông qua người đại diện và căn cứ quy định của pháp luật, PVN định hướng các doanh nghiệp thành viên (cấp II, cấp III) về các vấn đề: Chiến lược phát triển; kế hoạch phối hợp kinh doanh chung trong tập đoàn; phân công lĩnh vực hoạt động và ngành, nghề sản xuất kinh doanh; các quy chế quản lý, điều hành và tiêu chuẩn, định mức.

4 nền tảng này nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý của tập đoàn để tập trung các nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính, thu gọn đầu mối quản lý, giảm thiểu cạnh tranh nội bộ; phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp thành viên mà vẫn đảm bảo quyền chi phối của Công ty Mẹ - Tập đoàn, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong Tập đoàn trong việc thực hiện các mục tiêu chung.

Từ mô hình ra bài toán

Từ mô hình trên, PVN đưa ra bài toán tái cấu trúc đối với từng nhóm doanh nghiệp. Trước hết, trong 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, lấy thăm dò khai thác dầu khí là cốt lõi, nên PVN tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ của Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí. Đối với các doanh nghiệp thuộc 4 lĩnh vực kinh doanh chính còn lại, PVN chia làm 2 nhóm. Nhóm 1: giữ nguyên tỷ lệ vốn hiện có tại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực lọc hóa dầu và dịch vụ dầu khí như PV Drilling, PTSC, Vietsovpetro, Lọc Hóa dầu Nghi Sơn, Hóa Dầu Long Sơn.

Nhóm 2: Thực hiện CPH nhưng PVN nắm vốn điều lệ chi phối, gồm: Lọc - Hóa Dầu Bình Sơn (PVN giữ 75% vốn điều lệ); Phân bón Dầu khí Cà Mau (51% vốn điều lệ); Tổng công ty Dầu Việt Nam (75% vốn điều lệ); Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (75% vốn điều lệ).

Đối với doanh nghiệp không thuộc 5 lĩnh vực kinh doanh chính cũng chia thành 2 nhóm.

Nhóm 1: PVN bán bớt phần vốn hiện đang nắm giữ tại Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (giảm từ 57,82% xuống tối thiểu 36%); Tổng công ty Công nghệ Năng lượng Dầu khí Việt Nam - CTCP (giảm từ 41% xuống tối thiểu 36%); Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (giảm từ 54,54% xuống tối thiểu 36%); Công ty cổ phần Hóa Dầu và Xơ sợi tổng hợp Dầu khí (giảm từ 56% xuống tối thiểu 36%); Công ty cổ phần PVI (giảm từ 39,05% xuống 35%).

Nhóm 2: Thoái hết vốn PVN hiện đang nắm giữ tại Công ty TNHH MTV Khu Công nghiệp Lai Vu; Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương; Công ty cổ phần Phát triển Đông Dương Xanh; Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam; Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí.

Nhìn trên “bản đồ” phân loại tái cấu trúc này ta sẽ hình dung mức độ gắn bó với công ty mẹ - Petrovietnam giảm dần từ trên xuống dưới, và các công ty trong diện thoái vốn sẽ không mang thương hiệu PVN nữa. Có nghĩa là sau khi tái cấu trúc xong, chỉ những đơn vị hoạt động trong 5 lĩnh vực chính mới mang thương hiệu PVN. Điều này mang đến cho cộng đồng hình ảnh một tập đoàn dầu khí “cô đọng” hơn, mang tính chuyên sâu hơn, và nhìn chung gây hiệu ứng tích cực hơn.

Từ bài toán ra vốn hóa thị trường

Có được bài toán phân loại rồi, việc tái cấu trúc dường như mạch lạc hơn. Đến nay, PVN đã hoàn thành phê duyệt phương án tái cấu trúc tất cả các đơn vị, và ở cả lĩnh vực CPH hay thoái vốn đều cho kết quả tích cực.

Ngày 12/11/2014, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) tổ chức IPO thành công với 1,178 nhà đầu tư trúng giá tại mức giá bình quân 12,251 đồng/cp. Cụ thể, gần 129 triệu cp của PVCFC đã được đấu giá hết, thu về gần 1.600 tỷ đồng, đưa PVCFC trở thành thương vụ IPO lớn nhất trong năm 2014.

Cũng trong năm 2014, PVN đã thoái vốn tại Công ty TNHH KCN Lai Vu, PVT, Petrosetco, thu về trên 1.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với vốn góp ban đầu. Hiệu quả cao nhất thuộc trường hợp Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC). Từ năm 2012 PVN đã thực hiện các giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn cho PVC nhằm tạo thuận lợi cho thoái vốn. Sau 9 quý lỗ liên tiếp, từ quý III/2014 PVC bắt đầu lãi gần 200 tỷ đồng. Giá cổ phiếu từ 3.000 đồng đầu năm 2014, nay đã lên 6.500 đồng/cp.

Đó chỉ là những thí dụ điển hình. Được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác CPH, đến nay, PVN chỉ còn 3 công ty con là công ty 100% vốn Nhà nước chưa cổ phần hóa gồm: Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Công ty Đóng tàu Dung Quất. Điều quan trọng hơn, quá trình tái cấu trúc đã khơi thông nguồn vốn dồi dào của xã hội chảy vào PVN. Trên thị trường chứng khoán, tổng giá trị thị trường của các cổ phiếu các doanh nghiệp dầu khí đạt khoảng 240 ngàn tỉ đồng, tương đương 20% giá trị thị trường chứng khoán Việt Nam; lượng cổ phiếu do PVN nắm giữ chiếm 1/6 vốn hóa thị trường mà không có tập đoàn nào hay bất kể nhà đầu tư nào đạt được.

Đây là điều kiện tốt để PVN có đủ năng lực thực hiện một mục tiêu căn bản của đề án tái cấu trúc là: “đầu tư phát triển bằng việc sử dụng tối ưu mọi nguồn lực sẵn có” - điều từng gây tranh cãi một vài năm trước.