Ngày 29/1, Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ký Công văn số 79-CV/TW gửi các tỉnh ủy, thành ủy; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCov) gây ra.
Công văn cũng đề cập “trong trường hợp cần thiết, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, các lễ hội, các hội nghị, hội thảo để tập trung (ưu tiên cao nhất) phòng, chống dịch”.
Sáng 31/1, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cũng đã có công văn 391/BVHTTDL - VHCS về việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp trong hoạt động lễ hội, di tích.
Công văn nêu rõ thực hiện Chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra và Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, Bộ VHTT&DL đề nghị Sở VHTT&DL các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ quan ban, ngành đoàn thể tại địa phương để thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh, kịp thời đưa tin đầy đủ đến người dân và du khách. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các lễ hội và di tích về các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ Văn hóa yêu cầu tạm ngưng tổ chức lễ hội theo đúng quy định tại điều 8, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Trước đó, có 2 lễ hội lớn ở tỉnh Phú Thọ là Lễ hội Phết Hiền Quan và Lễ hội Chọi trâu Phù Ninh đã bị yêu cầu tạm ngừng phần hội để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm virus corona. Nhưng cũng trong vài ngày qua, rất nhiều hoạt động du xuân, lễ hội được tổ chức tại các tỉnh thành, thu hút đông đảo người dân cả nước về dự bất chấp nguy cơ lây nhiễm, điển hình là hoạt động du xuân tại chùa Hương (Hà Nội) và chùa Tam Chúc (Hà Nam).
Với việc phát hiện 5 người nhiễm virus corona tại Việt Nam, Bộ Y tế và Bộ Tư pháp đã phải họp bàn trong sáng 31/1 để cân nhắc công bố tình trạng khẩn cấp về bệnh dịch này. Theo Điều 8 Nghị định số 110/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội, lễ hội sẽ phải tạm ngừng tổ chức trong trường hợp có thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Virus corona khởi nguồn từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, từ cuối tháng 12/2019 và hiện lan đến nhiều thành phố lớn của Trung Quốc gồm Bắc Kinh và Thượng Hải. Đến sáng 31/1, Ủy ban Y tế Quốc gia công bố 213 người chết vì virus corona Vũ Hán, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Có 8 ca bên ngoài Trung Quốc lây từ người sang người, ở Đức, Nhật Bản, Việt Nam và Mỹ. Hiện chưa ghi nhận ca tử vong nào bên ngoài Trung Quốc.
Ở Việt Nam có 5 người nhiễm virus corona, trong đó có 2 bệnh nhân người Trung Quốc (một người đã khỏi) và 3 người Việt Nam đang điều trị tại bệnh viện tỉnh Thanh Hóa và bệnh viện Nhiệt đới TƯ ở Đông Anh, Hà Nội.
Hiện số trường hợp nghi nhiễm tại Việt Nam là 97 trường hợp, trong đó có 65 trường hợp đã xét nghiệm âm tính với virus corona và 32 trường hợp tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ để không lây nhiễm ra cộng đồng.
Ngoài ra, có 43 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho nhưng vẫn được cách ly theo dõi do có tiếp xúc gần với người nghi nhiễm corona.