Tận dụng lợi thế từ các FTA, xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng tốc

Ngay từ những ngày đầu năm 2025, loạt doanh nghiệp dệt may đã cho biết nhận được đơn hàng kín đến hết quý 1, thậm chí đến hết nửa đầu năm.

FTA - Trợ lực thúc đẩy xuất khẩu

Năm 2024, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 43,5 tỷ USD và tăng trưởng 11% so với năm trước, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 thế giới (chỉ sau Trung Quốc) về tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may.

Ông Hoàng Mạnh Cầm - Phó Chánh Văn phòng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (mã cổ phiếu VGT) cho biết Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may tốt nhất trong các cường quốc xuất khẩu dệt may thế giới, thậm chí nhiều quốc gia đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí là sụt giảm trước những biến động phức tạp của nền kinh tế toàn cầu.

Điển hình, Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 thế giới chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 7% trong năm 2024 mặc dù là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Bangladesh trong năm vừa qua nhờ lợi thế về dòng sản phẩm, vị trí địa lý, và sự gắn kết ngành hàng giữa hai nước. Còn đối với Trung Quốc, tăng trưởng xuất khẩu dệt may năm 2024 chỉ ở mức hơn 2% và có dấu hiệu suy giảm trong những tháng cuối năm mặc dù đây thường là cao điểm sản xuất.

Xuất khẩu dệt may
Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2, chỉ sau Trung Quốc, về tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trên thế giới.

Có được kết quả khả quan như trên, nhiều chuyên gia đánh giá các hiệp định thương mại tự do (FTA) là một trong những trợ lực chính cho ngành dệt may Việt Nam. Với 17/19 FTA đã có hiệu lực như CPTPP, EVFTA,…, hàng dệt may Việt Nam được hưởng các mức thuế suất ưu đãi, thậm chí về 0% tại nhiều thị trường lớn như EU, nhật Bản, Canada, Hàn Quốc,…, giúp tăng sức cạnh tranh so với các đối thủ chưa có FTA với các thị trường này.

Thống kê của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho thấy, tỷ trọng xuất khẩu hàng dệt may sang các nước thuộc hiệp định CPTPP là khoảng 16% trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may. Hiệp định UKVFTA cũng đóng góp khoảng 2% trên tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đây được xem là bước đột phá với nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận các thị trường khó tính và thị trường mới, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may trên quy mô toàn cầu, hứa hẹn giúp cho toàn ngành nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đáng chú ý, thị trường Mexico đã tăng thuế nhập khẩu đối với các nước không có FTA với quốc gia này, do đó nhiều nhà nhập khẩu đã tìm nguồn cung thay thế, trong đó Việt Nam nổi lên là ứng viên sáng giá.

Ngoài ra, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) được ký vào cuối tháng 10/2024 kỳ vọng sẽ mở ra thêm không gian tăng trưởng cho ngành dệt may Việt Nam. UAE hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhấ của Việt Nam tại khu vực Tây Á và đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng để tiếp cận các thị trường Trung Đông, Tây Á và châu Phi. Việc giảm thuế quan từ CEPA giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không chỉ tăng cường xuất khẩu trực tiếp sang UAE mà còn mở rộng sang các thị trường lân cận thông qua UAE.

Bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu, các quy tắc xuất xứ tại một số hiệp định như EVFTA và CPTPP còn thúc đẩy doanh nghiệp dệt may Việt Nam gia tăng đầu tư vào sản xuất sợi, vải trong nước, hoặc tăng cường nhập nguyên phụ liệu từ các nước trong hiệp định, để được hưởng các ưu đãi thuế quan. Qua đó, giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, tăng tính ổn định của chuỗi cung ứng.

Đơn hàng dồi dào từ đầu năm

Dệt may TNG
Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho biết đã nhận đủ đơn hàng đến hết tháng 6/2025 ngay từ những ngày đầu năm.

Bước sang năm 2025, nhiều tổ chức nhận định xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ tiếp đà của năm 2024 cũng như đón nhận các tín hiệu tích cực khi một số thị trường chính như Mỹ, EU… phục hồi kinh tế khả quan, lượng hàng tồn kho tiếp tục ở mức thấp… VITAS hiện đặt mục tiêu xuất khẩu toàn ngành toàn ngành năm nay tăng trưởng 7,9%, đạt 47 - 48 tỷ USD.

Bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh - Giám đốc Trung tâm Phân tích Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định đây là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được khi nhiều doanh nghiệp đón nguồn đơn hàng dồi dào ngay từ những tháng đầu năm.

Điển hình, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã cổ phiếu TNG) đã nhận đủ đơn hàng đến hết tháng 6/2025 và đang tiếp tục đàm phán hoàn tất kế hoạch sản xuất cho năm 2025. Hiện 99% doanh số của công ty đến từ hoạt động xuất khẩu với các thị trường trọng điểm gồm Mỹ, EU, và Canada.

Tương tự, Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã cổ phiếu TCM) cho biết đơn hàng đã gần lấp đầy kế hoạch sản xuất của quý 1/2025 và đang tiếp nhận đơn hàng cho quý 2/2025. Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến (mã cổ phiếu VGG), Công ty Cổ phần May Sông Hồng (mã cổ phiếu MSH)… cũng nhận lượng đơn hàng lớn.

Mặc dù vậy, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS lưu ý các doanh nghiệp không chủ quan mà chủ động chuẩn bị cho các rủi ro có thể xảy ra, đặc biệt là tính ổn định của đơn hàng. Chẳng hạn, đơn hàng đã đàm phán xong, nhưng sức tiêu thụ chỉ cần chững lại trong 1 - 2 tuần thì đơn hàng vẫn có thể bị tạm dừng.

Chủ tịch Hiệp hội dệt may
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Xem thêm: "Điều gì giúp Dệt may TNG đạt mức lãi cao kỷ lục trong năm 2024?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Kể từ sau đợt sụt giảm sức cầu hậu đại dịch Covid-19 đến nay, các nhãn hàng, hệ thống phân phối có xu hướng đặt hàng từ nhà máy và chuyển thẳng đến cửa hàng phân phối hoặc bán lẻ mà không qua kho như trước đây. Đồng thời, các đơn hàng có xu hướng được chia nhỏ, yêu cầu nhà cung ứng hoàn thành trong thời gian ngắn.

Xu hướng này đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược sản xuất, không cần quá nhiều nhân công nhưng phải sản xuất được đơn hàng giao nhanh trong 1 - 2 tháng thay vì 6 tháng - 1 năm như trước đây.

Trong bối cảnh thị trường biến động nhanh chóng và khách hàng ngày càng khắt khe hơn về tiêu chuẩn sản phẩm, tốc độ giao hàng… lãnh đạo VITAS lưu ý doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng công nghệ, tự động hóa và chuyển đổi xanh từ khâu nguyên liệu đến quy trình sản xuất, để gia tăng lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn đơn hàng, và mở rộng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngược lại, các đơn vị chậm thích ứng sẽ bị loại khỏi cuộc chơi chung. Đây không chỉ là thách thức mà còn là động lực quan trọng để ngành dệt may Việt Nam cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn.

Duy Quang