Tận mắt thấy nông dân Hà Nội thu hoạch dâu tằm

Dâu tằm đang vào mùa chín rộ, để kịp xuất cho thương lái, những người nông dân Phúc Thọ (Hà Nội) mải miết thu hoạch.
Cứ vào mỗi dịp cuối tháng 2 âm lịch hàng năm, người dân Phúc Thọ, Hà Nội lại tất bật thu hoạch dâu tằm. Trước đây, mỗi hộ dân chỉ trồng một vài cây dâu để ăn, không có ý định bán. Tuy nhiên những năm gần đây, dâu tằm lại được nhiều người yêu thích và có nhu cầu mua với số lượng lớn nên người dân đã trồng thành vườn với diện tích lớn để bán.
Bác Đỗ Diên Thịnh trồng khoảng 30 gốc dâu trên 2 sào ruộng. Những ngày này các thành viên trong gia đình bác Thịnh luôn có mặt ở ruộng từ 7 giờ sáng đến 18 giờ để thu hoạch. “Dâu khi chín thường rất dễ rụng, thời điểm thuận lợi để hái phải sau 7 giờ sáng, lúc sương tan hết, nắng lên thì dâu mới căng mọng và ngọt. Vào chính vụ để hái kịp số lượng giao cho lái buôn, gia đình có ngày quên cả ăn trưa để hái”, bác Thịnh vui vẻ kể.
Ở đây, người dân chủ yếu trồng hai loại dâu: dâu tằm ta và dâu tằm tây. Đây là hai loại dâu dễ trồng và cho hiệu quả cao. Bác Đỗ Thị Mới (vợ bác Thịnh) chia sẻ: “Dâu tằm là loại cây được trồng bằng phương pháp chiết cành, dễ thích ứng với nhiều loại đất. Dâu là loại cây ưa ánh sáng vì vậy năng suất và chất lượng của loại cây này phụ thuộc lớn vào yếu tố này”.
“Mỗi ngày cả gia đình tôi hái được 40 – 50 kg. Phải chọn lọc những quả chín đỏ đều mới hái để không bị chua. Dâu là loại quả rất dễ bị dập nát, nếu chúng ta không biết cách hái sẽ hỏng hết”, bác Thịnh nói.
Theo khảo sát của phóng viên, giá dâu tằm năm nay cao gấp đôi so với mọi năm nên người dân rất phấn khởi. Giá bán buôn tại vườn dao động từ 16 – 18 nghìn đồng/kg, giá bán lẻ trên thị trường dao động từ 26 – 30 nghìn đồng/kg.
Chất lượng quả lớn nhỏ, nhiều quả hay ít quả phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Mỗi năm cho thu hoạch một vụ. Phần đa những ruộng dâu tằm ở Phúc Thọ đều đã thu hoạch 2 đến 3 vụ.
Dâu tằm có thể thưởng thức quả ngay sau khi thu hoạch. Đặc biệt, dâu tằm thường được dùng để ngâm với đường, ngâm với rượu.
Tin ảnh: Lê Duyên