Đi đầu trong đổi mới
Ngay từ khi mới ra đời (1995), Vinatex đã gánh vai trò lịch sử của ngành, khi đảm đương nhiệm vụ tháo gỡ tồn tại của thời kỳ hoạt động bao cấp, chuyển đổi từ cơ chế hành chính sang hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường, mà trọng tâm là xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Với mục tiêu hàng đầu là hiệu quả kinh doanh và tạo việc làm, Vinatex đã tích lũy được vốn quý kinh nghiệm thị trường từ những ngày đầu. Và cũng từ việc phải cạnh tranh trên thị trường quốc tế, mà Tập đoàn đã luôn cải tiến hoạt động, đầu tư mạnh mẽ, tái cơ cấu liên tục để đáp ứng nhu cầu khách hàng và đối tác. Hai thế mạnh đó góp phần giúp Vinatex vượt qua những khó khăn thách thức để lớn mạnh không ngừng, trở thành một tập đoàn kinh tế uy tín, có vị thế trong nước và khu vực. 20 năm qua Vinatex đã vượt qua bao thử thách để có thể bùng nổ phát triển mạnh mẽ như hôm nay, với kim ngạch xuất khẩu đạt tới mức trên 3 tỷ USD năm 2014.
Đó cũng là chặng đường 20 năm mà Vinatex thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ tiến hành cổ phần hóa (CPH), đổi mới doanh nghiệp. Cho tới nay, Tập đoàn đã CPH được 95% doanh nghiệp, tạo nền tảng cơ chế hoạt động thông thoáng, tuy có áp lực, nhưng lại tạo sự chủ động hơn cho doanh nghiệp. Có sự đào thải một số ít đơn vị không đủ khả năng cạnh tranh, nhưng cũng tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp thể hiện bản lĩnh, bứt phá trở nên lớn mạnh, tạo thương hiệu riêng có uy tín trên thị trường và được bạn hàng tin tưởng gắn bó. Bản thân công ty mẹ Tập đoàn cũng đã quyết liệt thực hiện CPH theo đúng tiến trình được Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt. Đặc biệt, do có sự chuẩn bị bài bản, cùng uy tín và tương lai phát triển vượt bậc của Vinatex nên trong lúc thị trường chứng khoán trầm lắng, thì Vinatex đã IPO thành công, thu hút được hai nhà đầu tư chiến lược mạnh và có uy tín là VinGroup và VID, cùng nhiều nhà đầu tư ngoại. Sau IPO, Tập đoàn có cơ cấu vốn là 51% nhà nước, 24% nhà đầu tư chiến lược, 0,6% người lao động và 24,4% các nhà đầu tư khác.
Sau CPH, Vinatex có bước đổi mới toàn diện từ mô hình quản lý nhà nước sang mô hình Tập đoàn cổ phần, đổi mới tầm nhìn và giải pháp chiến lược để vững vàng trước cơ hội mà TPP và các FTA khác mang lại. Tập đoàn chắc chắn sẽ có bước bứt phá phát triển tăng trưởng ổn định bền vững và hiệu quả toàn diện từ công ty mẹ Tập đoàn đến các công ty con, công ty cổ phần, công ty liên kết.
Liên kết chuỗi, đón cơ hội tiếp tục phát triển xuất sắc
Với nền tảng vững chắc, Tập đoàn đang tập trung đầu tư xây dựng những sản phẩm cốt lõi, duy trì và củng cố vững chắc hơn nữa vị thế và uy tín của mình trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới. Đặc biệt là nền công nghệ quản trị tiên tiến, giúp cho năng suất lao động không ngừng được cải thiện, tạo nên giá trị gia tăng cao và thu nhập cho người lao động được nâng lên thuộc TOP đầu ngành công nghiệp dệt may. Công tác quản trị hệ thống của Vinatex thông qua người đại diện vốn cũng ngày càng được củng cố chặt chẽ, tính tuân thủ cao hơn, đòi hỏi người quản lý vốn Tập đoàn ở các đơn vị thành viên phải cùng tập thể cố gắng tạo tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều lần. Hơn nữa, với những thách thức ngày càng lớn, đòi hỏi mỗi cán bộ của Vinatex vững vàng hơn, cùng lúc làm nhiều việc để vượt qua khó khăn, đón được cơ hội để vượt lên xuất sắc.
Trong 5 năm trở lại đây, Vinatex đã xây dựng chiến lược liên kết chuỗi sợi - dệt - nhuộm hoàn tất may để chuyển dần phương thức sản xuất từ CMT sang FOB và tiến tới ODM. Các doanh nghiệp trong Tập đoàn sẽ kết nối với nhau tạo thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, tăng sức cạnh tranh, cung cấp cho khách hàng sản phẩm trọn gói. Bên cạnh đó, Tập đoàn có cơ cấu chính sách về cổ phiếu, lương, thưởng, khuyến khích thu hút tài lực, nguồn lực bên ngoài vào Tập đoàn, và thúc đẩy trí tuệ nguồn lực tại chỗ hiện có bằng chính sách cổ phần, cổ phiếu, tiền lương, và các chính sách khác về nhà ở, y tế, bảo hiểm... Gắn kết lợi ích của các doanh nghiệp thành viên với nhau, với lợi ích người lao động, cán bộ quản lý vốn và lợi ích của Tập đoàn.
Từng bước thời trang hóa ngành Dệt May Việt Nam
Trong chiến lược phát triển, Vinatex đang nỗ lực truyền thông quảng bá hình ảnh, tạo hiệu ứng nhận biết dòng sản phẩm dệt may Việt Nam đang làm, đang bán trên thế giới, nhận biết thế mạnh và sản phẩm cốt lõi của Vinatex. Điều quan trọng nữa là Tập đoàn sẽ sản xuất các sản phẩm phục vụ người trong nước tốt hơn: Đảm bảo tiêu chuẩn hóa kích thước, giá cạnh tranh, đa dạng mẫu mã hơn.
Để tiếp tục khẳng định tầm dẫn dắt toàn ngành, có khả năng cạnh tranh được trên thị trường quốc tế với những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, Vinatex xây dựng chiến lược sản xuất các sản phẩm nguyên phụ liệu phục vụ cơ hội đón đầu Hiệp định TPP. Với vai trò tiên phong, đi đầu, Vinatex phải có đội ngũ chuyên gia đầu ngành về luật, về chiến lược thị trường và thiết kế thời trang, về quản trị hệ thống để tạo sức mạnh khi hội nhập, nắm bắt cơ hội phát triển. Trên cơ sở đó, tiến hành thời trang hoá ngành Dệt May Việt Nam, xây dựng và đẩy mạnh hoạt động hiệu quả cao cho các trung tâm thiết kế thời trang; đào tạo tuyển dụng đội ngũ nhà thiết kế có năng lực cao; chào bán mẫu thiết kế cho các nhà nhập khẩu; xây dựng thương hiệu hàng hoá và bán sản phẩm thời trang của Tập đoàn ra nước ngoài. Giai đoạn 2017 - 2020 phấn đấu có từ 3 - 5% lượng sản phẩm xuất khẩu là thương hiệu của Tập đoàn và từ đó tăng dần tỷ trọng lên.
Những người lao động của Vinatex hiện nay có thể tự hào rằng mình đang cùng lớp đàn anh đi trước, góp phần quan trọng xây dựng nên lịch sử phát triển rực rỡ của Tập đoàn, cũng như ngành Dệt May Việt Nam.