PV: Xin ông cho biết, việc triển khai thay đổi công tơ cơ khí sang công tơ điện tử, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng những lợi ích gì?
Ông Nguyễn Tấn Lộc: Việc đưa công nghệ mới, chuyển đổi công tơ cơ khí sang công tơ điện tử nằm trong lộ trình hiện đại hóa hệ thống điện của EVN để hướng tới lưới điện thông minh (smartgrid) và là một trong các giải pháp quan trọng để tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Tính đến ngày 31/12/2014 toàn EVN đã kinh doanh và bán điện 22,411 triệu khách hàng, trong đó có 2,72 triệu khách hàng đã được lắp đặt công tơ điện tử. Việc triển khai sử dụng công tơ điện tử và thu thập dữ liệu từ xa mang lại hiệu quả cho khách hàng và doanh nghiệp như: hiện đại hóa và tự động hóa hệ thống đo đếm điện năng, thay thế cho phương pháp theo dõi và quản lý vận hành thủ công truyền thống có năng suất lao động thấp, giúp các công ty điện lực nâng cao năng suất lao động, tăng cường chất lượng quản lý giám sát, vận hành hệ thống đo đếm, nâng cao hiệu quả điều hành sản xuất, kinh doanh điện năng, minh bạch trong công tác ghi chỉ số công tơ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Thông qua kết quả dữ liệu công tơ được thu thập chính xác và cung cấp kịp thời, giúp khách hàng có thể giám sát và điều tiết việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
PV: Vậy thì quy mô đầu tư và kế hoạch thực hiện chương trình trên?
Ông Nguyễn Tấn Lộc: Ngày 8/5/2015 Hội đồng thành viên EVN có Nghị quyết số 135/NQ-HĐTV thông qua chủ trương áp dụng công tơ điện tử và thu thập dữ liệu từ xa, đồng thời giao cho các tổng công ty điện lực lập dự án triển khai thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử báo cáo về Tập đoàn trước ngày 31/10/2015. Dự án của các đơn vị được lập trên cơ sở phù hợp với nhu cầu, lộ trình và phải tuân thủ các nguyên tắc: Đảm bảo không tăng chi phí lắp đặt công tơ phục vụ bán điện cho khách hàng theo định mức đã được Tập đoàn phê duyệt; Đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật và chất lượng của công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa; Đảm bảo an ninh bảo mật, tránh can thiệp trái phép vào công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa; Đảm bảo hiệu quả đầu tư; Có phương án sử dụng lực lượng lao động dôi dư một cách phù hợp tại các đơn vị, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động.
PV: Để đảm bảo độ chính xác của từng con số, Tập đoàn sẽ sử dụng loại công tơ điện tử của nước nào?
Ông Nguyễn Tấn Lộc: Công tơ điện tử được sử dụng trong việc bán điện cho khách hàng trước tiên phải đảm bảo tuân thủ Luật Đo lường và các văn bản dưới luật được quy định bởi các cơ quan quản lý nhà nước. Để thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật về công tơ điện tử áp dụng, Tập đoàn đã ban hành Quyết định số 887/QĐ-EVN ngày 14/10/2014 về tiêu chuẩn kỹ thuật cho từng loại công tơ điện tử để áp dụng cho từng nhóm khách hàng cụ thể, trong đó ưu tiên các nhà sản xuất trong nước. Hiện tại Việt Nam có rất nhiều đơn vị có thể sản xuất được công tơ điện tử đáp ứng cho thị trường ngành điện tại Việt Nam cũng như xuất khẩu cho các nước lân cận.
PV: Những khó khăn đặc thù, giải pháp khắc phục và kiến nghị của EVN với Nhà nước, Bộ Công Thương để việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả?
Ông Nguyễn Tấn Lộc: Quá trình triển khai thay thế công tơ điện tử thời gian vừa qua, khó khăn lớn nhất là nguồn vốn. Mặc dù việc triển khai áp dụng công tơ điện tử đem lại nhiều hiệu quả nhưng việc triển khai cần đảm bảo nguyên tắc không làm tăng chi phí lắp đặt công tơ phục vụ bán điện cho khách hàng theo định mức đã duyệt, do đó cần tính toán một lộ trình triển khai phù hợp để đảm bảo nguyên tắc này. Khó khăn thứ hai là việc sắp xếp lực lượng lao động dôi dư trong khâu ghi chỉ số công tơ do áp dụng công nghệ mới, EVN phải đào tạo lại lực lượng lao động dôi dư để bố trí lại lao động cho phù hợp. EVN sẽ báo cáo và kiến nghị Bộ Công Thương các giải pháp để giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc triển khai phát triển công tơ điện tử và thu thập dữ liệu từ xa, đồng thời kiến nghị với Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ bố trí hỗ trợ một phần vốn ODA.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!