Tự tin doanh thu năm nay cán mốc 2,5 tỷ USD
Chiều 10/4, Công ty Cổ phần FPT (Tập đoàn FPT, mã cổ phiếu FPT – sàn HoSE) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Tại Đại hội, cổ đông Tập đoàn FPT đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, cùng tăng khoảng 18% so với mức thực hiện của năm 2023.
Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT khẳng định mục tiêu trên hoàn toàn khả thi trong bối cảnh Tập đoàn đã lọt danh sách các công ty dịch vụ công nghệ quy mô tỷ USD trên thế giới vào năm 2023.
“Sau khi đã đạt được cột mốc 1 tỷ USD, thì con số 5 tỷ hay 10 tỷ USD nằm trong tầm tay”, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT nói.
Xét về cơ cấu doanh thu, khối Công nghệ dự kiến tiếp tục là động lực tăng trưởng mũi nhọn của Tập đoàn FPT trong năm nay với mục tiêu doanh thu đạt 31.449 tỷ đồng (tương đương 51% mục tiêu tổng doanh thu), tăng 21% so với năm 2023.
Trong khi đó, hai khối Viễn thông và khối Giáo dục & Đầu tư khác dự kiến doanh thu sẽ lần lượt là 17.600 tỷ đồng và 6.100 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và tăng 14% so với năm 2023.
Thông tin thêm về chiến lược kinh doanh, lãnh đạo Tập đoàn FPT cho biết, đối với khối Công nghệ, Tập đoàn FPT sẽ nâng cao năng lực chuyên sâu trong lĩnh vực phần mềm ô tô (Automotive) với mục tiêu tăng trưởng 50%/năm và đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2030.
Hồi cuối năm 2023, tập đoàn này đã thành lập công ty FPT Automotive tại Mỹ nhằm tập trung khai thác khách hàng tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam.
Cùng với đó, lãnh đạo Tập đoàn FPT khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư mạnh cho các dịch vụ về AI, Cloud, Cybersecurity cùng các dịch vụ hạ tầng mới, công nghệ mới.
Đối với khối Viễn thông, Tập đoàn FPT dự kiến đầu tư 2.300 tỷ đồng cho các trục cáp chính, cáp biển, nâng cấp chất lượng hạ tầng viễn thông nội địa và hệ thống Trung tâm Dữ liệu, hướng tới mục tiêu “dữ liệu của Việt Nam ở lại Việt Nam”.
Đối với khối Giáo dục, Tập đoàn FPT dự kiến chi khoảng 2.000 tỷ đồng để mở rộng cơ sở đào tại tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cũng như mở mới chương trình đào tạo cũng như cơ sở đào tạo tại Thanh Hoá, Huế, Hậu Giang, Bình Dương, Gia Lai, Hà Tĩnh và Nghệ An.
Ông Nguyễn Thế Phương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho biết thêm, trong quý 1/2024, Tập đoàn ước tính doanh thu tăng trưởng 20% và lợi nhuận tăng trưởng gần 20%. Trong đó, doanh thu từ mảng xuất khẩu phần mềm tăng khoảng 20% với động lực chính tiếp tục đến từ thị trường Nhật Bản (tăng trưởng 40%).
Ngành bán dẫn sẽ là tương lai, tiếp tục tìm kiếm thêm các thương vụ M&A
Tại Đại hội, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT nhấn mạnh việc Tập đoàn FPT sẽ tập trung phát triển lĩnh vực bán dẫn do đây được xem là “lĩnh vực quyết định lịch sử của nhân loài” trong ít nhất 25 năm tới đây.
“Ngành bán dẫn hiện đang thiếu một triệu lao động và yếu tố then chốt để tham gia vào ngành là cung ứng nguồn lao động. Ngành này có quy luật rất khó, không phải ai cũng có đủ nhiệt huyết, đam mê để theo đuổi. Tuy nhiên người Việt Nam với đức tính ham học hỏi, khát khao vươn lên làm giàu, tôi tin chúng ta sẽ làm được. Như FPT cách đây 20 năm từ không biết gì nhưng đã nghĩ rằng phần mềm là ngành phải làm,” ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Theo đó, Tập đoàn FPT đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ đào tạo được 10.000 kỹ sư và chuyên viên ngành bán dẫn, bao gồm đào tạo cả các chứng chỉ chuyển đổi ngắn hạn từ các ngành liên quan như Điện tử, Viễn thông… Đồng thời, mở rộng các dịch vụ trong ngành chip bán dẫn.
Đáng chú ý, Chủ tịch Tập đoàn FPT tiết lộ Tập đoàn đã có các thoả thuận về cung ứng nhân sự cho các doanh nghiệp ngành bán dẫn trên thế giới. Trong đó, thị trường trọng điểm sẽ là Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc).
“FPT ký kết với loạt các đơn vị để có đầu ra. Khi có đầu ra thì thanh niên Việt Nam sẽ làm. Làm phần mềm thu nhập một thì bán dẫn thu nhập 3. Bán dẫn hấp dẫn cả về công việc, thu nhập và điều kiện làm việc,” ông Trương Gia Bình khẳng định.
Về phương án chia cổ tức, cổ đông Tập đoàn FPT đã thông qua việc chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%. Trước đó, tập đoàn này đã tạm ứng cổ tức với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt; 10% cổ tức còn lại dự kiến sẽ được thanh toán ngay trong quý 2/2024.
Đồng thời, cổ đông Tập đoàn FPT cũng thông qua kế hoạch phát hành thêm hơn 190,4 triệu cổ phiếu FPT cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn. Phương án này được thực hiện theo tỷ lệ 20:3, tương ứng cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu FPT sẽ được nhận 3 cổ phiếu mới. Kế hoạch này dự kiến được thực hiện trong quý 2 - quý 3/2024.
Ông Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh Tập đoàn FPT sẽ vẫn duy trì chính sách trả cổ tức 20% bằng tiền. Ngoài ra, hàng năm Tập đoàn vẫn có chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng giúp gia tăng lượng cổ phiếu nắm giữ.
"Mảng công nghệ và giáo dục là ngành đầu tư dài hạn, nên vốn đầu tư rất cần thiết", Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT giải thích vì sao cần tăng vốn định kỳ.
Liên quan đến vấn đề M&A, ông Phạm Minh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cho biết tập đoàn có tham vọng không chỉ mở rộng mà còn đi sâu để rút ngắn thời gian nên Tập đoàn sẽ tiếp tục tìm kiếm các thương vụ tiềm năng, tập trung tại Hàn Quốc, Singapore và châu Âu.