Ngày 30/12, Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu HPG - sàn HoSE) đã tổ chức lễ chúc mừng dây chuyền sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) 5,6 triệu tấn/năm chính thức hoàn thành lắp đặt tại Khu Liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, thuộc Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển dự án Dung Quất 2 với diện tích lên tới 280 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 85.000 tỷ đồng.
Với tổng công suất tối đa đạt 5,6 triệu tấn thép/năm, dự án Dung Quất 2 sẽ giúp nâng tổng công suất thép thô của Tập đoàn Hòa Phát vượt mức 14,5 triệu tấn/năm. Qua đó, lọt TOP 30 hãng sản xuất thép lớn nhất thế giới từ năm 2025, giúp củng cố lợi thế về quy mô, tiến tới giảm được giá thành sản xuất hơn nữa.
Trước đó, vào ngày 5/12, Tập đoàn Hòa Phát đã chính thức khai lò thổi 300 tấn tại dự án. Theo kế hoạch, Lò cao số 1 của dự án Dung Quất 2 sẽ chính thức vận hành vào năm 2025 với công suất 50%, tương đương 1,4 triệu tấn thép. Đến năm 2026, Lò cao số 2 sẽ đi vào hoạt động với công suất 50%, trong khi Lò cao số 1 sẽ được nâng công suất lên 80%. Nếu tiến độ không thay đổi, toàn bộ hệ thống sẽ đạt công suất tối đa vào năm 2028.
Sản phẩm đầu ra của dự án Dung Quất 2 chủ yếu là thép cuộn cán nóng chất lượng cao, phục vụ cho các ngành công nghiệp như sản xuất ô tô, sản xuất thép hàm lượng carbon thấp cho các sản phẩm như vỏ đồ hộp, đồ gia dụng và kết cấu thép.
Bên cạnh đó, như Tạp chí Công Thương đã phân tích, thiết kế Dự án Dung Quất 2 sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội so với Dự án Dung Quất 1. Trong đó, thể tích lò cao tại dự án Dung Quất 2 là 2.500 m3, gấp đôi thể tích lò của Dự án Dung Quất 1, giúp: tốc độ trao đổi nguyên liệu cao hơn, tiêu thụ năng lượng thấp hơn, vận hành ổn định hơn do đó tạo ra thành phẩm có chất lượng cao hơn, đồng nhất hơn.
Đặc biệt, dự án sẽ có mức phát thải CO2 thấp hơn, giúp đáp ứng các yêu cầu môi trường ngày càng nghiêm ngặt trong sản xuất thép.
Dự án Dung Quất 2 được xem là “bước ngoặt” quan trọng giúp Tập đoàn Hòa Phát tập trung phát triển các sản phẩm thép chất lượng cao, phục vụ sản xuất công nghiệp, thay vì phụ thuộc vào mảng thép xây dựng vốn có tính chu kỳ gắn với diễn biến thị trường bất động sản.
Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, với dự án Dung Quất 2, chi phí sản xuất HRC của Tập đoàn Hòa Phát sẽ ở mức cạnh tranh hàng đầu khu vực ASEAN và có thể trên toàn châu Á. Đáng chú ý, điều này cũng sẽ giúp các sản phẩm hạ nguồn như ống thép và vỏ container của Tập đoàn Hòa Phát cạnh tranh hơn về giá cả.
Dự án Dung Quất 2 được kỳ vọng khi đi vào hoạt động tối đa công suất sẽ giúp doanh thu hàng năm của Tập đoàn Hoà Phát tăng thêm 4 - 5 tỷ USD so với mức khoảng 6,5 tỷ USD hiện tại.