Ngày 24/10, Bộ Công Thương đã ban hành kết quả rà soát cuối kỳ về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng và được sơn (hay còn gọi là tôn mạ), có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Theo nội dung, cơ quan điều tra xác định có khả năng hàng hóa nhập khẩu bị điều tra sẽ tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước nếu chấm dứt biện pháp chống bán phá giá.
Do đó, Bộ Công Thương quyết định gia hạn áp mức thuế từ 2,56% đến 34,27% thêm 5 năm (đến tháng 10/2029) đối với 24 công ty xuất, nhập khẩu tại 2 quốc gia trên, cùng nhiều công ty liên quan. Trường hợp người khai hải quan không nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, sẽ áp dụng mức thuế chống bán phá giá là 34,27%.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý có liên quan thực hiện việc kiểm tra, theo dõi, giám sát hiệu quả của việc thực thi quyết định để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các ngành sản xuất theo đúng quy định pháp luật.
Hồi tháng 4/2024, 5 doanh nghiệp sản xuất tôn mạ lớn là Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG), Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG), Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (mã cổ phiếu GDA), Công ty Tôn Phương Nam, và Công Ty Cổ Phần China Steel & Nippon Steel Việt Nam đã nộp hồ sơ khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc lên Cục Phòng vệ thương mại. Đến tháng 6/2024, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định điều tra.
Các doanh nghiệp này cung cấp chứng cứ về hành vi bán phá giá và đề nghị điều tra, xác định biên độ bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là 69,23% và từ Hàn Quốc là 3,41%.
Nhìn lại quá khứ, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp thuế chống bán phá giá tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 3/2016; quyết định áp thuế chống bán phá tạm thời được đưa ra sau 6 tháng; và thuế chống bán phá chính thức được áp dụng sau 12 tháng. Sau 5 năm áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ Công Thương quyết định chấm dứt lệnh này vào năm 2022.
Dữ liệu của Chứng khoán BIDV cho thấy, kể từ sau khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời vào tháng 9/2016, sản lượng tôn mạ nội địa toàn ngành trung bình đạt 450.000 tấn/quý, tăng 18% so với giai đoạn trước khi áp thuế.
Trong đó, Tập đoàn Hoa Sen với lợi thế là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất ngành tôn mạ (ước tính 30% thị phần) đã ghi nhận sản lượng tiêu thụ nội địa hàng quý tăng tới 30% so với giai đoạn trước khi áp thuế.
Thép Nam Kim và Tôn Đông Á cũng ghi nhận sản lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa hàng quý lần lượt tăng 29% và 18% so với giai đoạn trước khi áp thuế.
Theo Chứng khoán BIDV, giá thép dự kiến sẽ duy trì xu hướng phục hồi trong những tháng cuối năm sau khi thị trường thép Trung Quốc đã có dấu hiệu tạo đáy và kỳ vọng phục hồi khi nước này tung ra loạt biện pháp kích thích kinh tế.
Thị trường bất động sản trong nước dần phục hồi cũng đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ tôn mạ trong nước. Bên cạnh đó, các đại lý thường có xu hướng tích trữ hàng tồn kho nhiều hơn trước giai đoạn áp thuế chống bán phá giá. Do đó, Chứng khoán BIDV dự báo giá thép trung bình cả năm 2024 sẽ tăng 5% so với năm 2023.
Trong năm 2025, Chứng khoán BIDV dự phóng sản lượng tôn mạ nội địa toàn ngành sẽ tăng 20% so với năm 2024 nhờ việc áp thuế chống bán phá giá và sự phục hồi của thị trường bất động sản.