Tập đoàn PAN "thận trọng" đặt mục tiêu kinh doanh năm nay, kỳ vọng mảng tôm tăng tốc

Ban lãnh đạo Tập đoàn PAN (mã cổ phiếu PAN) hiện kỳ vọng mảng gạo đóng gói và mảng tôm sẽ tăng tốc trong năm nay, đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh hợp nhất.
Tập đoàn PAN
Ban lãnh đạo Tập đoàn PAN kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của mảng tôm năm nay sẽ tăng từ 12 - 15%.

Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (mã cổ phiếu PAN - sàn HoSE) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến tổ chức vào ngày 26/4 tới đây.

Theo đó, Tập đoàn PAN lên kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu đạt 14.780 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 882 tỷ đồng, lần lượt tăng 11,9% và 7,9% so với mức thực hiện của năm 2023.

Ban lãnh đạo Tập đoàn PAN chia sẻ, kế hoạch kinh doanh trên “có phần thận trọng” trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, lạm phát và lãi suất ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ vẫn còn neo cao, làm cho nhu cầu tiêu dùng tăng không đáng kể. Thêm nữa, thị trường nội địa cũng chỉ mới bước vào giai đoạn hồi phục sau đại dịch, vẫn tồn tại nhiều thách thức đối với hoạt động mở rộng quy mô của Tập đoàn.

Kết thúc năm 2023, doanh thu của Tập đoàn PAN đạt 13.205 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 817 tỷ đồng. Qua đó, hoàn thành 87% kế hoạch doanh thu và 97% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Năm nay, ban lãnh đạo Tập đoàn PAN kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ cải thiện đáng kể khi các lĩnh vực ghi nhận dấu hiệu tích cực. Cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp dự kiến có tốc độ tăng trưởng doanh thu tốt.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có thể kém hơn do ảnh hưởng từ biến động giá đầu vào, giá thu mua và áp lực tỷ giá. Ngoài ra, hiện tượng El Nino trong thời gian tới cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mùa vụ cây trồng, cây ăn quả và quá trình tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật.

Tập đoàn PAN dự báo, mảng gạo đóng gói sẽ tăng trưởng tích cực do giá gạo hiện đang neo cao, có thể bù đắp lại tổn thất từ mảng giống cây trồng và nông dược.

Giá cổ phiếu PAN Tập đoàn PAN
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu PAN của Tập đoàn PAN từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Thực phẩm Sao Ta (FMC): Doanh thu quý 1/2024 tăng 14%, sẵn sàng đương đầu với vụ kiện chống trợ cấp" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Ở lĩnh vực thực phẩm đóng gói, đà tăng trưởng của mảng bánh kẹo sẽ tiếp tục hồi phục và có thể tăng trưởng khả quan nhờ tăng cường khai thác thị trường xuất khẩu. Tuy giá nguyên liệu đầu vào như đường hay bột mỳ còn cao nhưng dự kiến doanh thu vẫn có thể tăng 15%.

Với mảng hạt, Tập đoàn PAN đã và đang tích cực khai thác thị trường Nhật Bản song song với bán hàng tại Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc). Dự kiến doanh thu mảng hạt có thể tăng từ 10 – 15%.

Trong khi đó, Tập đoàn PAN dự kiến lĩnh vực thủy sản chưa thể tăng trưởng trở lại trong nửa đầu năm do nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Mỹ, EU vẫn khá ảm đạm. Đồng thời, còn do ảnh hưởng tiêu cực từ vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ với ngành tôm.

Dự kiến doanh thu mảng tôm và cá tra của Tập đoàn PAN đều tăng trưởng một con số. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của mảng tôm kỳ vọng tăng từ 12 - 15% khi khai thác toàn bộ diện tích vùng nuôi và lợi thế về chi phí vận chuyển cũng như thức ăn chăn nuôi.

Về mức cổ tức năm 2023, Tập đoàn PAN dự kiến trình cổ đông phê duyệt phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt, với tỷ lệ 5%, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ nhận được 500 đồng cổ tức.

Duy Quang