Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản vừa mới xác nhận mua lại CTCP Giấy Sài Gòn (Saigon Paper), doanh nghiệp sản xuất giấy lớn nhất Việt Nam, với giá 91,2 triệu USD.

Nhìn lại lịch sử, Giấy Sài Gòn đã từng mua đi bán lại nhiều lần:

-          Năm 1997: Thành lập

-          Năm 2007: Công ty bán 40% cổ phần cho 7 quỹ đầu tư trong và ngoài nước (BIDV - Vietnam Partners, Vietnam Partners LLC, DWS Vietnam Fund, Prudential Vietnam, Prudential Fund, Vietnam Segregated Portfolio, VIG).

-          Năm 2011, VIG bán 15%  của mình cho Daio Paper Corporation và quỹ đầu tư Bridgehead của Nhật

-          Năm 2013 rơi vào khủng hoảng, các đối tác Nhật muốn thoái vốn; Công ty cổ phần Mai và cộng sự (Mai & CO) mua lại 42,3% cổ phần

-          Ngày 25/6, Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản mua lại 95,5% cổ phần của Giấy Sài Gòn.

Trong biên niên sử ấy, những lần mua bán cổ phần đều là những lần Giấy Sài Gòn rơi vào khủng hoảng, thua lỗ, và việc mua bán chỉ giới hạn dưới 50% cho các cổ đông. Riêng lần này, Giấy Sài Gòn đang ăn nên làm ra, và số cổ phần bán trên 90%, đồng nghĩa với việc “ra đi” của các cổ đông sáng lập.

Giấy Sài Gòn hiện chiếm thị phần lớn nhất nước ta với 18%; tổng công suất giấy tiêu dùng 40.560 tấn và giấy công nghiệp 232.440 tấn mỗi năm. Giấy Sài Gòn sở hữu 2 nhà máy với hệ thống kho rộng 20 ha; dây chuyền sản xuất hiện đại công nghệ châu Âu; tỷ suất EBITDA (lợi nhuận trước khi trả lãi vay và khấu hao) 13,1%, gần bằng tỷ suất bình quân 13,5% của Top 100 công ty giấy hàng đầu thế giới.

Giấy Sài Gòn cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng khắp 63 tỉnh thành thông qua mạng lưới phân phối tại: 38 chuỗi siêu thị - cửa hàng tiện lợi; 20 chuỗi khách sạn 4-5 sao; 4 chuỗi cung cấp suất ăn công nghiệp hàng đầu Việt Nam và 64,000 cửa hàng tạp hóa và xuất khẩu đi 36 nước.

Điều khó hiểu hơn cả việc bán trên 95% cổ phần trong lúc Giấy Sài Gòn đang ăn nên làm ra, nhu cầu về khăn giấy và bìa cứng - thế mạnh của Công ty - đang ngày tăng tăng lên. Tại Việt Nam, nhu cầu này tăng hơn 10 lần trong một thập kỷ qua.

Hơn thế nữa, bán 95,5% cổ phần, đồng nghĩa với việc những cổ đông sáng lập gồm Chủ tịch và Tổng giám đốc sẽ ra đi. Ngay sau khi thông báo, phía Tập đoàn Sojitz đã quyết định cử 6 lãnh đạo sang tiếp quản Công ty.

Vấn đề của Giấy Sài Gòn là gì? Vì sao bán gần hết số cổ phần? Những người trong cuộc không nói ra, nên chúng ta chỉ có thể dự đoán. Một là những người lãnh đạo Công ty đã thấm mệt sau 20 năm với 2 cuộc khủng hoảng vào 2007 và 2013; nay là lúc muốn buông tay nghỉ ngơi. Hai là áp lực cạnh tranh quá mạnh trong ngành giấy nước ta. Ba là bán lấy tiền để đầu tư sang 1 lĩnh vực mới.