Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán: PLX – sàn: HoSE) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Trong năm nay, Tập đoàn này đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 190.000 tỷ đồng, giảm 38% so với mức thực hiện năm ngoái, nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến 3.228 tỷ đồng, tăng 42% so với mức thực hiện năm 2022.
Để đạt được các mục tiêu kinh doanh nêu trên, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam sẽ tập trung thực hiện triển khai các hợp đồng kỳ hạn đã ký kết với hai nhà máy lọc hoá dầu trong nước nhằm đảm bảo đúng, đủ theo các điều khoản đã cam kết. Đồng thời, chủ động tìm kiếm các nguồn hàng nhập khẩu có tính cạnh tranh về giá thuế, cũng như xây dựng phương án dự phòng trong trường hợp các nhà máy lọc hoá dầu trong nước gặp sự cố.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cũng cho biết sẽ phát triển hệ thống thương nhân nhượng quyền có chọn lọc; xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ, chính sách kinh doanh, nhận diện thương hiệu, công nghệ thông tin… theo hướng chuẩn hoá, đóng gói để làm công cụ hỗ trợ các công ty xăng dầu thành viên tìm kiếm, đàm phán với các thương nhân nhượng quyền.
Định hướng trong năm nay, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung gia tăng phương thức bán lẻ, mở rộng mạng lưới cửa hàng xăng dầu, đặc biệt trên các tuyến cao tốc, trục lộ, tỉnh lộ và thành phố lớn. Các cửa hàng xăng dầu sẽ được phát triển theo tiêu chuẩn mới, hiện đại, đáp ứng tích tiện ích, tính phục vụ và nâng cao trải nghiệm khách hàng, phát triển trạm sạc pin xe điện và triển khai thí điểm mô hình trạm dịch vụ xe tải.
Theo Báo cáo thường niên năm 2022, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đang có 43 đơn vị thành viên trực tiếp kinh doanh xăng dầu trên cả nước; hệ thống mạng lưới gồm khoảng 5.500 cửa hàng (trong đó có trên 2.760 cửa hàng xăng dầu thuộc Tập đoàn và còn lại là các cửa hàng xăng dầu thuộc thương nhân nhượng quyền) trên cả nước.
Trong năm nay, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam dự kiến sẽ xây dựng mới 76 cửa hàng xăng dầu, cải tạo và mở rộng 470 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc.
Ngoài ra, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết sẽ bám sát các Cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP, Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong quá trình vận hành thị trường xăng dầu, đặc biệt liên quan đến các yếu tố chi phí, giá bán, giá cơ sở, kỳ điều hành...cũng như quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các Thương nhân đầu mối/Thương nhân phân phối trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu.
Về việc phân phối lợi nhuận, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam sẽ trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức năm 2022 ở mức 7%, thấp hơn so với mức 12% được đề ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Đồng thời, Tập đoàn này đặt mục tiêu chia cổ tức năm 2023 ở mức 10%.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 8/6, cổ phiếu PLX có giá tham chiếu tại mức 38.900 đồng/cổ phiếu.
Kết thúc quý 1/2023, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần đạt 67.432 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt tới 667 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2022. Chủ yếu nhờ giá vốn hàng hoá giảm nên lợi nhuận gộp được cải thiện, đồng thời, ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá tăng mạnh.
Đáng chú ý, trong tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã hoàn tất việc thoái 40% vốn, tương ứng 120 triệu cổ phiếu, tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, mã chứng khoán: PGB - sàn: UpCOM). Mức giá trúng bình quân 21.400 đồng/cổ phiếu, qua đó thu về số tiền hơn 2.568 tỷ đồng,
Trước đó, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) ước tính Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có thể ghi nhận lợi nhuận ròng bổ sung là 578 tỷ đồng – tương đương khoảng 18% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiêu số năm 2023 – nếu Tập đoàn này thực hiện thành công giao dịch này với giá 21.300 đồng/cổ phiếu.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam dự kiến diễn ra vào ngày 26/6 bằng hình thức trực tuyến.