Sản xuất công nghiệp tăng, tồn kho giảm
Trong 11 tháng năm 2015, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục có mức tăng trưởng ấn tượng với 9,7%, đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 - năm đầu tiên chuyển từ tính chỉ số giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) sang chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP).
Biểu đồ: IIP 11 tháng năm 2011 - 2015
Không những vậy, tính từ năm 2013 là năm hoạt động công nghiệp có mức tăng trở lại sau khi giảm sâu xuống 4,6% vào năm 2012, thì mức tăng IIP 11 tháng năm 2015 cũng đạt sự bứt phá cao nhất với 2,2% so với năm liền kề trước đó (9,7% năm 2015 - 7,5% năm 2014); năm 2014 mức bứt phá đạt 1,7% (7,5% năm 2014 - 5,8% năm 2013); năm 2013 mức bứt phá đạt 1,2% (5,8% năm 2013 - 4,6% năm 2012).
Ngành sản xuất và phân phối điện và ngành công nghiệp
chế biến chế tạo có đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành
công nghiệp với 11,5% và 10,1%. Đặc biệt đây cũng là 2 ngành duy trì được sức
tăng trưởng cao trong suốt 11 tháng năm nay.
Cùng với sự tăng trưởng ấn tượng của sản xuất công nghiệp, tình hình tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục tạo ra bước ngoặt ngoạn mục với mức tăng 10,4% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2014 và tăng cao hơn 2% so với mức tăng 10,8% của 10 tháng năm 2014 so với cùng kỳ năm 2013.
Sản xuất tăng, tiêu thụ tăng giúp chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục duy trì ở mức thấp. Tại thời điểm ngày 01/11/2015 chỉ số này là 9,7%, thấp hơn 0,5% của cùng thời điểm năm 2014.
Ba chỉ số IIP, chỉ số tồn kho và chỉ số tiêu thụ có những dấu hiệu tích cực đã cơ bản góp phần làm cho thị trường trong nước sôi động hơn. Tính chung 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt xấp xỉ 3 triệu tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ, nếu loại bỏ yếu tố giá tăng 8,82%, đạt mức tăng trưởng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2014.
Những thách thức của thị trường xuất khẩu
So với hoạt động sản xuất, kinh doanh nội địa, đấu trường giao dịch thương mại quốc tế năm nay không sôi động bằng. 11 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 148,7 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2014, tương đương với tăng 11,35 tỷ USD.
Điểm tích cực nhất của hoạt động xuất khẩu là nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn duy trì được vị trí dẫn dắt với sức tăng 16,5% và chiếm tỷ trọng 78,7%, có mức tăng cao nhất và đạt tỷ trọng lớn nhất trong 5 năm gần đây.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu không bằng mức tăng của cùng kỳ năm 2014. Nhìn trên tổng thể, các mặt hàng công nghiệp chế tạo nước ta có sức tăng trưởng rất tốt. Từ dệt may, da giày, đồ gỗ cho đến máy vi tính, sản phẩm điện tử; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng...
Mức tăng trưởng xuất khẩu không đạt như kế hoạch và kỳ vọng là do những diễn biến bất lợi của thị trường. Cụ thể, giá xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản giảm khiến cho kim ngạch xuất khẩu của nhóm giảm 1,56 tỷ USD; giá một số mặt hàng nhiên liệu khoáng sản giảm khiến kim ngạch của nhóm giảm 3,86 tỷ USD. Cộng hai nhóm này lại, tổng kim ngạch xuất khẩu nước ta giảm trên 5,4 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 4%. Nếu giá giữ như cùng kỳ năm 2014, thì mức tăng trưởng 11 tháng đã tăng xấp xỉ 13% của cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh giá 2 nhóm hàng giảm sâu, một số thị trường trên thế giới đã duy trì những rào cản kinh tế và kỹ thuật đối với hàng hóa nước ta. Trong cuộc họp giao ban trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức ngày 30/11 vừa qua, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản (VASEP) cho biết giá xuất khẩu tôm và cá tra - 2 mặt hàng chủ lực của ngành Thủy sản đã giảm trên 1 tỷ USD do những bất lợi trên thị trường Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh nói rõ thêm về 2 trường hợp này. Đối với vụ kiện chống bán phá giá tôm do Hoa Kỳ khởi xướng nhằm vào doanh nghiệp nước ta, năm 2014 một ủy ban của WTO ra phán quyết Mỹ đã vi phạm nghĩa vụ thành viên WTO trong việc áp dụng biện pháp “zeroing” khi tính biên độ phá giá đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Mặc dù vậy, Hoa Kỳ vẫn lẩn tránh thực thi phán quyết nói trên, và Việt Nam đã đưa vụ việc này ra Trung tâm trọng tài quốc tế, trong tương lai rất gần sẽ có phán quyết để buộc Hoa Kỳ phải tuân thủ. Trong khi chờ đợi sự công bằng, con tôm nước ta vẫn phải chịu thiệt thòi.
Trường hợp thứ hai, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ra quy định thanh tra về tính tương đồng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong nuôi và chế biến cá da trơn, điều này đã vi phạm các cam kết và quy tắc của WTO. Ta đang chuẩn bị hồ sơ để đưa vấn đề này ra WTO, nhưng trong khi chờ đợi, con cá tra sẽ chịu những bất lợi như con tôm trên thị trường Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ quyết liệt thực hiện các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu, nhất là việc kết nối cung cầu thị trường trong, ngoài nước; dự báo và thông tin kịp thời nhu cầu thị trường nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nhằm hóa giải những diễn biến bất lợi trên thị trường.