Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2018, cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu 33,62 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cũng đưa Việt Nam tiếp tục đứng ở vị thế xuất siêu trong giao thương, với mức thặng dư là 1,67 tỷ USD. Phần lớn thị trường quan trọng, giàu sức mua như Mỹ, Nhật Bản, ASEAN, EU và Trung Quốc đều duy trì mức nhập khẩu hàng Việt.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đã đạt 6,1 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng nông sản Việt đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu với điểm nhấn là những loại quả có giá trị cao, phù hợp nhu cầu của thế giới như xoài, thanh long, dứa, nhãn, hạt điều...
Xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam tại các thị trường nước ngoài rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tếTrong Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2018 diễn ra hồi cuối tháng 2 vừa qua, các Tham tán đều nhất trí, vấn đề xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam tại các thị trường nước ngoài rất quan trọng. Do vậy tự thân doanh nghiệp trước hết cần tập trung nguồn lực đầu tư thay đổi công nghệ, nâng cấp chất lượng sản phẩm, chủ động triển khai hoạt động quảng bá hình ảnh bên cạnh việc sớm thiết lập bộ phận chuyên trách ứng phó, giải quyết các vấn đề khiếu kiện, tranh chấp thương mại để bảo đảm hiệu quả xuất khẩu trong tương lai… đáp ứng các tiêu chuẩn của nước sở tại để sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận và đủ sức cạnh tranh.
Ông Lâm Văn Bi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, địa phương và các doanh nghiệp cần thông tin đầy đủ hơn về các hiệp định thương mại tự do, thông tin về các đối thủ cạnh tranh cùng ngành hàng ở nước ngoài, xác minh thông tin nhà nhập khẩu nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước chủ động nắm bắt thông tin, giúp các địa phương xúc tiến quảng bá có trọng tâm trọng điểm hơn.
Ông Đào Việt Anh – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, hiện nay Trung Quốc không còn là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Gần đây, nhiều sản phẩm Việt Nam như gạo, thanh long và café đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường Trung Quốc với thương hiệu Việt Nam.
Tuy nhiên, sự chủ động của các doanh nghiệp mới chỉ dừng ở mức bán bằng thương hiệu nhưng chưa chú trọng xây dựng quảng bá và bảo hộ thương hiệu. Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc đã cảnh báo doanh nghiệp về vấn đề này nhưng các doanh nghiệp lại ít quan tâm, chỉ trao đổi về vấn đề tìm đối tác và các thủ tục mở văn phòng đại diện tại nước sở tại.
Ngoài ra, bà Vũ Việt Nga - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Phillipines cũng cho biết, tại thị trường Phillipines, mặt hàng cá tra và cá ba sa được ưa chuộng. Tuy rằng, khẩu vị của hai loại cá này rất phù hợp với khẩu vị người dân, có mặt khắp nhà hàng và siêu thị tại Phillipines, nhưng thị trường lại không biết đó là sản phẩm của Việt Nam. Thương vụ tại Phillipines đã trao đổi với địa phương và các DN trong nước, tuy nhiên, các Hiệp hội và DN lại ít quan tâm tới công tác quảng bá sản phẩm.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia cho rằng, muốn tăng mức xuất khẩu, chúng ta cần lưu tâm tăng cường xuất khẩu các mặt hàng đổi mới và có giá trị gia tăng cao.
Hiện nay, xuất khẩu từ Việt Nam vào Australia chủ yếu là xuất thô. Đặc biệt, có một tin mừng là từ 2019, nhãn tươi Việt Nam đã có thể xuất sang Úc. Sau đó, có thể là tôm tươi nguyên con.
Đại diện Bộ Công Thương, ông Lý Quốc Hùng -Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ nhấn mạnh, trong giai đoạn tiếp theo, các Tham tán Thương mại cần tiếp tục chủ động nắm bắt diễn biến thị trường sở tại, kết nối chặt chẽ với các bộ, ngành sở tại nhằm kịp thời đề xuất các kiến nghị quan trọng đối với chính sách trong nước.
Thương vụ cần lấy thành công của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới làm kim chỉ nam cho hành động của mình, trở thành tuyến đầu xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam và bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trong nước.