Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự TREA, cho biết việc đồng Baht Thái suy yếu đã giúp giá gạo Thái Lan trở nên cạnh tranh hơn đáng kể so với các đối thủ khác trên thị trường và giúp nước này giành được các hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Tính từ đầu năm đến nay, đồng Baht đã giảm khoảng 13% so với đồng USD.
Trong tuần này, giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan được chào bán tại mức 385 USD – 386 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với mức 425 USD – 430 USD/tấn của gạo Việt Nam có cùng phẩm cấp.
Theo ông Chookiat Ophaswongse, một số quốc gia nhập khẩu gạo lớn như Philippines, Trung Quốc và Malaysia đã bắt đầu mua vào gạo Thái Lan trong những tuần gần đây. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu gạo của Thái Lan sang Nam Phi, Yemen và Iraq cũng ghi nhận nhiều đơn hàng mới.
Vụ Ngoại thương (DFT) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan vừa cho biết khối lượng gạo xuất khẩu của nước này trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua đã tăng 7,35% so với cùng kỳ năm ngoái. Dựa trên các đơn xin cấp phép xuất khẩu mà DFT nhận được, khối lượng xuất khẩu gạo của nước này trong tháng 8 là 831.260 tấn và trong tháng 9 là 631.363 tấn. Tính chung 9 tháng đầu năm nay, Thái Lan xuất khẩu được 3,7 triệu tấn gạo.
Ông Chookiat Ophaswongse dự báo lượng gạo xuất khẩu trung bình những tháng cuối năm nay của Thái Lan sẽ đạt trên 700.000 tấn/tháng và khẳng định hoạt động xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ không bị ảnh hưởng bởi tình trạng lũ lụt vốn đang ảnh hưởng tới một số tỉnh nước này.
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo, DFT dự kiến sẽ tổ chức các hội nghị với các khách hàng tiềm năng lớn, đồng thời cũng đang đẩy nhanh việc quảng bá gạo Thái Lan thông qua các kênh trực tuyến khác nhau để xây dựng niềm tin của người tiêu dùng. Trong đó Indonesia, Trung Quốc, Bangladesh và Iraq được coi là các thị trường chính của nước này theo các thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ (G2G).
Năm 2019, Thái Lan xuất khẩu 7,58 triệu tấn gạo, thu về 131 tỷ Baht, giảm 32% về lượng và 25% về giá trị so với năm trước đó. Năm ngoái, Thái Lan chỉ xuất khẩu được tổng cộng 5,7 triệu tấn gạo.