Thái Nguyên: Hệ lụy từ giải phóng mặt bằng chậm

Nằm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong 2 năm trở lại đây do vướng mắc về giải phóng mặt bằng đổ thải nên hoạt động sản xuất của Công ty than Khánh Hòa bị ngưng trệ, người lao động thiếu việc làm, ản

Nhằm đáp ứng đủ nguồn nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất cho các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoảng sản Việt Nam (gồm: Xi măng Quán Triều, Xi măng La Hiên, Xi măng Tân Quang, Nhiệt điện Cao Ngạn) và Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh, từ năm 2012,Công ty than Khánh Hòa đã xin nâng công suất khai thác lên 800 nghìn tấn than sạch/năm. Cùng với đó, Công ty than Khánh Hoà triển khai thực hiện 4 Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) thuộc địa bàn TP. Thái Nguyên và 2 huyện: Phú Lương, Đại Từ. Trong đó, mặt bằng tại khu vực xã Phúc Hà (TP. Thái Nguyên) và xã An Khánh (Đại Từ) phục vụ nhu cầu đổ thải; mặt bằng xã Sơn Cẩm (Phú Lương), phường Tân Long (TP. Thái Nguyên) phục vụ nhu cầu mở rộng khai trường phía Bắc giai đoạn I và xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân thuộc diện phải di dời.

Khó vạn lần...

Trong 04 dự án bồi thường giải phóng mặt bằng thì Dự án mở rộng bãi thải Tây tại địa bàn 2 xóm:Ngò và Cầu Sắt, xã An Khánh, huyện Đại Từ có vai trò đặc biệt quan trọng nên Công ty than Khánh Hoà có kế hoạch đầu tư 126 tỷ đồng để phục vụ công tác đền bù, thu hồi hơn 34,6 ha đất. Tuy nhiên, các hộ dân ở xã An Khánh nằm trong vùng ảnh hưởng của Dự án đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ theo quy định nhưng lại không chịu bàn giao mặt bằng cho đầu tư triển khai Dự án.

Điều đáng nói là trong thời gian qua, Công ty than Khánh Hoà đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng tuyến đường dân sinh mới (cứng hoá và có hệ thống điện chiếu sáng) thay thế tuyến đường liên xã An Khánh - Phúc Hà đi qua giữa khu vực bãi đổ thải phía Tây. Tuy nhiên, người dân xã An Khánh không chấp nhận đi qua tuyến đường mới với lý do xa hơn tuyến đường cũ khoảng 700m. Đồng thời, một số người dân đã hiến đất để xã An Khánh làm tuyến đường dân sinh cũ đòi Công ty than Khánh Hoà phải đến bù phần diện tích này (diện tích trên nằm trong 2,8ha đất công mà UBND tỉnh đã giao cho Công ty than Khánh Hoà theo Quyết định số 2824/QĐ-UBND ngày 15-12-2014 của UBND tỉnh). Đường mới bỏ không đi nên hệ thống điện chiếu sáng đã được Công ty than Khánh Hoà đầu tư bị kẻ gian phá, trộm cắp, đường cũ người dân vẫn đi lại hàng ngày trong sự nguy hiểm bởi những khối đá lớn từ các điểm đổ thải có thể lăn xuống bất cứ khi nào.

"Dễ vạn lần không dân cũng chịu"! Quả thật, trong bối cảnh này, người dân không ủng hộ, chính quyền không quyết liệt chung tay cùng doanh nghiệp thì ắt sẽ có nhiều biến động khó lường xảy ra .

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Phúc Hà cho biết: Những vấn đề giải phóng mặt bằng khu vực bãi đổ thải phía Nam thuộc trách nhiệm của cấp xã không còn nóng như những năm trước nhưng hiện một bộ phận người dân địa phương vẫn tiếp tục yêu cầu Công ty than Khánh Hoà giải quyết vế đề ô nhiễm môi trường, hoàn thiện hạ tầng Khu tái định cư trung tâm xã Phúc Hà, nhất là tuyến đường vào các cơ sở giáo dục. Về phía cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn phối hợp chặt chẽ Công ty than Khánh Hoà để tuyên truyền, vận động nhân dân tôn trọng pháp luật, ủng hộ Dự án và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.

Và những hệ lụy

Mặt bằng đổ thải không có, nên trong thời gian qua Công ty than Khánh Hòa chỉ sản xuất cầm chừng. Khó khăn chồng chất khó khăn. Để giải quyết tình thế, trong năm 2014 và quý I năm 2015, Công ty than Khánh Hoà đã 2 lần chuyển tổng số 70 cán bộ, công nhân và gần 20 phương tiện chuyên dụng cho các đơn vị khai thác than tại Quảng Ninh thuê lại.

Trên 900 cán bộ, công nhân và người lao động thuộc biên chế của Công ty than Khánh Hoà đang phải vật lộn với cuộc sống bởi đồng lương ít ỏi (công nhân thu nhập từ 1,8 triệu đồng/người/tháng đến dưới 3 triệu đồng/người/tháng; Ban Giám đốc lương không quá 4 triệu đồng/người/tháng) và nhiều bộ phận phải nghỉ làm luân phiên.

Ông Bùi Trần Đông, Tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc - Vinacomin cho biết: Việc điều chuyển nhân lực, phương tiện của Công ty than Khánh Hoà đi làm thuê cho đơn vị khác là điều cực chẳng đã. Nhưng chúng tôi đã đầu tư trên 300 tỷ đồng để trang bị máy xúc, ô tô chuyên dụng; chi trả đền bù GPMP mà không sản xuất, kinh doanh được như kế hoạch đề ra thì tiền đâu mà trả lãi ngân hàng, trả lương người lao động và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.Nếu tình trạng một bộ phận người dân trong vùng Dự án bất hợp tác, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng ở địa phương không quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ công tác đền bù, thu hồi đất theo các Quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên thì Công ty than Khánh Hoà sẽ ngày một khó khăn hơn. Nếu kéo dài mãi tình trạng này, chúng tôi buộc phải thu hẹp hoặc dừng sản xuất để hạn chế thua lỗ, bảo toàn vốn.

Cần tiếng nói chung

Xét ở khía cạnh an sinh xã hội, Công ty Than Khánh Hòa là đơn vị có nhiều đóng góp cho địa phương không những về ngân sách mà còn có rất nhiều hoạt động từ thiện xã hội. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài thêm một thời gian nữa thì e rằng hoạt động của Công ty cũng đình đốn và cuộc sống của hàng trăm hộ là CNNV-LĐ bị ảnh hưởng rất lớn.

Thiết nghĩ,cần thông tin cụ thể về vai trò của dự án là điều cần thiết, để người dân hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ chấp hành theo quy định khi triển khai dự án của Công ty. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, trực tiếp là 2 xã An Khánh, Phúc Hà cần có sự quyết liệt hơn trong việc thực thi nhiệm vụ. Về phía doanh nghiệp, ông Bùi Trần Đông, Tổng Giám đốc Tổng công ty CN Mỏ Việt Bắc cho biết: Chúng tôi là doanh nghiệp Nhà nước nên không có chuyện thoả thuận chi trả tiền đền bù các khoản ngoài quy định của Nhà nước. Nhưng đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tháo gỡ khó khăn, từng bước giúp người dân bị thu hồi đất và người dân ở vùng phụ cận ổn định cuộc sống thông qua việc hỗ trợ sản lượng lương thực đối với diện tích bị ảnh hưởng, xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt, tìm vị trí để xây dựng nghĩa trang tập kết những phần mộ bị ảnh hưởng…

Ngay trong quý I-2015, khối lượng bóc tách đất đá của Công ty chỉ đạt 18%, sản xuất than chỉ đạt 23% kế hoạch nên thu nhập của người lao động chỉ đạt 60% so với kế hoạch đề ra.