Trong những năm qua, Trung tâm khuyến nông Thái Nguyên tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế và triển khai nhiều mô hình khuyến nông đem lại hiệu quả cao. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, giúp nông dân sản xuất theo hình thức liên kết, mở rộng quy mô vùng nguyên liệu, góp phần nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập.
Đa dạng các hoạt động khuyến nông
Phát triển theo phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông” của ngành nông nghiệp, Trung tâm khuyến nông Thái Nguyên triển khai nhiều hoạt động khuyến nông đa dạng và giá trị sản xuất trên ha đất trồng trọt là 128,7 triệu. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả được triển khai thành công và nhận thức về vai trò của việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật đã có nhiều chuyển biến rõ nét, hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây trồng, vật nuôi.
Ông Hà Trọng Tuấn giám đốc Trung tâm Khuyến nông chia sẻ, trong năm 2023, Trung tâm đã xây dựng, triển khai được 17 chương trình, mô hình, dự án về chăn nuôi, trồng trọt. Các mô hình tiêu biểu có thể kể đến như: Mô hình ứng dụng kỹ thuật trồng Na theo tiêu chuẩn hữu cơ năm thứ 3 quy mô 7ha; Sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN 11041-6:2018 với quy mô 40ha; Mô hình trồng cây ngô sinh khối kết hợp với vỗ béo bò thịt quy mô 3ha ngô sinh khối và 125 con bò vỗ béo; Mô hình chăn nuôi lợn thịt gắn với chuyển đổi số và chứng nhận VietGAP thực hiện tại 03 hộ, quy mô 140 con; Mô hình nhân rộng chăn nuôi gà lông màu thả vườn theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm quy mô 4.500 con gà thịt với 3 hộ tham gia; Mô hình chuyển giao kỹ thuật sản xuất thử hoa sen trồng chậu và giống dưa lưới F1 mới;...
Nhằm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, năm 2023 Trung tâm khuyến nông Thái Nguyên triển khai các dự án hỗ trợ người dân trong sản xuất bao gồm: Dự án “Hỗ trợ thâm canh chè theo quy trình VietGAP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” diện tích là 35 ha với 249 hộ tham gia tại 02 huyện Định Hóa và Phú Lương; Dự án “chăn nuôi bò sinh sản” tại Xã Tân Dương, quy mô 26 hộ tham gia với 26 con bò sinh sản; “Dự án chăn nuôi bò sinh sản” tại xã Tân Thịnh, quy mô 29 con bò sinh sản, hỗ trợ cho 29 hộ tham gia.
Bên cạnh đó, Trung tâm triểm khai 02 dự án trong chương trình nhiệm vụ Khuyến nông Trung ương: “Xây dựng mô hình sản xuất chè xanh phục vụ phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái tại tỉnh Thái Nguyên” với quy mô 10 ha với 49 hộ tham gia, tại xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ và dự án “Mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu VietGAHP, liên kết hợp tác xã theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc” với quy mô 9.000 con, 09 hộ triển khai tại xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên.
Đồng thời, Trung tâm phối hợp thực hiện các dự án từ nguồn kinh phí của các tổ chức phi chính phủ, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Tổ chức FAO triển khai mô hình an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn tại 4 hộ trên địa bàn; phối hợp tổ chức phát triển Hà Lan SNV trong giám sát và nghiệm thu các công trình Khí sinh học theo Quyết định 2147/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án Khí sinh học cho ngành chăn nuôi phát thải thấp.
Hiệu quả từ chương trình khuyến nông
Có thể thấy những mô hình khuyến nông bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, giúp nông dân tăng thu nhập, nâng cao mức sống. Việc thực hiện tốt các mô hình khuyến nông đã giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, đồng thời định hướng nông dân tổ chức sản xuất theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, kết nối với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Qua đánh giá, hầu hết mô hình khuyến nông cho lợi nhuận tăng từ 25-30% so với sản xuất đại trà. Đến nay, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp toàn tỉnh Thái Nguyên đạt trên 123 triệu đồng/ha/năm; có 173 sản phẩm nông nghiệp được xếp hạng OCOP đạt 3-5 sao.
Đặc biệt, “Dự án Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh cây Na rải vụ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022-2024” với quy mô 3ha tại 2 xã Phú Thượng và xã La Hiên, huyện Võ Nhai là dự án Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh. Nếu như trước đây, mỗi khi vào vụ thu hoạch, người trồng na phải tập trung nhân lực để thu hoạch, thì nay thời gian chín của na kéo dài thêm 30-35 ngày nhờ phương pháp thâm canh rải vụ (áp dụng đốn, tỉa cành, thụ phấn để bố trí rải vụ theo thời gian thu hoạch quả chín sớm, chín chính vụ và chín muộn), nên người dân có thể chủ động về thời gian thu hoạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đối với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, những mô hình nông nghiệp công nghệ cao hiện đang đáp ứng được xu thế phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi.
Trong lúc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp khu vực miền núi còn thấp thì việc phát triển, nâng cao năng lực hoạt động của mô hình khuyến nông là phù hợp và mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc miền núi, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Các mô hình khuyến nông cũng đã tận dụng các nguồn nguyên liệu, lao động hiện có tại địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Ông Hà Trọng Tuấn - Giám đốc Trung tâm nhấn mạnh: Thời gian tới, Trung tâm khuyến nông Thái Nguyên tiếp tục tăng cường các hoạt động khuyến nông phục vụ xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua các chương trình chuyển đổi cơ cấu giống-mùa vụ; chương trình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình canh tác tiên tiến, liên kết sản suất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp như Mô hình sản xuất an toàn, VietGAP, hữu cơ, tuần hoàn.