Cụ thể, theo Quyết định số 165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28 tháng 02 năm 2023 về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng “Đề án xanh hoá công nghiệp giai đoạn đến 2030” (Đề án). Triển khai nhiệm vụ trên, Bộ Công Thương đã giao Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) là đầu mối nghiên cứu, xây dựng Đề án.
Cục ATMT cho biết, những nội dung đề xuất, tài liệu đưa ra tham vấn tại Hội thảo là những nghiên cứu ban đầu làm cơ sở nghiên cứu, xây dựng nhằm triển khai Đề án xanh hoá công nghiệp giai đoạn đến 2030.
Cấp thiết phải đẩy nhanh xanh hóa công nghiệp
Phát biểu tại Hội thảo, bà Đỗ Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Kỹ Thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp chia sẻ: Hiện nay, xanh hóa công nghiệp đang trở thành xu hướng phát triển đem lại hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường. Với xu thế này, thời gian tới, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến các giải pháp thúc đẩy xanh hóa công nghiệp bảo đảm quá trình thực hiện có thể tối ưu hóa hiệu quả lợi ích từ cấp doanh nghiệp sản xuất đến ngành/lĩnh vực, hướng tới sự phát triển bền vững.
Theo đó, Hội thảo chính là cơ hội để các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp chia sẻ, thảo luận về những thuận lợi cũng như những khó khăn, vướng mắc khi triển khai các hoạt động xanh hóa đối với các ngành công nghiệp, từ đó đưa ra những giải pháp, chính sách mới phù hợp trong việc thúc đẩy xanh hóa công nghiệp tại Việt Nam giai đoạn đến năm 2030. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến từ các cơ quan quản lý, kinh nghiệm thực tiễn từ các doanh nghiệp, Cục ATMT sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung trên làm cơ sở xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án xanh hoá công nghiệp giai đoạn đến 2030.
Thực tế triển khai nhiệm vụ, Phòng Công nghiệp môi trường - Cục ATMT đã nghiên cứu và đề xuất ban đầu về Khái niệm, Bộ chỉ tiêu và Đề cương báo cáo hiện trạng xanh hóa công nghiệp. Hội thảo khoa học tham vấn về các nội dung này với mục đích để các đơn vị có liên quan trực tiếp trao đổi, thảo luận, góp ý hoàn thiện các nội dung trên.
Cụ thể tại Hội thảo, các nội dung đề xuất định nghĩa/khái niệm cơ bản về Xanh hóa công nghiệp như sau: Xanh hóa công nghiệp là tổng hợp các phương pháp chuyển đổi nhằm hướng đến mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp bền vững, giảm thiểu tác động tới môi trường từ quá trình sản xuất. Nó bao gồm: Hoạch định chính sách; nâng cao năng suất, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; cải tiến quy trình, công nghệ sản xuất xanh, sạch hơn; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; giảm phát thải và thân thiện với môi trường.
Đồng thời đề xuất Bộ tiêu chí để xác định mức độ xanh hóa của các ngành công nghiệp dựa trên 6 tiêu chí như: Sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguyên vật liệu bền vững; Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Khả năng thay đổi, cải tiến công nghệ sản xuất nhằm giảm tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng và giảm phát sinh chất thải; Khả năng tái sử dụng, tái chế; khả năng giảm phát thải; Khả năng sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường hoặc các sản phẩm bảo vệ môi trường… và phương thức lựa chọn đối tượng đánh giá thực trạng xanh hóa công nghiệp, Đề cương ban đầu đối với Báo cáo hiện trạng xanh hóa công nghiệp.
Với thành phần tham dự là các Cục, Vụ, Sở Công Thương, Tập đoàn, Tổng công ty và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, tham vấn về các nội dung chính như: Khái niệm xanh hóa công nghiệp, Bộ chỉ tiêu xác định mức độ xanh hóa ngành công nghiệp, phương thức lựa chọn đối tượng đánh giá thực trạng xanh hóa công nghiệp và Đề cương báo cáo hiện trạng xanh hóa công nghiệp. Tại Hội thảo, các chuyên gia đồng thời đã chia sẻ một số kinh nghiệm, giải pháp xanh hóa hiệu quả trong các ngành Hóa chất và Dệt May.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, tham vấn từ Hội thảo Cục ATMT sẽ tiếp thu, nghiên cứu và hoàn thiện các nội dung liên quan đến xanh hóa công nghiệp, làm cơ sở xây dựng và thực hiện hiệu quả Đề án xanh hoá công nghiệp giai đoạn đến 2030.
Là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Nhận biết rõ được những khó khăn nêu trên vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đối với các cơ quan quản lý nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Bên cạnh chủ trương, chính sách của Nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần phải thấy rõ được bối cảnh, thách thức cũng như cơ hội trong xanh hóa ngành/lĩnh vực của mình nhằm xác định, xây dựng các kế hoạch, chương trình, dự án của chính doanh nghiệp mình để đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự phát triển bền vững ngành Công Thương.