Tổng Công ty Dệt May miền Bắc (VNC CORP) được thành lập và chính thức ra mắt ngày 12/4/2016, tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng: Việc Bộ Công Thương phê duyệt để Vinatex thành lập Tổng Công ty Dệt May miền Bắc là bước đi quan trọng để đơn vị thực hiện chiến lược phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Dệt May Việt Nam trong điều kiện hội nhập sâu rộng hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa trao Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho ông Đặng Vũ Hùng -Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng Giám đốc VNC CORP

VNC CORP được hợp nhất từ 4 đơn vị, là: Tổng CTCP Dệt May Hà Nội, Công ty TNHH Một thành viên Dệt 8/3, Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân, Công ty Cổ phần Vinatex Hồng Lĩnh và 3 dự án Nhà máy sợi Nam Định, Nhà máy May Quảng Bình, Nhà máy May Tuyên Quang. Trụ sở chính của VNC CORP được đặt tại Khu Công nghiệp Vĩnh Hoàng, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Việc thành lập VNC CORP sẽ giữ vai trò điều tiết chung, hướng các đơn vị thành viên tới các phân khúc thị trường khác biệt, tránh cạnh tranh nội bộ cũng như đa dạng hoá mặt hàng để từ đó cung cấp tới khách hàng các giải pháp may mặc tích hợp, hiệu quả làm tiền đề cho công tác phát triển thị trường.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao việc thành lập VNC CORP

Ông Đặng Vũ Hùng, Phó Tổng Giám đốc Vinatex được giao trọng trách làm Chủ tịch HĐTV - VNC CORP.

Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Hùng cho biết, VNC CORP sẽ hướng tới trở thành doanh nghiệp hàng đầu về cung cấp “Giải pháp may mặc trọn gói” tại Việt Nam, một đơn vị nòng cốt của Vinatex trong cả lĩnh vực Dệt thoi và Dệt kim, đứng trong Top 3 doanh nghiệp của Tập đoàn xét cả về quy mô và lợi nhuận.

Để đạt được tầm nhìn chiến lược nêu trên, VNC CORP sẽ tập trung xây dựng các Trung tâm phát triển sản phẩm: trung tâm dệt thoi được đặt tại Đà Nẵng và trung tâm Dệt kim được đặt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các trung tâm phát triển sản phẩm sẽ là nền tảng thúc đẩy, hỗ trợ công tác xúc tiến, phát triển thị trường.

Về năng lực sản xuất, VNC CORP sẽ hình thành các chuỗi sản xuất liên tục từ Sợi - Dệt - Nhuộm - May và điều tiết định hướng xuống các đơn vị thành viên dựa trên thế mạnh của từng đơn vị. Bên cạnh đó, VNC CORP cũng đẩy mạnh đầu tư phát triển trên tất cả các khâu sản xuất để tạo ra những tổ hợp sản xuất quy mô lớn, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, cũng như tạo ra đối trọng với các đối thủ cạnh tranh.

VNC CORP sẽ hướng tới việc áp dụng mô hình quản trị tiên tiến với phương thức quản lý tài chính tập trung, áp dụng công nghệ thông tin trên các mặt hoạt động nhằm kiểm soát tốt rủi ro, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. VNC CORP sẽ tiến hành tuyển dụng, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có kinh nghiệm, hiểu biết về thương mại quốc tế từ các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là khâu sale-marketing, kỹ thuật công nghệ.

Ông Trần Quang Nghị - Chủ tịch HĐTV Vinatex chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho VNC CORP

Tin tưởng và giao nhiệm vụ cho VNC CORP, ông Trần Quang Nghị - Chủ tịch HĐTV Vinatex cho rằng: để có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng và phát triển trong bối cảnh ngành Dệt may Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt từ các cường quốc về Dệt may như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản… từ các doanh nghiệp FDI và tư nhân nước ngoài rất mạnh mẽ với lợi thế về vốn, công nghệ, thị trường, công tác quản trị... Bên cạnh thuận lợi là nền tảng có sẵn về kết quả sản xuất kinh doanh, khách hàng và đội ngũ quản lý của các Công ty có bề dầy lâu năm như Dệt 8/3, Hanosimex hay Dệt kim Đông Xuân, Lãnh đạo Tập đoàn đã nhìn ra được những khó khăn mà VNC CORP sẽ gặp phải trong thời gian hoạt động sắp tới (như chắt lọc các điểm tốt và loại bỏ các vấn đề, hạn chế còn tồn tại của các Công ty riêng lẻ, hợp nhất thành một khối hoạt động thống nhất) để đưa ra các chỉ đạo cụ thể:

Kết nối năng lực của từng Công ty/đơn vị riêng lẻ nhằm tạo ra sức mạnh tập trung; Phát huy tối đa thế mạnh của từng Công ty/đơn vị (máy móc thiết bị, kỹ thuật công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường…) góp chung vào sự phát triển của toàn hệ thống; Quy hoạch, định hướng đầu tư theo tầm nhìn và định hướng chiến lược xuyên suốt tránh sự chồng chéo, thiếu đồng bộ; Tập trung xúc tiến, phát triển thị trường FOB/ODM trực tiếp cho toàn hệ thống nhằm thu hút được các khách hàng lớn (như: Walmart, Target, JC Penny, Pink, Express, Lee, S.Oliver, Esprit, Tom Taylor…); Áp dụng mô hình quản trị hiện đại, nâng cao nền tảng vận hành nhằm tăng nhanh hiệu quả sản xuất kinh doanh, cũng như tạo đà cho sự phát triển bền vững trong tương lai…

Tất cả các giải pháp này được gói gọn trong 16 chữ mà Tập đoàn dành tặng trong dịp ra mắt VNC CORP đó là: “TINH HOA HỘI TỤ - QUẢN TRỊ TẬP TRUNG - THỊ TRƯỜNG TRỰC TIẾP - TĂNG TRƯỞNG  HIỆU QUẢ”.

Cá nhân ông Trần Quang Nghị cũng như toàn thể ban Lãnh đạo Vinatex tin tưởng việc thành lập VNC CORP là quyết định đúng đắn, sáng suốt và là bước đi quan trọng trong sự phát triển và thành của Tập đoàn Dệt May Việt Nam nói riêng và toàn ngành Dệt may nói chung trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay.

Ra mắt Ban lãnh đạo HĐTV - VNC CORP

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng cho rằng, trong quá trình tái cấu trúc, tập trung vào ngành nghề kinh doanh là thế mạnh, Vinatex đã tập trung phát triển thị trường, theo đuổi chiến lược chuyển đổi mô hình sản xuất từ phương thức sản xuất gia công CMT sang FOB và ODM… Việc thành lập Tổng công ty miền Bắc sẽ mở một mốc mới trong lịch sự phát triển của Vinatex trong việc mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo quy tắc xuất xứ thông qua quá trình để tích hợp dọc các doanh nghiệp thành viên (từ khâu nguyên liệu đến hoàn thiện chuỗi) được coi là việc làm tiên quyết để có thể cạnh tranh khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do như TPP, FTAs EU, Hàn Quốc…, và chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ các quốc gia xuất khẩu Dệt may lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia… và ngay từ các doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành Dệt May Việt Nam.

Thứ trưởng tin tưởng VNCX CORP sẽ đạt được kết quả sản xuất kinh doanh theo phương thức mới, phương thức sản xuất sản phẩm mang hàm lượng chất xám và khoa học công nghệ cao. Bộ Công Thương đánh giá cao sự quyết tâm của Vinatex trong việc hoạch định chiến lược phát triển cho bộ máy điều hành của VNC CORP trong thời gian tới và mong rằng đơn vị sẽ đạt được mục tiêu kinh doanh hiệu quả, góp phần nâng vị thế của ngành Dệt May Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bức trướng ý nghĩa được Vinatex trao tặng cho VNC CORP