Xác lập quyền tự chủ của xí nghiệp quốc doanh
Thành quả đầu tiên của công cuộc Đổi mới thuộc về bảo đảm quyền tự chủ của xí nghiệp quốc doanh, chuyển hoạt động của các tổ chức kinh tế quốc doanh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa với “bộ tứ” văn bản pháp quy, với sự tham mưu của các Bộ quản lý ngành Công Thương.
Đó là Nghị quyết số 113-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 05/7/1987 Chuyển hoạt động nội thương sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa; Quyết định số 217-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 14/11/1987 Đổi mới kế hoạch hóa và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đối với xí nghiệp quốc doanh; Quyết định số 231-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 31/12/1987 Chuyển ngành Vật tư sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; Nghị định số 64-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 10/6/1989 Qui định về chế độ và tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.
4 văn bản pháp quy này đã tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức kinh tế quốc doanh chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, hoạt động ổn định, giữ vững vai trò chủ đạo trên thị trường có sự tham gia của các thành phần kinh tế. Sự chuyển đổi ngay sau khi Đảng phát động công cuộc Đổi mới giúp các đơn vị kinh tế quốc doanh không bị mất một thời gian “ngủ đông” trong bối cảnh Nhà nước dần xóa bỏ chế độ bao cấp, mà kịp thời mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, và hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cần thiết cho xã hội, tạo nguồn thu ngày càng lớn cho ngân sách quốc gia.
Từ đó góp phần kiềm chế lạm phát thông qua cân đối cung - cầu và lực lượng hàng hóa dự trữ, cũng như bảo đảm lưu chuyển hàng hóa thông suốt trên thị trường thống nhất trong cả nước. Nghị quyết Trung ương 6, Khóa VI, tháng 3/1989 nhìn nhận: “Đã xuất hiện nhiều mô hình xí nghiệp, liên hiệp, công ty chuyển được sang hạch toán kinh doanh, gắn với thị trường, tự trang trải, có tích lũy, đảm bảo được đời sống công nhân viên và đóng góp cho Nhà nước”313. Đồng thời, thúc đẩy tích tụ và tập trung, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, tạo cơ sở và điều kiện cho việc thành lập các Tổng công ty 90 và Tổng công ty 91 từ năm 1994 trở đi.
Thành tựu của công cuộc đổi mới
Các vấn đề kinh tế nhiều thành phần, kinh tế tư nhân, quyền sở hữu tư liệu sản xuất cũng được tổng kết bằng thực tiễn, thống nhất về lý luận, tạo thuận lợi cho xác lập cơ chế quản lý mới bằng các Nghị định phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế gia đình, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân.
Trong đó, bằng việc công nhận quyền thành lập doanh nghiệp tư nhân của mọi công dân; công nhận sự tồn tại lâu dài của doanh nghiệp tư nhân; thừa nhận sự bình đẳng trước pháp luật của doanh nghiệp tư nhân với các doanh nghiệp khác và tính sinh lợi hợp pháp của việc kinh doanh, chúng ta đã giải quyết thấu đáo về mặt lý luận hàng loạt các vấn đề: Kinh tế tư nhân không mâu thuẫn với mô hình xây dựng xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, nhận thức mới về chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội; kinh tế nhiều thành phần không làm rối loạn các cân đối trong nền kinh tế; kinh tế tư nhân không hạn chế vai trò của doanh nghiệp nhà nước, mà càng làm cho doanh nghiệp nhà nước “rảnh tay”, có điều kiện tập trung vào những ngành then chốt, những lĩnh vực mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, những lĩnh vực có nhu cầu của thị trường nhưng các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh chưa có điều kiện đầu tư phát triển.