Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực; Cán cân thương mại 11 tháng xuất siêu tới 250% so với cùng kỳ; Thương mại trong nước đạt mức tăng trưởng vượt trội so với các chỉ tiêu kinh tế khác, trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế; Thương mại điện tử bứt phá, lọt vào top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được đảm bảo… ngành Công Thương năm 2023 đã nỗ lực vượt qua những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ, để vững vàng bước vào năm bản lề 2024.
Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực
Lũy kế 11 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 1%, là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm. Mặc dù tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước, do các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp bị sụt giảm đơn hàng, chi phí vốn tăng do một số vật tư chiến lược nhập khẩu tăng giá, ảnh hưởng đến sự phục hồi của sản xuất; nhưng nhìn trên dòng thời gian có thể thấy xu hướng phục hồi tích cực. Cụ thể, IIP lũy kế đến hết 8 tháng đều giảm; IIP lũy kế 9 tháng tăng 0,2%; IIP lũy kế 10 tháng tăng 0,6%.
Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Trong đó, địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng cao: Đắk Lắk tăng 33,6%; Bắc Giang tăng 20,5%; Phú Thọ tăng 17,6%; Nam Định tăng 15,5%; Hà Nam tăng 13,6%; Hải Phòng tăng 13,5%. Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Khánh Hòa tăng 134,4%; Trà Vinh tăng 38,1%; Ninh Thuận tăng 14,4%; Nam Định và Phú Thọ cùng tăng 9,2%.
Thặng dư thương mại ấn tượng, xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp
Trong bối cảnh tổng cầu thế giới sụt giảm nhưng hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn, Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sau 11 tháng đạt 619,2 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 322,5 tỷ USD, nhập khẩu đạt 296,7 tỷ USD.
Trong 11 tháng năm 2023, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%). Xuất khẩu các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước, đặc biệt là các nhóm hàng nông sản như: gạo, rau quả, cà phê, hạt điều...
Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư sau 11 tháng đạt 25,83 tỷ USD, là mức tăng ấn tượng, tới 250% so với cùng kỳ năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Thực hiện tốt việc đa dạng hóa thị trường; điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo hướng giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Nhập khẩu cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng.
Thương mại trong nước - Trụ đỡ tăng trưởng kinh tế
Hoạt động thương mại trong nước tiếp tục khai thác hiệu quả sức mua của thị trường, phục hồi tích cực, đạt mức tăng trưởng vượt trội so với các chỉ tiêu kinh tế khác, trở thành trụ đỡ quan trọng đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Dự kiến tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 11 tháng năm 2023 ước đạt trên 5,6 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 9,6% so với cùng kỳ năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (tăng 8 - 9%).
Nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, giúp ổn định thị trường, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương, kích thích nhu cầu mua sắm. Hoạt động kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ.
Trật tự thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa tiếp tục được củng cố; chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình giao dịch, thông qua các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thương mại điện tử thuộc 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới
Thương mại điện tử đã khẳng định được là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Năm 2023, thị trường thương mại điện tử bán lẻ dự kiến đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với năm 2022. thương mại điện tử Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới (tính đến tháng 12/2023 theo Statista).
Hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật
Năm 2023, ngành Công Thương đã tham mưu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành 04 Quy hoạch ngành quốc gia, đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của các ngành năng lượng, khai thác, chế biến khoáng sản quốc gia và đối với cả nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với yêu cầu bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việc thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023: Tính đến ngày 05/12/2023, Bộ Công Thương đã trình/ban hành 29 văn bản, gồm: 06 Nghị định; 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 23 Thông tư.
Xúc tiến thương mại liên kết vùng, miền bền vững, cân bằng
Hoạt động xúc tiến thương mại với nòng cốt là Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã được triển khai với định hướng đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu; tăng cường tận dụng cơ hội từ các thị trường có FTA; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại liên kết vùng, miền nhằm mang tính bền vững, cân bằng hơn.
Tính đến tháng 12/2023, đã hỗ trợ trên 8.000 lượt doanh nghiệp tham gia và hưởng lợi trực tiếp (chưa bao gồm các doanh nghiệp được hưởng lợi thông qua việc tiếp cận từ các phương tiện thông tin đại chúng) với giá trị hợp đồng ký kết trực tiếp tại các hội chợ, triển lãm quốc tế đạt gần 120 triệu USD, doanh số bán hàng tại các hội chợ, triển lãm cấp vùng đạt hơn 142 tỷ đồng.
Cân bằng, đảm bảo lợi ích của Việt Nam trong quá trình triển khai các cam kết quốc tế
Năm 2023, ngành Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong: (i) Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA; (ii) Xây dựng quan điểm của Việt Nam về việc gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh; (iii) Đàm phán, xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA); (iv) Đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE);
(v) Đàm phán nâng cấp và đàm phán mới các hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ ASEAN.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA, RCEP, Cộng đồng kinh tế ASEAN và các FTA khác của Việt Nam dưới nhiều hình thức.
Sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước: Công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được đẩy mạnh, tạo lập lại môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước.
Hơn 300 nghìn bộ hồ sơ thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia
Đến tháng 11/2023, Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương đang cung cấp 236 dịch vụ công trực tuyến - DVCTT (228 DVCTT toàn trình, 08 DVCTT một phần), với hơn 49.000 doanh nghiệp tham gia khai báo. Tổng số hồ sơ nộp qua các DVCTT của Bộ đến hết tháng 11/2023 là gần 1,7 triệu bộ hồ sơ, chiếm 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ. Trong 11 tháng năm 2023, thông qua các kênh liên lạc khác nhau như điện thoại, email đã hỗ trợ, hướng dẫn khoảng 15.000 lượt cho các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, DVCTT.
Đã kết nối 16 nhóm DVCTT với Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW). Tổng số hồ sơ thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2023 là 300.475 bộ hồ sơ. Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, đã phối hợp với Bộ Tài chính, trao đổi 219.068 bộ hồ sơ với tất cả các nước trong khối ASEAN kể từ đầu năm. Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài.
Ba bài học lớn
Trên cơ sở hoạt động thực tiễn năm 2023, Bộ Công Thương rút ra những bài học kinh nghiệm, làm tiền đề cho công tác quản lý, điều hành năm 2024 và những năm tiếp theo:
- Quán triệt kịp thời, sâu sắc và tổ chức triển khai nghiêm túc, quyết liệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Quốc hội, các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Bám sát thực tiễn, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, phối hợp, chặt chẽ trong tổ chức thực hiện; theo dõi nắm chắc tình hình, chủ động dự báo để kịp thời ứng phó với những biến động bất ngờ của tình hình trong và ngoài nước nhằm có các giải pháp điều hành phù hợp;
- Chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; nâng cao năng lực quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra;
- Làm tốt công tác phân tích, đánh giá để rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, xây dựng chính sách; kịp thời điều chỉnh, đề xuất chính sách khả thi; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội trong triển khai thực hiện.