Công ty Cổ phần Thành Thành Công-Biên Hòa (mã cổ phiếu: SBT – sàn: HoSE) vừa có thông báo chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức niên độ 2021-2022 và 2019-2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu SBT sẽ được nhận thêm 10 cổ phiếu mới.
Với hơn 673 triệu cổ phiếu đang được lưu hành, dự kiến Thành Thành Công-Biên Hòa sẽ phát hành thêm hơn 67,3 triệu cổ phiếu để thanh toán cổ tức cho cổ đông lần này. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức là ngày 21/06/2023; như vậy, ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ là ngày 20/06/2023.
Nguồn vốn phát hành được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối căn cứ Báo cáo tài chính niên độ 2021-2022 đã được kiểm toán của công ty. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của Thành Thành Công-Biên Hòa sẽ tăng từ gần 6.948 tỷ đồng lên khoảng 7.621 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 12/6, giá cổ phiếu SBT của Thành Thành Công-Biên Hòa đạt 16.950 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hoá của công ty đạt 11.512 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, quý 3 niên độ 2022-2023 (01/01 – 31/03/2023), Thành Thành Công-Biên Hòa ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 5.710 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ niên độ trước, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 153 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ niên độ 2021-2022.
Luỹ kế 9 tháng đầu niên độ 2022-2023 (01/07/2022 - 31/03/2023), tổng doanh thu thuần của Thành Thành Công-Biên Hòa đạt 17.946 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ niên độ trước; nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 585 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ niên độ trước. So với mục tiêu kinh doanh đã đề ra thì công ty đã hoàn thành 100% kế hoạch doanh nhưng mới hoàn thành 69% kế hoạch lợi nhuận cả niên độ.
Sản phẩm đường vẫn đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu doanh thu của Thành Thành Công-Biên Hòa, chiếm đến 92% tổng doanh thu; theo sau là Mật rỉ (chiếm 1,7%), Điện (chiếm 1,1%), Phân bón (chiếm 1%), còn lại là doanh thu từ các lĩnh vực khác như bán các loại nông sản khác như chuối, dừa, cao su…. (chiếm 4,1%).
Thành Thành Công-Biên Hòa hiện đang giữ vị thế dẫn đầu ngành mía đường Việt Nam khi chiếm khoảng 46% thị phần đường nội địa, tổng sản lượng đường tiêu thụ trong và ngoài nước đạt trên 1 triệu tấn/năm. Số lượng các dòng sản phẩm mà công ty cung cấp cũng đa dạng hàng đầu thị trường nội địa, bao gồm các sản phẩm đường, cạnh đường và sau đường.
Hoạt động kinh doanh của Thành Thành Công-Biên Hòa trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ hưởng lợi khi giá đường trên thị trường nội địa bắt đầu tăng theo giá đường thế giới. Giá đường thế giới hiện nay đang giao dịch quanh mức 0,26 USD/pound, tăng 35% so với thời điểm đầu năm và chạm mức cao nhất trong hơn 11 năm trở lại đây trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu khan hiếm.
Mùa ép mía tại châu Á đã kết thúc với việc ghi nhận sản lượng tại các quốc gia sản xuất mía đường lớn, đặc biệt là Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và Pakistan, đều sụt giảm đáng kể. Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) dự kiến lượng đường xuất khẩu của Ấn Độ trong niên vụ 2022/2023 sẽ chỉ đạt 6,1 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức 9 triệu tấn được dự báo hồi tháng 10 năm ngoái.
Trong tháng 5 vừa qua, giá đường trong nước đã tăng lên mức 20.000 đồng/kg, tăng 10% so với thời điểm đầu năm và tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi hầu như không đổi trong suốt quý 1/2023 ở mức khoảng 18.000 đồng/kg.
SSI Reseach hiện dự báo giá đường trong nước nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao và đi cùng pha với giá đường thế giới trong năm 2023 do đường nhập khẩu chiếm 2/3 nguồn cung đường của Việt Nam. Giá đường tinh luyện trên thị trường nội địa dự báo sẽ duy trì quanh mức 20.000 đồng/kg từ quý 2/2023.