Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến nay cả nước có trên 21.000 ATM, 83 ngân hàng triển khai Internet Banking, 50 ngân hàng triển khai Mobile Banking, trên 100.000 điểm thanh toán QR code, trên 462.000 điểm POS, 50 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán…
Trong 8 tháng năm 2023, giao dịch qua Internet tăng 76% về số lượng và 1,79% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022; giao dịch qua mobile tăng 65% về số lượng và 77% về giá trị. Đáng chú ý, giao dịch qua kênh QR code tăng 152% về số lượng và 301% về giá trị. Doanh thu từ thị trường thanh toán điện tử đạt 20,5 tỷ USD. Trong khi đó, giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm 4% về số lượng và giảm 6% về giá trị.
Có thể thấy, phương thức giao dịch qua kênh QR code đơn giản, nhanh chóng, tương thích với nhiều ứng dụng tài chính ngân hàng đang phủ sóng rộng rãi từ các cửa hàng tiện lợi, các siêu thị cho đến các khu chợ dân sinh.
Thanh toán qua QR code không chỉ “lên ngôi” trong nước, mới đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký thỏa thuận cơ chế thanh toán xuyên biên giới với 5 quốc gia Đông Nam Á.
Theo đó, Việt Nam sẽ cùng với Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Singapore kết nối hệ thống thanh toán bằng cách sử dụng QR code cho các giao dịch bán lẻ.
Cách thanh toán này giúp du khách Việt Nam không cần đổi tiền, không cần mang nhiều tiền mặt mà vẫn có thể thanh toán đồ ăn, thức uống, mua sắm một cách đơn giản và tiện dụng khi đi du lịch qua các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Singapore.
Sáng kiến hợp tác kết nối thanh toán khu vực của Indonesia được đánh giá là một bước tiến lớn trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của khu vực ASEAN, phù hợp với lộ trình đẩy mạnh giao dịch thanh toán xuyên biên giới. Dự kiến, trong thời gian tới, sáng kiến sẽ tiếp tục xem xét mở rộng mạng lưới thành viên để tạo thuận lợi thúc đẩy kết nối thanh toán xuyên biên giới không chỉ trong khu vực ASEAN mà cả với các quốc gia khác.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tin tưởng rằng đây sẽ là động lực thúc đẩy phát triển các hoạt động giao thương, đầu tư, du lịch và nhiều lĩnh vực kinh tế khác, góp phần hỗ trợ tiến trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tính đến cuối tháng 6/2023, số lượng thẻ ATM lưu hành đạt 138,98 triệu thẻ (tăng 0,48% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC (27 ngân hàng đang triển khai). Đến hết năm 2022, số người trưởng thành có tài khoản (bao gồm tài khoản thanh toán và thẻ ngân hàng tại tổ chức tín dụng đạt khoảng 77,41%.