Xuất khẩu quý 4/2023 có thể giảm nhẹ nhưng biên lợi nhuận vẫn tăng
Sau giai đoạn phục hồi ấn tượng trong nửa đầu năm 2023, trong quý 3/2023, sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG - sàn HoSE) tuy tăng 53% so với quý 3/2022 nhưng giảm 19% so với quý 2/2023.
Theo thống kê của FiinPro và Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng tiêu thụ kênh xuất khẩu của Thép Nam Kim trong tháng 10 và tháng 11/2023 đã giảm trung bình khoảng 25% so với quý 3/2023, nhưng vẫn duy trì được mức tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022.
Xu hướng suy giảm trên chủ yếu do Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, hai thị trường trọng điểm của Thép Nam Kim, đẩy mạnh nhập khẩu tôn mạ giá rẻ từ Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khác dẫn đến tình trạng bão hoà. Kênh xuất khẩu đang đóng góp tới khoảng 60% tổng doanh thu của Thép Nam Kim.
Do đó, dự kiến sản lượng xuất khẩu của Thép Nam Kim trong quý 4/2023 sẽ giảm nhẹ so với quý 3/2023.
Tuy nhiên, theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán KB Securities Vietnam (KBSV), biên lãi gộp của Thép Nam Kim trong quý 4/2023 sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ doanh nghiệp này đã gia tăng tích trữ hàng tồn kho giá rẻ trong quý 3/2023.
Đồng thời, giá tôn mạ, thép ống - các sản phẩm chủ lực của Thép Nam Kim trên thị trường thế giới đã tăng trung bình thêm 2% so với quý 3/2023 do thiếu hụt tôn mạ tại Mỹ sau khi Nghiệp đoàn công nhân ngành ô tô Mỹ (United Auto Workers, UAW) chấm đứt đình công, quay lại sản xuất, và kỳ vọng ngành bất động sản tại Trung Quốc hồi phục, kích thích nhu cầu sử dụng thép tại nước này trong quý 4/2023.
Bên cạnh đó, giá các mặt hàng tôn mạ và ống thép tại thị trường nội địa đã tăng giá trở lại.
Kênh xuất khẩu tiếp tục ở mức tích cực trong thời gian tới
KBSV nhận định kênh xuất khẩu sẽ tiếp tục tạo động lực tăng trưởng cho Thép Nam Kim trong thời gian tới trong bối cảnh giá tôn mạ đã dần bước vào giai đoạn ổn định và kỳ vọng sẽ quay trở lại xu hướng tăng trong năm 2024 khi thị trường hồi phục.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu từ khu vực EU vẫn sẽ được duy trì trong quý 1/2024 khi giá HRC tại Việt Nam đang thấp hơn giá nội địa tại EU từ 18 - 20% trong quý 4/2023. Một số doanh nghiệp thép tại EU cho biết vẫn tiếp tục phải giữ công suất ở mức thấp để duy trì biên lợi nhuận và dòng tiền hoạt động.
Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc đã lên kế hoạch kích thích kinh tế nước này trong năm 2024; trong đó, nhu cầu tiêu thụ thép sẽ được điều hướng từ lĩnh vực bất động sản sang lĩnh vực sản xuất ô tô (với nguyên liệu chính là tôn mạ). Điều này sẽ giúp gia tăng nhu cầu và cải thiện giá tôn mạ tại Trung Quốc nói riêng, trên toàn cầu nói chung.
Trong một diễn biến có liên quan, Thép Nam Kim đang có các động thái cho thấy sẽ tái khởi động lại dự án Nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ trong năm 2024. Nhà máy này có công suất 1,2 triệu tấn/năm với tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng.
Dự kiến giai đoạn 1 của nhà máy sẽ đi vào vận hành trong năm 2025 với công suất 400.000 tấn/năm, và đạt công suất 100% vào năm 2028, giúp doanh thu và lãi ròng của Thép Nam Kim tăng trung bình 15 - 16% trong giai đoạn 2026 - 2028, theo ước tính của KBSV.