Được thành lập vào năm 1993, Thép Việt-Sing (Công ty TNHH Natsteelvina) là một công ty liên doanh giữa tập đoàn Natsteel Holdings, Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP và Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên. Tập đoàn Natsteel Holdings là một công ty thép hàng đầu khu vực châu Á, là thành viên của tập đoàn thép Tata - Ấn Độ. Tổng công ty Thép Việt Nam là đơn vị sản xuất thép hàng đầu của Việt Nam với bề dầy truyền thống. Lợi thế cạnh tranh của Thép Việt - Sing xuất phát từ trình độ quản lý và năng lực sản xuất vững mạnh do các bên liên doanh mang lại.
Hai năm trở lại đây, lợi thế này đã không được giữ vững dẫn đến Thép Việt – Sing bị mất phong độ của mình, theo đó tâm tư người lao động cũng có những biến động gây khó khăn nhất định cho doanh nghiệp.
Nếu như quản trị chưa phù hợp…
Những khó khăn của Thép Việt – Sing đến từ nhiều phía, cả khách quan lẫn chủ quan. Kể từ khi Nhà nước áp dụng thuế phòng vệ thương mại đối với phôi thép vào đầu năm 2016, tình hình nguyên liệu khan hiếm do các nhà máy sản xuất phôi chưa kịp tái khởi động để đáp ứng nhu cầu khiến giá nguyên liệu tăng cao. Trong khi giá sản phẩm duy trì ở mức thấp do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường nên tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty có dấu hiệu đi xuống, Tuy nhiên vì sao cùng một điều kiện như Việt – Sing nhưng các đơn vị khác trong hệ thống Tổng công ty Thép vẫn không trầm trọng đến mức đó?
Câu trả lời là do cách quản trị chưa phù hợp với điều kiện mới của thị trường.
Theo chia sẻ của ông Hồ Phi Hiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty, trong giai đoạn thị trường khó khăn, một số chính sách bán hàng của Công ty chưa đáp ứng được sự thay đổi đột ngột này khiến cho toàn bộ hệ thống bán hàng của công ty gặp khủng hoảng, sản lượng tiêu thụ giảm xuống đáng kể. Đặc biệt, quan điểm quản trị của người đứng đầu chưa phù hợp với thị trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt tại Việt Nam. “Chính sách bán hàng cứng nhắc, thiếu nhất quán đã khiến cho lòng tin của các nhà phân phối, khách hàng giảm sút khiến nhiều khách hàng đã giảm sản lượng tiêu thụ của Công ty để chuyển sang kinh doanh sản phẩm thương hiệu khác. Khi doanh nghiệp và đại lý, nhà phân phối đã không duy trì được sự tin tưởng với nhau thì dĩ nhiên tình hình bán hàng sẽ đi xuống” – ông Hiệp chia sẻ.
Những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng kéo theo những khó khăn của người lao động công ty. Theo ông Hồ Việt Cường, Chủ tịch Công đoàn Công ty Thép Việt – Sing, bây giờ việc Công ty lo nhất chính là nguồn nhân lực. Trong vòng mấy tháng gần đây, Công ty mất đi rất nhiều công nhân giỏi, giàu kinh nghiệm. Hiện nay, Công ty toàn đội ngũ trẻ, ít kinh nghiệm. Việc cắt giảm sản lượng đã dẫn đến cắt giảm công việc, cắt giảm lương. Lương trung bình hiện nay của công nhân chỉ còn hơn 4 triệu đồng/tháng. Nếu tình trạng kinh doanh khó khăn này kéo dài hơn nữa thì Công ty sẽ mất hết nguồn nhân lực vì hiện nay, nhiều công ty ở các khu công nghiệp đang ráo riết tuyển công nhân với mức lương hấp dẫn từ 7-8 triệu đồng/tháng mà chưa cần qua đào tạo nghề.
Thì hãy bắt đầu từ quản trị
Nhận thấy nguyên nhân của sự sa sút là từ lối quản trị chưa phù hợp, Lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với Công ty nhằm giải quyết tình trạng này, đồng thời đề nghị với phía đối tác về sự thay đổi tích cực và hiệu quả. Bên cạnh đó, Công đoàn Tổng công ty cũng đã đặc biệt quan tâm tới người lao động tại Công ty thông qua những hành động thiết thực như thăm hỏi, tặng cây lọc nước nóng lạnh để nâng cao điều kiện làm việc cho công nhân, ủng hộ tiền xây dựng nhà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn… để động viên tinh thần người lao động tiếp tục tin tưởng vào Tổng công ty, Ban lãnh đạo Công ty Thép Việt –Sing, từ đó thêm quyết tâm gắn bó lâu dài với công ty vì hiện nay nguồn lao động ổn định, nhiều kinh nghiệm chính là sức mạnh để Công ty vượt qua khó khăn..
Tại cuộc họp ngày 9/11/2018, Hội động Quản trị của Công ty đại diện cho các Bên liên doanh đã cùng nhau mổ xẻ, phân tích kỹ càng hoạt động của Công ty trong thời gian qua, những vấn đề chân thực nhất đã được đưa lên bàn nghị sự. Các Bên đã cùng nhau trao đổi thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, hợp tác để nhìn ra những chỗ còn không phù hợp trong cách quản trị của Công ty Việt – Sing, từ đó đã cùng nhau đi đế thống nhất cần thiết phải có sự thay đổi từ vấn đề quản trị.
Vừa qua, phía tập đoàn Natsteel Holdings đã thông báo sẽ cử nhân sự mới tiếp nhận chức vụ Tổng giám đốc công ty từ ngày 18/12/2018. Hiện công ty đã có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh đã bắt đầu có lãi sau thời gian dài và đang rà soát lại toàn bộ hệ thống các chính sách với mục tiêu tìm lại niềm tin của khách hàng. Với những thay đổi mấu chốt mang tính tích cực trong quản trị, chắc chắn Công ty thép Việt – Sing sẽ tìm lại được phong độ của mình trong thời gian tới.
Công nhân Vũ Văn Toàn, Phân xưởng sản xuất, đã công tác ở Công ty Thép Việt – Sing hơn 20 năm
Thu nhập của tôi trước kia 8 triệu, bây giờ xuống còn 5 triệu. Trước tình hình này, lãnh đạo Công ty đã xuống nói chuyện, chia sẻ với các công nhân về những khó khăn hiện tại. Tôi hiểu Công ty đã cố gắng hết sức. Nhưng do thị trường và giá cả chuyển dịch liên tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, đặc biệt là các đơn hàng vận chuyển khiến nhiều lúc Công ty phải hoạt động cầm chừng. Ngoài ra, tôi cũng hiểu là còn có những nguyên nhân khác. Mặc dù tình hình hoạt động còn khó khăn nhưng dưới phân xưởng, cán bộ nhân viên cố gắng sản xuất tốt nhất có thể để giảm tiêu hao, tạo điều kiện cho Công ty phát triển. Trong thời gian Công ty khó khăn, cũng có những cán bộ công nhân viên đi rồi vì lương thấp nhưng cũng có một số người mới vào. Đa phần, mọi người đều ở lại, đồng hành, gắn bó với Công ty trong thời gian khó khăn này. Tôi hi vọng, thời gian khó khăn này sẽ qua nhanh bởi những chính sách, định hướng phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, đặc biệt là dựa vào năng lực của Ban giám đốc, lãnh đạo của Công ty bởi đây không phải là lần khó khăn duy nhất mà trước đó, Công ty cũng đã trải qua nhiều khó khăn và đều vượt qua, vươn lên. |