Năm 2023, “cá con” làm nên chuyện
Dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm ngoái, tôi mất một buổi sáng để hướng dẫn một số người bạn sử dụng các công cụ cần thiết khi tham gia thị trường chứng khoán. Đây đều là những nhà đầu tư không chuyên, mới tranh thủ mở tài khoản chứng khoán trực tuyến trong dịp lễ.
Đây cũng là những cá nhân trong nước đóng góp vào con số 385.700 tài khoản mới gia nhập thị trường trong cả năm 2023. Như vậy, đến cuối năm 2023, Việt Nam đã có gần 7,4 triệu tài khoản trong nước, tăng 6,6% so với cuối năm 2022, tương đương khoảng 7,5% dân số. Trong đó, số tài khoản cá nhân chiếm gần như tuyệt đối 99,7%.
Dữ liệu thống kê dễ dàng cho thấy số lượng nhà đầu tư cá nhân mở mới tài khoản bắt đầu tăng trở lại kể từ tháng 5/2023; thậm chí đến tháng 9/2023, số lượng mở mới đã chạm mức cao nhất trong hơn 1 năm. Mức mở mới này theo nhiều chuyên gia tài chính là “khá kinh ngạc” khi cao hơn nhiều tháng trong năm 2021 - thời kỳ chỉ số VN-Index tăng trưởng ấn tượng.
Trước đó, sau khi VN-Index lao dốc, mất gần 33% trong năm 2022, nhiều dự báo đã lo ngại một lượng lớn nhà đầu tư cá nhân thua lỗ nặng sẽ rút lui khỏi thị trường.
Đặc biệt, cùng với sự quay trở lại của nhà đầu tư cá nhân là một dòng vốn lớn đổ bộ thị trường. Dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã “cân” gần như toàn bộ lực bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài. Tính chung cả năm 2023, các nhà đầu tư nội tung khoảng 18.000 tỷ đồng để gom ròng cổ phiếu, giúp giao dịch trên thị trường trở nên sôi động hơn.
Nếu như trong quý 1/2023, giá trị giao dịch bình quân/phiên trên toàn thị trường chỉ khoảng 11.300 tỷ đồng (giảm 44% so với bình quân cả năm 2022) thì kể từ quý 2/2023, giá trị giao dịch đã vượt mốc 20.000 tỷ đồng/phiên; thậm chí, đã liên tiếp có những phiên cán ngưỡng “tỷ đô”.
Đáng chú ý, ngày 18/8/2023, sàn HoSE ghi nhận gần 1,65 tỷ cổ phiếu được trao tay - mức cao nhất trong suốt hơn 23 năm lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam; xét theo giá trị, giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 36.000 tỷ đồng (1,5 tỷ USD).
Dòng tiền nội đã trở thành động lực dẫn dắt toàn thị trường. Kết thúc năm 2023, chỉ số VN-Index đạt 1.129,93 điểm, tương ứng mức tăng 12,2%. Con số này đưa chứng khoản Việt Nam lọt top các thị trường tăng mạnh nhất châu Á bất chấp đà rút ròng mạnh của khối ngoại.
Chia sẻ góc nhìn về hiện tương trên, ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho biết: “Trên thị trường, nhà đầu tư hay có câu nói rất nôm na là “Ra đường sợ nhất công nông, chứng khoán sợ nhất là Tây bán ròng". Nhìn trong 4 tháng gần nhất (tháng 8 - tháng 12/2023, PV), có thể thấy thị trường đang có cú gồng quá tốt ở dòng tiền nội, nhất là trong bối cảnh chúng ta trải qua 2 năm với chính sách đảo chiều kể từ tháng 4/2022, các kênh đầu tư cũng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, như chứng khoán sau giai đoạn thăng hoa trong dịch Covid-19 đã liên tục trồi sụt, bất động sản gần như đóng băng và chịu áp lực thanh khoản…, và do những tác động từ bên ngoài lẫn nội tại, khối ngoại đã bán ròng rất nhiều, trong khi đó dòng tiền nội vẫn hút vào thị trường góp phần cân bằng lượng bán. Dòng tiền nội thực sự khỏe nếu không khỏe thì VN-Index sẽ sập về dưới 1.000 là có thể xảy ra!”
Sự trở lại của nhà đầu tư cá nhân được nhiều hãng chứng khoán đánh giá là từ khoá đáng lưu ý cho thị trường chứng khoán năm 2023.
Kỳ vọng gì cho năm 2024?
Trong năm 2023, với độ mở cao, nền kinh tế Việt Nam đã chịu tác động rõ rệt từ loạt biến động vĩ mô trên thế giới như xung đột địa chính trị diễn ra phức tạp, lạm phát neo cao, sức mua yếu… Tăng trưởng kinh tế của loạt đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam giảm tốc, thậm chí rơi vào khủng hoảng, khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước cũng trầm lắng theo. Những yếu tố tiêu cực này phần nào đã được phản ánh lên diễn biến của thị trường chứng khoán trong vài tháng đầu năm 2023.
Tuy nhiên, các biện pháp quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đã hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi của doanh nghiệp, qua đó, tác động tích cực đến niềm tin của giới đầu tư và phản ánh trực tiếp vào quá trình đi lên của thị trường.
Đáng chú ý, dữ liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước, đã được cải thiện. Cụ thể, lợi nhuận toàn thị trường trong quý 1/2023 giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, thì mức giảm sang quý 2/2023 và quý 3/2023 đã được thu hẹp về chỉ còn lần lượt 14% và 6%.
Ông Hồ Sỹ Hòa - Giám đốc nghiên cứu và tư vấn đầu tư thuộc Công ty Chứng khoán DNSE cho biết: “Sự hồi phục của kết quả kinh doanh cho thấy thị trường đang đi khá sát với diễn biến nền kinh tế, khi tốc độ tăng trưởng GDP cải thiện qua từng quý”.
Đồng thời, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, chỉ số sản xuất công nghiệp,… cũng đã tăng lên; dòng vốn đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục mới; lạm phát và biến động tỷ giá trong tầm kiểm soát; cùng với đó là dòng vốn ngân sách tiếp tục được đẩy mạnh vào nền kinh tế. Do đó, nhiều tổ chức trong và ngoài nước nhận định bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm 2024 sẽ có nhiều điểm sáng tích cực, qua đó trở thành bệ đỡ cho thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, nỗ lực hạ mặt bằng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cũng là nhân tố tác động đến diễn biến thị trường chứng khoán.
Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đã về dưới 5% cho kỳ hạn 12 tháng trở lên - mức thấp kỷ lục trong lịch sử. Tương tự, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng đã về “vùng đáy”, chỉ khoảng từ 5% - 6%/năm.
Việc lãi suất tiết kiệm xuống thấp một mặt tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh; đồng thời, khiến kênh chứng khoán trở nên hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư.
Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh, không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024 và nỗ lực hạ mặt bằng lãi suất cho vay xuống hơn nữa. Đồng thời, mục tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức 15%, tương đương với 2 triệu tỷ đồng sẽ được cung ứng thêm cho nền kinh tế.
Mặt khác, dự báo của nhiều định chế tài chính cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ giữa năm 2024, thậm chí ngay từ tháng 3 tới đây, góp phần thúc đẩy kinh tế và hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường tài chính toàn cầu.
Ngoài ra, hệ thống giao dịch KRX đang được lên kế hoạch sớm đưa vào vận hành chính thức. Hệ thống này được xem là tiền đề cho việc tiến tới nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ “cận biên” lên “mới nổi”, giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Một số dự báo nhận định sẽ có khoảng 3,5 - 4 tỷ USD được rót vào để mua mới cổ phiếu Việt Nam khi thị trường chứng khoán được nâng hạng.
Về phía cơ quan quản lý, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thời gian qua đã liên tục phối hợp với các bên để chuẩn bị kỹ lưỡng cho mục tiêu nâng hạng.
Bối cảnh vĩ mô thuận lợi hơn, “sức khoẻ” của doanh nghiệp dần hồi phục, cùng nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ là những yếu tố đưa thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển và mở rộng hơn trong năm 2024.
Chứng khoán VNDirect: Dự báo chỉ số VN-Index có thể đạt vùng 1.400 - 1.450 điểm trong năm 2024. Đội ngũ phân tích của hãng chứng khoán này cho rằng đây là thời điểm thích hợp để đầu tư trung và dài hạn vào kênh chứng khoán do định giá thị trường khá hấp dẫn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động thấp và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có thể cải thiện kể từ quý 4/2023.
Chứng khoán KBSV: Dự báo chỉ số VN-Index có thể cán mốc 1.330 điểm trong năm 2024 dựa trên động lực tăng trưởng kinh tế trở lại mốc quanh 6%, mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp, chính sách tài khoá mở rộng tiếp tục duy trì, và Fed xoay chiều chính sách. Bên cạnh đó, thị trường còn được hỗ trợ với kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể tăng 16,4% trong năm 2024.
Quỹ đầu tư Pyn Elite Fund: Dự báo doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2024 sẽ có mức tăng trưởng kỷ lục, đạt 20%. Hiện, thị trường chứng khoán đang chưa phản ánh tiềm năng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp và câu chuyện giảm lãi suất của Việt Nam.