Thị trường chứng khoán đã qua thời “trăng mật”?

Sau tháng 3 tăng trưởng chậm lại, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 vừa được công bố đã tăng 2,75% so với cùng kỳ 2017. Mặc dù mức tăng so với cuối năm 2017 mới chỉ 1,05% nhưng đà tăng có dấu hiệu quay lại

Yếu tố gia tăng lạm phát vẫn là điều được giới đầu tư chứng khoán quan sát chặt chẽ. Không chỉ ở Việt Nam, thị trường chứng khoán toàn cầu đang trong thời kỳ tăng trưởng cực mạnh kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008 cũng là nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Việc lạm phát gia tăng, lãi suất tăng lên, các gói kích thích bị thu hẹp là dấu hiệu của thời điểm kết thúc chu kỳ tiền rẻ, vốn đang là động lực tăng trưởng quan trọng của thị trường chứng khoán.

Những kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Kể từ đầu năm 2016 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam mới có duy nhất 2 đợt điều chỉnh với biên độ lớn hơn 10% ở chỉ số VN-Index. Cả hai đợt điều chỉnh này đều xuất hiện trong 4 tháng đầu năm 2018. Suốt 2 năm trước (2016-2017) thị trường không có đợt điều chỉnh nào quá 10% và chỉ có 1 lần duy nhất ở mức 7%, còn lại chỉ ở mức 5% trở xuống.

Đây là kỷ lục tăng trưởng dài nhất kể từ cuối năm 2008, được ví như thời kỳ “trăng mật”. Nguyên nhân thì có rất nhiều, từ yếu tố tăng trưởng vĩ mô tốt, tới kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp dẫn đầu. Tuy nhiên có một điều quan trọng hơn, chính là kỷ lục về thanh khoản.

Thanh khoản trên thị trường chứng khoán là yếu tố quan trọng nhất, là bằng chứng về sự quan tâm của cộng động đầu tư, cũng như khả năng huy động tiền mặt cho kênh đầu tư này. Ở thời điểm thị trường chứng khoán lên đỉnh cao đầu năm 2018, giá trị giao dịch của thị trường thường xuyên đạt trên 10.000 tỷ đồng/ngày và kỷ lục là gần 17.000 tỷ đồng.

Lượng vốn khổng lồ này đương nhiên có cả sức mạnh của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng lượng tiền của các nhà đầu tư trong nước cũng ở mức kỷ lục. Tương đương với thời điểm đỉnh cao của tổng thanh khoản của thị trường, dòng vốn của nhà đầu tư trong nước cũng lên tới 8.000-9.000 tỷ đồng/ngày.

Thanh khoản tăng vọt lên mức kỷ lục là điều tích cực đối với thị trường chứng khoán nhưng cũng là dấu hiệu của thời kỳ bùng nổ quá nóng. Lý do đơn giản là dòng tiền đầu tư luôn có giới hạn. Nếu như 10.000 tỷ đồng đưa thị trường tăng trưởng cực điểm như đầu năm 2018 thì liệu sẽ phải cần bao nhiêu, 15.000 tỷ hay 20.000 tỷ đồng để có thể đưa thị trường lên mức cao hơn?

Nếu định giá thị trường qua yếu tố cơ bản là hệ số P/E (hệ số giá trên thu nhập) thì ở thời điểm đỉnh vào đầu tháng 4/2018, P/E của sàn HSX là 22,1 lần, của sàn HNX là 15,5 lần. Đây đều là mức định giá rất cao so với khu vực. Thậm chí nhóm 15 cổ phiếu trong chỉ số MSCI Việt Nam còn được định giá tới 30,5 lần so với mức lợi nhuận 12 tháng gần nhất.

Sức mạnh nào?

Trong quý I/2018 và nhất là thời điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4, các chỉ tiêu cơ bản đánh giá “nhiệt độ” của thị trường chứng khoán đều chỉ ra mức độ tăng trưởng rất nóng. Lượng tiền quá dồi dào đến từ áp lực giải ngân vốn của hệ thống ngân hàng cho tới khả năng cho vay tăng vọt của các công ty chứng khoán là nguyên nhân chính.

Thúc đẩy cho vay tiêu dùng đang là chiến lược của các ngân hàng thương mại và điều này đã làm nên lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc năm 2017 cũng như quý I/2018. Tuy nhiên tín dụng tiêu dùng là khoảng mờ đáng kể trong mục đích thực của khoản vay. Lượng tiền này có thể chảy vào các kênh đầu cơ ngắn hạn như chứng khoán hay bất động sản. Các công ty chứng khoán cũng có thể vay tiền dễ dãi hơn từ hệ thống ngân hàng để cho nhà đầu tư vay lại, đồng thời các công ty chứng khoán cũng liên tục tăng vốn, phát hành trái phiếu doanh nghiệp để có thêm tiền cho vay ngắn hạn.

Tựu trung lại, khả năng vay và cho vay dễ dàng đã dẫn tới quá trình bùng nổ của thị trường chứng khoán hiện tại. Đây là quy luật chung và không có gì khác thường. Tuy nhiên hệ quả của quá trình này chính là ở chỗ, khi vòng quay vốn vay và cho vay đó chững lại hoặc giảm đi, dòng vốn ngắn hạn trên thị trường chứng khoán sẽ giảm xuống.

Lạm phát là yếu tố then chốt của quá trình này. Có thể thấy rất rõ phản ứng của giới đầu tư chứng khoán toàn cầu khi quá trình tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ, có thể nhanh hơn dự kiến. Thị trường chứng khoán thế giới chao đảo mạnh từ tháng 2 đến nay là do nguy cơ lãi suất cơ bản sẽ tăng lên. Mỗi khi lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Mỹ tăng tiệm cận hoặc vượt qua mức 3%, thị trường chứng khoán lập tức sụt giảm mạnh.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, sức mạnh cơ bản vẫn là lượng tiền sẵn có trên thị trường. Tốc độ gia tăng lạm phát vẫn chưa đến mức khiến thị trường lo ngại, cung tiền vẫn dồi dào và tín dụng tiêu dùng vẫn là chiến lược kinh doanh quan trọng của các ngân hàng. Theo dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thì nếu không có gì đột biến, lạm phát 2018 sẽ ở khoảng 3,5%-3,8% trong khi mục tiêu của Chính phủ là 4%.

Mặc dù vậy, yếu tố đột biến có thể là tốc độ tăng nhanh hơn của giá điện, dịch vụ y tế giáo dục và nhất là giá dầu. Báo cáo đầu tháng 4/2018 của Ủy ban này cho rằng với mặt hàng dầu thô, nếu giá tăng khoảng 15% - 17% lên mức 60-62 USD/thùng sẽ góp phần làm cho giá giao thông tăng khoảng 5% - 7% so với năm trước, đóng góp làm CPI tổng thể tăng khoảng 0,5 - 0,7 điểm %. Thế nhưng đến những ngày đầu tháng 5/2018, giá dầu đã lên khoảng 68 USD/thùng (dầu WTI) và 74 USD/thùng (dầu Brent).

Trong trường hợp lạm phát trong nước vẫn được kiềm chế quanh mức 4%, ảnh hưởng lên thị trường chứng khoán vẫn sẽ hạn chế. Tuy nhiên triển vọng tăng lạm phát là có thực và khó có thể đảo ngược được xu hướng. Điều này diễn ra sau khi thị trường chứng khoán trải qua 2 năm tăng trưởng thần kỳ càng khiến cho triển vọng tăng trưởng của thị trường gặp nhiều lực cản mới mang tính chu kỳ.

Trên thực tế, thị trường chứng khoán hoàn toàn có cơ hội để tăng trưởng cao hơn nữa nhờ những tác động mới như được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Tuy nhiên có thể khẳng định, dưới áp lực của lạm phát và chu kỳ tăng trưởng kinh tế, thời kỳ “trăng mật” của thị trường với tốc độ tăng như 2016-2017 đã kết thúc.


Hoàng Nguyên