Có nhiều nguyên nhân đang được viện dẫn để lý giải cho biến động đột ngột mạnh lên của thị trường theo hướng tiêu cực như các tin đồn, nhưng điều ít được chú ý là thật ra thị trường đã tăng trưởng quá dài và quá lâu, suốt 7 tháng qua mà chưa lần nào điều chỉnh quá 5%.
“Tháng cô hồn” sẽ là cái “cớ”?
Việc thị trường đột nhiên sụt giảm khá mạnh 2 tuần đầu tháng 8 có thể là do nhu cầu chốt lời xuất hiện sau một quá trình tăng trưởng quá dài. Yếu tố lợi nhuận ít được quan tâm như một nguyên nhân dẫn tới rủi ro điều chỉnh giảm vì trong một chu kỳ tăng giá, nhà đầu tư rất ưa thích lợi nhuận. Đã có lãi, nhà đầu tư thường muốn lãi nhiều hơn nữa.
Điểm khác biệt nằm ở chỗ không phải nhà đầu tư nào cũng nhắm mắt ham hố một mức lợi nhuận không tưởng. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các tổ chức đầu tư lớn ý thức rất rõ thế nào là mức tăng trưởng phù hợp với yếu tố cơ bản của thị trường, bối cảnh kinh tế cũng như mức lợi nhuận của doanh nghiệp. Quy mô đầu tư của những nhà đầu tư chuyên nghiệp lớn hơn nhiều các nhà đầu tư cá nhân. Nói một cách đơn giản, quan điểm về xu hướng của các tổ chức lớn mới là điều khiến thị trường tăng hay giảm.
Kết quả kinh doanh quý 2/2017 đã công bố gần hết và nhìn chung doanh nghiệp lớn làm ăn tốt một cách ổn định. Ổn định nghĩa là không có gì đột biến. Vì vậy thị trường tăng trưởng mạnh suốt 7 tháng qua có thể đã phù hợp với triển vọng kinh tế vi mô của doanh nghiệp. Không một xu thế tăng nào có thể kéo dài mãi mãi.
Mặt khác, tháng 8/2017 trùng với tháng cô hồn, một yếu tố tâm linh trong hoạt động kinh doanh. Không phải nhà đầu tư lo sợ yếu tố này, mà vô tình “tháng cô hồn” trùng với thời điểm thị trường đã cạn các thông tin hỗ trợ. Lý giải yếu tố “tháng cô hồn” bằng các lý do mang tính kinh tế của thị trường chứng khoán không khó: Nếu doanh nghiệp đạt lợi nhuận tốt bình thường và giá cổ phiếu đã tăng mạnh trong 7 tháng qua, liệu điều gì có thể thúc đẩy giá cổ phiếu tăng cao hơn nữa? Doanh nghiệp sẽ phải đạt lợi nhuận tới mức nào để nhà đầu tư cảm thấy hào hứng hơn với mức giá cao hơn?
Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới đà tăng trưởng năm 2017 kéo dài bất thường chính là yếu tố thanh khoản. Nói đơn giản thì tiền đột nhiên đổ vào thị trường chứng khoán quá nhiều, đặc biệt là từ sau Tết Âm lịch, khoảng đầu tháng 2/2017. Quy mô giao dịch hàng ngày đang từ trung bình 2.500 tỷ đồng tới 3.000 tỷ đồng, bất ngờ tăng vọt lên 4.500 tỷ tới 5.000 tỷ đồng. Cá biệt có 7 phiên giá trị giao dịch vượt 6.000 tỷ đồng và 1 phiên đạt trên 7.000 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán cũng bị chi phối bởi yếu tố cung cầu như thường. Khi lượng tiền đổ vào quá lớn thì giá phải tăng. Với sức mua đột nhiên tăng gấp 3 lần bình thường, thị trường chứng khoán như được chích “doping” và diễn biến tăng mạnh, kéo dài bất thường thực ra lại là hợp lý.
Thống kê biến động giá cũng thể hiện rất rõ quá trình tăng giá cực mạnh của cổ phiếu. VN-Index kể từ đầu thăng 2017 đến nay tăng khoảng 16% thì toàn thị trường có 270 cổ phiếu tăng trên 20%. Như vậy là gần 37% số cổ phiếu niêm yết tăng giá mạnh. Có 200 cổ phiếu tăng trên 30%, chiếm khoảng 27%. Có 110 cổ phiếu tăng trên 50%, chiếm khoảng 15%. Và để cho hết những kỷ lục, có 40 cổ phiếu đã tăng giá tối thiểu là gấp đôi trong thời gian này.
Chỉ trong vòng 7 tháng mà giá cổ phiếu tăng 30-50% là con số khủng khiếp. Không có con số lợi nhuận kinh doanh nào của doanh nghiệp có thể phù hợp với tốc độ tăng giá như vậy. Yếu tố duy nhất có khả năng khiến giá cổ phiếu tăng mạnh đến thế là hoạt động đầu cơ ngắn hạn và lượng tiền khổng lồ đột biến như mới nói ở trên là động lực quyết định.
Vì mức tăng trưởng đã vượt xa đà tăng trưởng cơ bản của doanh nghiệp nên việc thị trường điều chỉnh giảm cũng không có gì bất ngờ. Cung cầu trên thị trường có thể khiến giá cả thay đổi sai lệch trong ngắn hạn so với giá trị, nhưng cuối cùng thì vẫn phải tìm đến điểm cân bằng.
Xu thế tăng dài hạn vẫn ổn định
Nếu nghĩ một cách đơn giản thì vì thị trường đã tăng mạnh trong 7 tháng đầu năm, khả năng điều chỉnh giảm trong vài tháng tới là bình thường. Mức điều chỉnh tùy thuộc vào tình hình dòng tiền ngắn hạn trên thị trường. Tuy nhiên đó là nhịp điều chỉnh bình thường và cần thiết, để giá cổ phiếu phù hợp với những gì mà doanh nghiệp có thể kiếm ra được.
Nhịp điều chỉnh ngắn hạn nếu có xảy ra cũng không gây ảnh hưởng gì lớn tới xu thế tăng dài hạn. Nguyên nhân là xu thế dài hạn không bị chi phối bởi việc thị trường lên xuống do đầu cơ, mà phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế của nền kinh tế.
Lấy ví dụ, một xu thế tăng dài hạn gần nhất đã kéo dài từ đầu năm 2016 đến nay và vẫn còn đang tiếp diễn. Trong xu thế tăng dài hạn này, có một vài tháng thị trường điều chỉnh giảm như tháng 7/2016, tháng 10 - 12/2016, tháng 4/2017 và sắp tới rất có thể sẽ là tháng 8 - 9/2017. Các tháng điều chỉnh giảm này không có gì là xấu, mà là quy luật bình thường, bởi vì nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng tốt.
Chưa bao giờ sức ép tăng trưởng kinh tế lại rõ ràng như hiện tại. Chỉ tiêu tăng trưởng phải đạt được và sử dụng mọi biện pháp có thể. Con số tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay liên tục được nhắc lại. Các quyết sách cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp được nêu lên.
Một con số duy nhất có thể phản ánh sát nhất sức ép thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và lý giải nguyên nhân dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán đột biến như vậy, là số liệu tăng trưởng tín dụng. Tính đến 30/6/2017, tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế 9,06% và hết tháng 7 khoảng 9,3%, là mức tăng trưởng kỷ lục trong vòng 6 năm gần đây.
Lượng tiền được bơm vào nền kinh tế gấp gáp như vậy thì tất yếu sẽ làm tăng giá các tài sản, đó là quy luật kinh tế thông thường ở bất kỳ đâu. Năm nay tăng trưởng tín dụng đặt kế hoạch 18%, nhưng trong phiên họp Chính phủ cuối tháng 7/2017, tín dụng được “bật đèn xanh” lên mức 20% hoặc cao hơn. Khoảng 11% tăng trưởng tín dụng cao hơn này là tương đương với 1,1 triệu tỷ đồng sẽ phải được tung ra.
Thị trường chứng khoán luôn là trung tâm của bất kỳ chu kỳ bùng nổ tín dụng nào. Thời kỳ 2007 cũng là như vậy, đợt hỗ trợ lãi suất hậu khủng hoảng tài chính vào năm 2009 cũng dẫn đến thị trường chứng khoán bùng nổ.