Thị trường chứng khoán Việt Nam vượt đỉnh: Thời khắc lịch sử và “làn gió chướng”

Những ngày cuối tháng 3/2018, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chạm đến thời khắc lịch sử, khi VN-Index ngày 22/3 đóng cửa ở mức 1172,36 điểm. Đỉnh cao nhất trong lịch sử 18 năm của thị trường là mứ

Về mặt lý thuyết thị trường như vậy là đã có đỉnh cao lịch sử mới, nhưng bối cảnh lại chưa thể đem lại sự yên tâm. Thị trường đã nhanh chóng điều chỉnh giảm xuống dưới mức đỉnh cao 1.170 điểm khá xa, khi xuất hiện “làn gió chướng” mang tầm toàn cầu.

“Chiến tranh thương mại” cụm từ khuynh đảo thị trường toàn cầu

Từ tháng 2/2018, thị trường chứng khoán thế giới bắt đầu chao đảo mạnh sau khi đồng loạt tạo đỉnh cao lịch sử. Đặc biệt là thị trường chứng khoán Mỹ biến động rất mạnh theo hướng tiêu cực. Chỉ số DowJones sau khi đạt đỉnh cao lịch sử 26.616 điểm vào ngày 26/1/2018 đã sụt giảm cực mạnh xuống 23.860 điểm ngày 8/2/2018 trước những lo ngại về lãi suất USD sẽ được điều chỉnh tăng mạnh sau một thập kỷ duy trì rất thấp để đối phó với khủng hoảng tài chính 2008.

Đến cuối tháng 3/2018, thị trường chứng khoán Mỹ lại sụt giảm xuống tận 23.533 điểm, tức là giảm xuống thấp hơn cả đáy tháng 2. Lần này ảnh hưởng chính không chỉ là việc lãi suất USD được tăng lên, mà từ mối lo ngại lớn liên quan đến nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại.

Ngày 8/3, Mỹ quyết định áp thuế 10% đối với sản phẩm nhôm và 25% đối với sản phẩm thép nhập khẩu vào nước này. Chưa hết, ngày 23/3, Mỹ lại công bố kế hoạch đánh thuế một loạt mặt hàng từ Trung Quốc có tổng kim ngạch nhập khẩu vào Mỹ lên tới 60 tỷ USD, với các sản phẩm từ giày dép đến các mặt hàng điện tử.

Trong một nền kinh tế mở, thị trường chứng khoán chắc chắn rằng sẽ không thể có một biện pháp đơn phương nào mà không bị đáp trả. Quả thực Trung Quốc cũng đã công bố kế hoạch áp đặt 3 tỷ USD thuế đối ứng đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Cụ thể, Trung Quốc sẽ tăng 15% thuế đối với các mặt hàng thép, trái cây, rượu vang và các sản phẩm khác của Hoa Kỳ và 25% thuế cho thịt lợn và nhôm tái chế. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có kế hoạch giảm mua trái phiếu chính phủ Mỹ và nước này đang là “chủ nợ” lớn nhất của Mỹ .

Các hành động đáp trả ban đầu đã được thị trường chứng khoán Mỹ hấp thụ một cách đầy lo lắng. Chỉ trong tuần xảy ra các thông tin đáp trả lẫn nhau liên quan đến căng thẳng thương mại, chỉ số DowJones đã giảm 5,67%, S&P500 giảm 5,59%, Nasdaq giảm 6,54%. Đây là tuần giảm mạnh nhất của cả ba chỉ số kể từ tháng 1/2016.

Thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm mạnh do lo ngại cuộc chiến thương mại sẽ bị đẩy lên cao trào hơn nữa nếu không có được sự thỏa hiệp cần thiết. Hiện tại các bên mới chỉ tung ra những “đòn” thăm dò nhưng ảnh hưởng thực tế thì chưa thể đo đếm ngay lập tức. Chính vì vậy thị trường chứng khoán thường chiết khấu mạnh những thông tin mang tính dự báo. Đó là lý do khiến thị trường chứng khoán toàn thế giới sụt giảm mạnh chứ không riêng gì các thị trường chứng khoán Mỹ và Trung Quốc. Chẳng hạn trong tuần “khơi mào” cuộc chiến thương mại, chứng khoán Anh giảm 3,38%, Chứng khoán Nhật giảm 4,88%, Chứng khoán Đức giảm 4,06%...

Chứng khoán Việt trước lực cản mới

Xu thế tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang thuộc nhóm tốt nhất thế giới. Chỉ số VN-Index kể cả khi biến động rất lớn trung tuần xảy ra nhiều thông tin bất lợi thì vẫn tăng nhẹ 0,3% trong khi hầu hết các thị trường khác đều giảm mạnh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang dẫn đầu thế giới với mức tăng 21,13% trong vòng 3 tháng gần nhất và dẫn đầu thế giới kể từ đầu năm 2018 với mức tăng trưởng 17,21%. Trong vòng 6 tháng gần nhất, thị trường Việt Nam cũng mạnh nhất khi tăng 42,92%.

Thống kê như vậy để thấy rằng trong con mắt của các nhà đầu tư, một thị trường vẫn đang tăng trưởng tích cực vẫn là một cơ hội đầu tư tốt. Bối cảnh mới của thị trường thế giới sẽ có ảnh hưởng trong ngắn hạn lẫn trung hạn đối với thị trường Việt Nam.

Ảnh hưởng ngắn hạn là các biến động trực tiếp từ diễn biến của các thị trường chứng khoán toàn cầu suy giảm mạnh. Thực tế từ đầu năm đến nay đã cho thấy, khi thị trường chứng khoán Mỹ điều chỉnh nhẹ dưới 1% thì thị trường Việt Nam rất ít bị tác động. Tuy nhiên khi chứng khoán Mỹ giảm từ 2% trở lên thì gần như ngay lập tức thị trường Việt Nam cũng sụt giảm theo trong phiên giao dịch kế tiếp.

Do vậy, yếu tố cường độ sẽ là điều quyết định trong ngắn hạn đối với thị trường Việt Nam. Đặc biệt nếu thị trường chứng khoán Mỹ xuất hiện xu thế điều chỉnh sâu rõ ràng, sẽ là rất khó để thị trường Việt Nam đi ngược xu hướng chung của toàn thế giới.

Yếu tố ngắn hạn chỉ có thể được làm giảm nhẹ khi xuất hiện các thông tin hỗ trợ nội tại đủ mạnh. Chẳng hạn các số liệu kinh tế vĩ mô tốt trong quý I/2018 có thể được công bố vào cuối tháng 3. Kết quả kinh doanh tốt sẽ xuất hiện vào nửa cuối tháng 4. Tác động từ các thông tin tích cực này cũng chưa thể khẳng định được trong trường hợp thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn lao dốc.

Ảnh hưởng trung hạn là những hệ quả từ cuộc chiến thương mại tới Việt Nam. Mặc dù không nằm trong cuộc chiến này một cách trực tiếp, nhưng những ảnh hưởng vẫn có thể nhìn thấy từ lĩnh vực sắt thép và thủy sản khi thuế suất nhập khẩu vào Mỹ tăng lên.

Hệ quả lâu dài hơn là khi Trung Quốc bị hạn chế xuất khẩu vào Mỹ, nhưng lại không thể giảm năng lực sản xuất trong nước, tất yếu dẫn tới sự dư thừa hàng hóa. Khi đó các thị trường gần Trung Quốc như Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với làn sóng hàng hóa giá rẻ của nước này đổ bộ vào. Các doanh nghiệp sản xuất nội địa sẽ đối mặt với khó khăn không nhỏ. Mặt khác, hàng hóa các nước khác muốn vào Trung Quốc cũng sẽ chịu sự cạnh tranh lớn từ chính các doanh nghiệp Trung Quốc vốn đang dư thừa sản phẩm.

Một yếu tố cũng đang khiến các thị trường tài chính lo ngại là biện pháp trả đũa “độc” của Trung Quốc là giảm mua trái phiếu chính phủ Mỹ và bán ra ồ ạt. Động thái này sẽ cộng hưởng với tiến trình tăng lãi suất của Mỹ đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng cao. Thời điểm tháng 2, thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc thảm hại cũng một phần do lợi suất trái phiếu 10 năm bất ngờ tăng vọt lên gần 3%.

Lãi suất USD tăng cao, lợi suất trái phiếu tăng sẽ dẫn đến hoạt động phân bổ lại dòng vốn đầu tư toàn cầu. Khi đó không có thị trường chứng khoán mới nổi nào tránh được tác động. Hiện tại dòng vốn đầu tư gián tiếp vẫn đang chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam khá mạnh, nhưng nếu sự thay đổi lãi suất đột ngột, không có gì đảm bảo tình hình vẫn yên ả.