Kỳ vọng của khối OPEC+
Hãng tin Reuters cho biết liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu đang tiến hành thảo luận việc cắt giảm sản lượng khai thác với mức cắt giảm lên tới 10% tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu tương đương 10 triệu thùng/ngày. Dự kiến khối OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 6/4 tới đây.
Hiện các nước thành viên khối OPEC+ kỳ vọng các nước khai thác dầu thô lớn ngoài khối này như Hoa Kỳ, Canada, Nauy và Brazil sẽ cùng tham gia thoả thuận cắt giảm sản lượng này. Đặc biệt, các nước khối OPEC đang chờ đợi Hoa Kỳ sẽ có những động thái để cùng bình ổn thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Hoa Kỳ vẫn chưa có bất kỳ cam kết nào về việc sẽ cắt giảm sản lượng khai thác.
Hãng tin Reuters dẫn lời 1 nguồn tin từ khối OPEC cho biết Hoa Kỳ cần phải đóng góp vào thoả thuận cắt giảm sản lượng lần này thông qua việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu đá phiến.
Nga, trong thời gian dài, đã bày tỏ sự không hài lòng khi liên minh OPEC+ phải liên tục cắt giảm sản lượng khai thác để nâng đỡ giá dầu thô và những hãng khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ vốn không tham gia thoả thuận cắt giảm sản lượng lại được hưởng lợi từ điều này.
Theo dữ liệu mới nhất của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA), sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ hiện đạt gần 13 triệu thùng/ngày – trở thành nước có sản lượng khai thác dầu thô lớn nhất thế giới. Sản lượng khai thác dầu thô của Ả-rập Xê-út và Nga hiện lần lượt đạt khoảng 12 triệu thùng/ngày và 11,3 triệu thùng/ngày.
Các đột phá trong công nghệ khai thác dầu đá phiến đã giúp năng lực khai thác dầu thô của Hoa Kỳ tăng gấp đôi trong 10 năm trở lại đây và giúp nước này gia tăng lượng dầu thô xuất khẩu. Trong năm 2019, lượng dầu thô xuất khẩu của Hoa Kỳ đạt trung bình 2,98 triệu thùng/ngày – tăng 45% so với năm 2018 và đã có lúc vượt Ả-rập Xê-út trở thành quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Đặc biệt, thị phần xuất khẩu dầu của Hoa Kỳ đang ngày càng được mở rộng hơn, nhất là tại các thị trường trọng điểm của Ả-rập Xê-út và Nga như Ấn Độ và Trung Quốc.
Phản ứng của Hoa Kỳ
Trong ngày 3/4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nhóm họp với các công ty khai thác dầu thô lớn nhất nước này để bàn về vấn đề giá dầu thô sụt giảm mạnh. Tại cuộc họp, ông Donald Trump tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp để hỗ trợ ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông Donald Trump tiếp tục không thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sẽ đề xuất các doanh nghiệp Hoa Kỳ phải cắt giảm sản lượng khai thác.
Trước đó, trong ngày 2/4, ông Donald Trump cho biết ông đã đã trao đổi với Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman và Tổng thống Nga Vladimir Putin và đề xuất mong muốn cả hai quốc gia sẽ cắt giảm sản lượng khai thác từ 10 – 15 triệu thùng dầu/ngày.
Ông Donald Trump cũng cho biết ông không thực hiện bất kỳ nhượng bộ nào với Nga hay Ả-rập Xê-út như đồng ý cắt giảm sản lượng khai thác của Hoa Kỳ. Hiện tại Luật chống độc quyền của Hoa Kỳ không cho phép thực hiện bất kỳ sự hợp tác nào như hợp tác cắt giảm sản lượng để gây ảnh hưởng lên giá dầu mỏ. Sau thông tin, này giá dầu thô Brent và dầu thô ngọt nhẹ Texas đều bật tăng cao kỷ lục với mức tăng lần lượt đạt 21% và 24,7%.
Trong thời gian gần đây, Hoa Kỳ đang liên tục gây sức ép với Ả-rập Xê-út, một trong những đồng minh lâu năm của nước này tại khu vực Trung Đông, nhằm buộc Ả-rập Xê-út phải giảm sản lượng khai thác. Hồi năm 2018, khi giá dầu thô tăng cao, ông Donald Trump đã đe doạ Ả-rập Xê-út sẽ “không trụ vững được hai tuần nếu không có Hoa Kỳ hậu thuẫn” nhằm buộc nước này phải nâng cao sản lượng khai thác để kìm hàm đã tăng của giá dầu.
Tuy nhiên, một số quan chức Hoa Kỳ hiện đang đề xuất việc cắt giảm mạnh sản lượng khai thác của nước này trong bối cảnh giá dầu thô sụt giảm mạnh, gây tác động nghiêm trọng đến ngành khai thác dầu thô nước này, đặc biệt là các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến vốn có chi phí khai thác cao. Theo tính toán của các chuyên gia, ngành khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ cần giữ giá dầu thô tại mức 68 USD/thùng để đạt điểm hoà vốn.
Thoả thuận khó thành hiện thực
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô đã sụt giảm mạnh gần 75% trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu và cuộc chiến giá dầu giữa Ả-rập Xê-út và Nga. Sự bùng phát của dịch bệnh đã khiến nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu giảm gần 30% tương đương 30 triệu thùng/ngày khi có khoảng 3 tỷ người dân buộc phải ở nhà và các hoạt động kinh tế bị đình trệ do các biện pháp hạn chế di chuyển và phong toả được áp dụng tại nhiều nơi.
Trong ngày 3/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này sẵn sàn cắt giảm sản lượng khai thác cùng với Hoa Kỳ và khối OPEC. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết ông hiểu luật pháp của Hoa Kỳ không cho phép việc liên minh để cắt giảm sản lượng nhưng nên có những điều luật “mềm dẻo” phù hợp với tình hình.
Cũng trong ngày 3/4, Thống đốc bang Alberta (Canada) Jason Kenney cho biết tỉnh bang này có thể tham gia đề xuất giảm sản lượng của OPEC. Alberta hiện là trung tâm khai thác dầu thô của Canada.
Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo thoả thuận cắt giảm sản lượng khó có thể thành hiện thực nếu như Hoa Kỳ không tham gia. Các nước khai thác dầu thô lớn trên thế giới, đặc biệt là Nga khó có thể tự chịu thiệt hại, cắt giảm sản lượng khai thác, để cho ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ hưởng lợi như các cuộc chiến giá dầu thô trước đây.
Bên cạnh đó, Ả-rập Xê-út và Nga luôn muốn kìm hãm sự cạnh tranh của ngành khai thác dầu đá phiến Hoa Kỳ với ngành khai thác dầu thô truyền thống của hai nước và cạnh tranh thị phần với Hoa Kỳ.
Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo ngay cả khi một thoả thuận cắt giảm sản lượng với quy mô 10 triệu thùng/ngày cũng sẽ không đủ để bù đắp sự sụt giảm nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu, khó có thể giúp giá dầu thô tăng lên.
Giám đốc IEA Fatih Birol dự báo ngay cả khi các quốc gia cắt giảm sản lượng khai thác 10 triệu thùng/ngày thì mức tồn trữ dầu thô trên toàn cầu vẫn tăng khoảng 15 triệu thùng/ngày trong quý 2/2020.