Thứ Hai – 30/3
Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) đã thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ bất thường có nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này vượt qua các tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Cụ thể, thay vì điều chỉnh mức lãi suất chuẩn, MAS đã hạ tỷ giá tham chiếu nhằm hỗ trợ hoạt động xuất khẩu; động thái này ngầm ám chỉ Singapore có thể cho phép tỷ giá hối đoái của nước này xuống thấp hơn nữa trong thời gian tới.
Các số liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế của Singapore trong quý 1/2020 đã giảm 2,2% so với quý 1/2019, cao hơn nhiều so với mức dự báo giảm 0,8% được đưa ra trước đó. Con số này cũng đánh dấu mức giảm sâu nhất của nền kinh tế Singapore kể từ quý 1/2009 – thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra.
Nhằm đối phó với các tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ Singapore đã công bố kế hoạch kinh tế kinh tế lớn chưa từng có với tổng quy mô lên tới 48 tỷ SGD (tương ứng 33,7 tỷ USD). Cùng với khoản chi 6,4 tỷ SGD được Singapore tung ra trong tháng 2/2020 thì tổng các biện pháp kích thích tài khoá của nước này hiện đã đạt khoảng 55 tỷ SGD – tương đương 11% tổng GDP.
Đây được xem là một trong những động thái phản ứng mạnh mẽ nhất trong số các nước Châu Á đang chịu thiệt hại nặng vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các biện pháp kích thích kinh tế quy mô lớn cũng khiến thâm hụt ngân sách của Singapore dự kiến sẽ đạt mức cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây.
Thứ Ba – 31/3
Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của Trung Quốc trong tháng 3/2020 đạt 52.0 điểm, bật tăng mạnh so với mức thấp kỷ lục 35,7 điểm hồi tháng 2/2020. Các chỉ số phụ trong chỉ số PMI tháng 3/2020 của Trung Quốc như chỉ số sản xuất, đơn đặt hàng mới và tuyển dụng lao động đều đã tăng lên so với tháng 2/2020.
Chỉ số PMI là chỉ số tổng hợp đánh giá hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, chỉ số trên 50 điểm cho thấy khối sản xuất đã được mở rộng và ngược lại.
Tuy nhiên, Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc cảnh báo sự gia tăng của chỉ số PMI trong tháng 3/2020 không hoàn toàn đồng nghĩa với việc nền kinh tế nước này đã quay trở lại quỹ đạo như trước khi dịch bệnh xảy ra và nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức mới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp ở nhiều quốc gia khác.
Một số chuyên gia phân tích cũng nhận định việc chỉ số PMI tháng 3/2020 của Trung Quốc chỉ tăng nhẹ so với ngưỡng 50 điểm phản ánh hoạt động sản xuất của nước này chỉ phục hồi ở mức vừa phải và các hoạt động sản xuất vẫn đang trong quá trình tái triển khai trở lại.
Thứ Tư – 1/4
Chốt phiên giao dịch ngày 31/3 – phiên giao dịch cuối cùng của quý 1/2020, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ tiếp tục giảm xuống, khép lại 3 tháng biến động mạnh mang tính lịch sử khi thị trường tài chính toàn cầu chao đảo trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Tính chung quý 1/2020, các chỉ số chứng khoán chính của Hoa Kỳ như chỉ số trung bình công nghiệp Down Jones và S&P 500 đã ghi nhận mức giảm kỷ lục lần lượt là 23,3% (mức giảm theo quý mạnh nhất từ năm 1987) và giảm 20% (mức giảm theo quý cao nhất kể từ năm 2008).
Tính riêng tháng 3/2020, chỉ số trung bình công nghiệp Down Jones đã giảm 13,7%; trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 12,5% - mức giảm theo tháng mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tập đoàn ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế quý 1/2020 của Hoa Kỳ từ tăng 0,7% xuống còn 0% và tăng trưởng GDP quý 2/2020 giảm 5% so với mức tăng 0% được dự báo trước đó trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát phức tạp tại nước này.
Trong khi đó, hãng đánh giá tín nhiệm S&P Global cảnh báo Hoa Kỳ đã rơi vào một đợt suy thoái mới với dự báo tăng trưởng GDP quý 1/2020 của nước này sẽ giảm 1% trong quý 1/2020 và giảm 6% trong quý 2020.
Thứ Năm – 2/4
Các chuyên gia phân tích kinh tế trên thế giới nhận định việc ngày càng có nhiều quốc gia áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hạn chế đi lại và phong toả nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 đang khiến nhiều nền kinh tế rơi vào trạng thái đình trệ sâu.
Ông Matthew Oxenford, trưởng ban phân tích kinh tế nước Anh thuộc hãng tư vấn Economist Intelligence Unit (EIU) nhận định hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới sẽ đối mặt với tình trạng suy thoái trong năm nay.
Hầu hết các nền kinh tế sẽ rơi vào trạng thái “đóng băng” trong từ 3 tháng đến 6 tháng trước các tác động của đại dịch Covid-19 và đối mặt với những thách thức chưa từng có, theo ông Matthew Oxenford.
Sự bùng phát của các cuộc khủng hoảng y tế tại nhiều quốc gia, suy giảm sức mua khi người tiêu dùng phải ở nhà và sự đứt vỡ của các chuỗi cung ứng toàn cầu khi nhiều nhà máy phải đóng cửa đang khiến nền kinh tế toàn cầu bị tê liệt.
Các nhà phân tích thuộc ngân hàng Berenberg (Đức) cũng đưa ra cảnh báo hầu hết các nền kinh tế phát triển sẽ rơi vào tình trạng suy thoái trong năm nay. Đối với Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, tăng trưởng GDP năm 2020 được dự báo sẽ giảm tới 3% và tại Italy – nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới sẽ chứng kiến mức tăng trưởng GDP năm 2020 giảm tới 7,5%, theo dự báo Berenberg.
Hoa Kỳ và Italy là hai nền kinh tế được dự báo sẽ chịu thiệt hại nghiêm trọng về người do sự lây lan của dịch Covid-19.
Thứ Sáu – 3/4
Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản do Thủ tướng Shinzo Abe lãnh đạo đã đưa ra đề xuất tung gói kích thích kinh tế với tổng trị gia lên tới 60.000 tỷ Yên (tương đương 556 tỷ USD) nhằm giúp nền kinh tế nước này vượt qua các tác động của đại dịch Covid-19. Nếu thành hiện thực thì đây sẽ là gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Theo đề xuất trên, gói kích thích kinh tế sẽ bao gồm các khoản chi trị giá 20.000 tỷ Yên cho các biện pháp kích thích tài khoá và hỗ trợ khu vực tư nhân; số tiền còn lại sẽ dành cho những biện pháp kích thích khác.
Kế hoạch đề xuất không nêu chi tiết về gói tài trợ sẽ được thực hiện như thế nào, dù quy mô của các biện pháp tài khoá cho thấy thâm hụt ngân sách của Nhật Bản sẽ tăng mạnh. Giới phân tích nhận định việc đưa ra đề xuất kích thích kinh tế khổng lồ của Thủ tướng Shinzo Abe cho thấy cam kết mạnh mẽ của ông trong việc hỗ trợ nền kinh tế Nhật Bản.
Đề xuất này cũng cho thấy Chính phủ Nhật Bản có thể tung ra nhiều biện pháp kích thích hơn trong thời gian tới và chính phủ nước này sẽ cân nhắc nhiều cách tiếp cận hơn. Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008 nổ ra, Nhật Bản đã phải tung ra liên tiếp 5 nhóm biện pháp kích thích kinh tế từ giai đoạn tháng 8/2008 đến tháng 12/2009.