Thị trường thép: Làm sao để tiếp tục phát triển?

Theo công bố mới nhất từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), doanh số thép xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt hơn 3 triệu tấn, tăng mạnh 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường bất động sản ấm hơn c

Sản xuất tăng

Tổng sản lượng thép thô của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2015 đạt 1,4 triệu tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2014. Sản lượng thép cán, thép thanh và thép góc cũng có mức tăng cao trong giai đoạn vừa qua.

Nguồn: Bộ Công Thương

Trong nửa đầu năm 2015, Tổng công ty Thép Việt Nam là đơn vị có doanh số cao nhất với hơn 696.000 tấn thép được tiêu thụ, chiếm 22,7% thị phần ngành thép; tiếp sau đó là Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát với 675.000 tấn thép được bán ra (chiếm 22,1% thị phần). Công ty Cổ phần Thép Pomina và Công ty TNHH Vinakyoie xếp thứ 3 và thứ 4 về doanh số với lượng bán đạt 407.000 tấn (chiếm 13,3% thị phần) và 246.000 tấn (chiếm 8,06% thị phần).

Trong số các loại thép được tiêu thụ thì các loại ống thép có mức tăng trưởng ấn tượng với mức tiêu thụ đạt 664.000 tấn trong 6 tháng đầu năm 2015 (bao gồm 80.000 tấn xuất khẩu), tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong giai đoạn vừa qua, Công ty Thép Hòa Phát là doanh nghiệp có lượng ống thép tiêu thụ nhiều nhất với 145.300 tấn ống thép, chiếm giữ 21,85% thị phần phân khúc ống thép; tiếp theo là Tập đoàn Hoa Sen với 130.528 tấn ống thép.

Tính đến hết tháng 6/2015, lượng thép các loại được nhập khẩu về Việt Nam đạt 6,9 triệu tấn với tổng kim ngạch đạt 3,8 tỷ USD, tăng mạnh 38,6% về lượng và 14,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2014. Hoạt động nhập khẩu thép các loại của Việt Nam có xu hướng tăng lên qua tháng. Tính riêng tháng 6/2015, kim ngạch nhập khẩu thép các loại đạt gần 854 triệu USD - đây cũng là tháng có kim ngạch nhập khẩu thép cao nhất từ đầu năm đến nay.

Trong khi đó, trong nửa đầu năm 2015, Việt Nam chỉ xuất khẩu hơn 1,2 triệu tấn thép, tương đương 873 triệu USD, con số này giảm 7% về lượng và giảm 12,3% về kim ngạch. Xuất khẩu của các thành viên VSA đạt 175.543 tấn thép các loại trong 6 tháng đầu năm 2015, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Bộ Công Thương

Cơ hội và thách thức từ các FTA

Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) sẽ đem đến nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp thép Việt Nam do các Hiệp định này sẽ mở ra nhiều thị trường xuất khẩu mới nhưng cũng tạo ra cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường thép nội địa.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Tổng giám đốc Công ty Thép NS BlueScope Steel Việt Nam cho biết, mặt hàng thép mạ kẽm của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu do hưởng ưu đãi từ các FTA nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam cần phải sẵn sàng đối mặt với các biện pháp bảo hộ ngành thép của các nước tham gia FTA.

Theo ông Trần Tuấn Dương - Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, các FTA đem lại cả các cơ hội và thách thức, do đó các doanh nghiệp thép Việt Nam cần cắt giảm chi phí sản xuất và giá bán đồng thời cải thiện công tác quản lý sản xuất trong quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Hướng duy trì, thúc đẩy tăng trưởng

Để tận dụng được các ưu đãi từ các FTA, đảm bảo cho sự phát triển của ngành thép trong bối cảnh hội nhập, các nhà sản xuất thép Việt Nam buộc phải nghiên cứu kỹ các quy định về thuế và lịch trình cắt giảm thuế theo các FTA tại các thị trường xuất khẩu. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp thép Việt Nam tránh được các vụ kiện chống bán phá giá từ nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất thép Việt Nam cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh, bao gồm cả chất lượng, giá và dịch vụ nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng sau khi các FTA có hiệu lực. Nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thép Việt Nam, các doanh nghiệp thép trong nước cần liên tục cập nhập các công nghệ, trang thiết bị, cải thiện quản lý hoạt động doanh nghiệp và giảm thiểu chi phí sản xuất, qua đó giảm giá bán sản phẩm. Các doanh nghiệp thép Việt Nam cũng cần tìm hiểu về các biện pháp tự vệ nhằm tránh các vụ kiện thương mại.

Trong dài hạn, ngành công nghiệp thép Việt Nam cần có các doanh nghiệp sản xuất thép lớn với năng lực tài chính và công nghệ mạnh, đạt sản lượng hàng năm từ 2 - 3 triệu tấn để tận dụng lợi thế sản xuất theo quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh với các loại thép nhập khẩu và hướng tới các thị trường xuất khẩu bền vững.