Cuối tuần vừa qua, có gần 50 doanh nghiệp Hàn Quốc đã gặp gỡ 2.000 lao động Việt Nam để phỏng vấn tuyển dụng. Các doanh nghiệp này chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, thế nhưng phần lớn ứng viên gây thất vọng lại không vì lý do chuyên môn.
Trước tiên điều cần nói là các ứng viên tham gia tuyển dụng lần này có chất lượng khá cao, chỉ có gần 30% là sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng nghề; trên 70% đã là những lao động có tay nghề, có kinh nghiệm; thậm chí có cả cấp phó phòng của một ngân hàng trong nước dự tuyển vào Ngân hàng Công nghiệp IBK của Hàn Quốc.
Nhìn chung, các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao sự chuyển mình nhanh chóng của đội ngũ nhân lực Việt Nam so với mùa tuyển dụng trước. Phần lớn các ứng viên có chuyên môn tốt. Những điểm yếu trước kia gồm ngoại ngữ, tác phong lao động công nghiệp nay đã có bước tiến đáng kể.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp Hàn Quốc, dù họ phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng lại chủ yếu làm trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, hoặc làm vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc tại Việt Nam và trong khu vực. Vì vậy, ngoài chuyên môn và ngoại ngữ, họ rất cần lao động Việt Nam đáp ứng khả năng làm việc nhóm và kỹ năng giao tiếp, hợp tác trong môi trường đa văn hóa.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc chỉ ra hai kỹ năng căn bản còn thiếu của nhiều lao động Việt, thông qua cuộc phỏng vấn, đưa ra các tình huống giả định. Kỹ năng thứ nhất là làm việc nhóm, theo doanh nghiệp Hàn Quốc, khi không gặp vấn đề gì thì lao động Việt làm việc rất tốt, nhưng đưa ra những tình huống giả định nảy sinh vấn đề thì nhiều người lúng túng, không đưa ra được phương án giải quyết. Mấu chốt là họ thiếu những kỹ năng làm việc theo nhóm, đòi hỏi phải có khả năng tập hợp mọi người, hợp tác và phân công công việc cho từng người.
Đối với kỹ năng giao tiếp trong môi trường đa văn hóa, đòi hỏi niềm đam mê, ham học hỏi và sự tôn trọng cách ứng xử, bản sắc, tín ngưỡng của các nền văn hóa khác, thì không nhiều lao động Việt Nam thấy rõ tầm quan trọng. Nhiều người chưa được học hỏi về cách lắng nghe người khác, cách nắm bắt được ý nghĩa thực sự mà người kia muốn nói, và khá vụng về trong quan sát ngôn ngữ cơ thể của người giao tiếp cũng như sử dụng ngôn ngữ cơ thể, cách ứng xử cho phù hợp.
Bên cạnh chuyên môn, ngoại ngữ đây là 2 kỹ năng cơ bản phải có trong các doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng quốc tế.