Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa cho biết ông kỳ vọng thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen giữa Nga – Ukraine sẽ được gia hạn thêm ít nhất 3 tháng và cho rằng “tốt nhất” nên kéo dài thêm 2 năm.
Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa tiến hành hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cuối tuần trước.
Sáng kiến Biển Đen hay còn gọi là thoả thuận ngũ cốc được ký kết giữa Nga và Ukraine dưới sự dàn xếp của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2022. Thoả thuận này nhằm đảm bảo nguồn cung ngũ cốc, đặc biệt là lúa mì và ngô, cho thị trường thế giới trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine khiến tuyến đường vận chuyển ngũ cốc tại khu vực Biển Đen bị phong toả. Trước khi cuộc xung đột nổ ra, 90% lượng ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu thông qua khu vực Biển Đen.
Thoả thuận ngũ cốc này đã được gia hạn lần thứ 3 vào tháng 5 vừa qua và sẽ hết hạn sau ngày 17/7 tới đây. Trong thời gian gần đây, Nga đã cho biết “không có cơ sở để tiếp tục gia hạn Sáng kiến Biển Đen” và nước này cân nhắc về việc rút khỏi thoả thuận này.
Nga cáo buộc các nước phương Tây đã không thực thi nghiêm túc các vấn đề liên quan đến lợi ích của Nga theo thoả thuận Sáng kiến Biển Đen; đồng thời, cáo buộc Ukraine đã tận dụng các hành lang an toàn trên Biên Đen theo thoả thuận để thực hiện các hoạt động quân sự.
Một số chuyên gia lo ngại khả năng Nga rút khỏi Sáng kiến Bển Đen ngày càng lớn hơn khi phía Nga đang ngày càng tỏ thái độ cứng rắn hơn về các vấn đề liên quan đến thoả thuận này. Liên Hợp Quốc cho biết, Sáng kiến Biển Đen đã đóng vai trò quan trọng trong việc “hạ nhiệt” đà tăng giá lương thực giai đoạn vừa qua, đặc biệt là đối với các quốc gia có thu nhập thấp, vốn phụ thuộc vào nguồn cung ngũ cốc giá rẻ của Nga và Ukraine.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cảnh báo việc chấm dứt Sáng kiến Biển Đen sẽ tác động mạnh đến khu vực Sừng châu Phi, đồng thời cảnh báo việc giá lương thực tăng mạnh lần nữa sẽ khiến hàng chục triệu người đối mặt với đói kém.
Cuối tuần trước, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đưa ra thông báo kêu gọi các bên có liên quan cần tìm cách duy trì thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen để các sản phẩm có thể được đưa ra thị trường một cách thuận lợi, hiệu quả và trên diện rộng.
Theo thông báo, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ông Farhan Haq cho biết: “Thỏa thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen là minh chứng hiếm hoi cho thấy thế giới có thể cùng nhau giải quyết những thách thức lớn nhất trong thời đại hiện nay. Cùng nhau, các thỏa thuận đang góp phần giảm giá lương thực toàn cầu, hiện ở mức dưới 23% so với mức kỷ lục hồi tháng 3 năm ngoái.”
Nga hiện cho biết, trong trường hợp Sáng kiến Biển Đen không được tiếp tục gia hạn, nước này sẽ vẫn đảm bảo duy trì hoạt động xuất khẩu ngũ cốc đến các nước nghèo, dễ bị tổn thương nhất.