Trả lời báo chí vào ngày 21/6, người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh Liên Hợp Quốc đã buộc phải thừa nhận rằng "Họ không tìm cách tác động ảnh hưởng cần thiết đối với các nước phương Tây nhằm thực hiện điều khoản liên quan đến Nga trong thỏa thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen”.
Ông Dmitry Peskov hàm ý nhắc đến các yêu cầu của Nga về việc phương Tây phải dỡ bỏ các rào cản nhắm vào hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga.
Trước đó, ngày 13/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông đang cân nhắc khả năng Nga rút khỏi Sáng kiến Biển Đen khi những quyền lợi của Nga liên quan đến thoả thuận ngũ cốc này không được phương Tây thực thi nghiêm túc.
Nga đã nhiều lần cảnh báo sẽ chấm dứt thoả thuận ngũ cốc này nếu như những quyền lợi của Nga không được tuân thủ, đặc biệt là việc xuất khẩu lương thực, phân bón và nhập khẩu máy móc nông nghiệp.
Sáng kiến Biển Đen hay còn gọi là thoả thuận ngũ cốc được ký kết giữa Nga và Ukraine dưới sự dàn xếp của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2022. Thoả thuận này nhằm đảm bảo nguồn cung ngũ cốc, đặc biệt là lúa mì và ngô, cho thị trường thế giới trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine khiến tuyến đường vận chuyển ngũ cốc tại khu vực Biển Đen bị phong toả. Trước khi cuộc xung đột nổ ra, 90% lượng ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu thông qua khu vực Biển Đen.
Sáng kiến Biển Đen được gia hạn lần đầu với thời hạn 120 ngày vào tháng 11/2022, gia hạn lần hai với thời hạn 60 ngày, cho đến ngày 18/5/2023, và tiếp tục được gia hạn lần 3 trong ngày 17/5/2023 và sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/7 tới đây. Trong năm ngoái, thoả thuận này đã giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu dưới tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, hai quốc gia xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Giới quan sát đánh giá, trên thực tế, việc xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga hiện không bị hạn chế theo các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, phía Nga cáo buộc những hạn chế về thanh toán, hậu cần và bảo hiểm do phương Tây dựng lên đã trở thành rào cản đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa của nước này.
Một số chuyên gia lo ngại khả năng Nga rút khỏi Sáng kiến Bển Đen ngày càng lớn hơn khi phía Nga đang ngày càng tỏ thái độ cứng rắn hơn về các vấn đề liên quan đến thoả thuận này. Hồi đầu tháng 6, Nga cho biết một nhóm phá hoại Ukraine đã làm nổ tung một đoạn đường ống tại Ukraine mà Nga sử dụng để xuất khẩu amoniac - một thành phần chính để sản xuất phân bón. Hai nước đã đổ lỗi cho nhau về vụ tấn công.
Chính phủ Nga khẳng định vụ nổ đường ống sẽ có tác động "tiêu cực" đến các cuộc đàm phán để gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen.
Trong một diễn biến khác, Liên minh châu Âu vừa đồng thuận áp đặt gói trừng phạt thứ 11 đối với Nga, bao gồm các biện pháp siết chặt hơn về hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga, cũng như các loại hàng hoá được phép quá cảnh tại nước này.