Tổng thống Nga cân nhắc khả năng Nga rút khỏi Sáng kiến Biển Đen

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa cho biết ông đang cân nhắc khả năng Nga rút khỏi thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen khi thực tế phần lớn lượng ngũ cốc được Ukraine xuất khẩu được chuyển đến EU, thay vì các nước thu nhập thấp.
Tổng thống Nga Valdimir Putin cân nhắc rút khỏi Sáng kiến Biển Đen
 Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga đang cân nhắc việc rút khỏi thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen. (Ảnh: TASS)

Phát biểu tại cuộc gặp các phóng viên chiến trường Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, trên thực tế, điểm đến của hầu hết số ngũ cốc mà Ukraine chuyển đi thông qua thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen là các quốc gia giàu có thuộc Liên minh châu Âu (EU), chứ không phải các nước châu Phi hoặc các nước có thu nhập thấp, và điều này trái ngược với tinh thần ban đầu của thoả thuận.

Ông Vladimir Putin tái khẳng định việc Nga đồng ý ký kết và gia hạn thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen là nhằm hỗ trợ lương thực cho các nước đang phát triển và cũng để các biện pháp trừng phạt phương Tây áp đặt với ngành nông nghiệp Nga được dỡ bỏ.

Ngoài ra, Tổng thống Nga cũng cho rằng các hành lang biển được thiết lập thông qua Sáng kiến Biển Đen nhằm hỗ trợ các tàu chở ngũ cốc đi qua khu vực Biển Đen an toàn nhưng phía Ukraine lại sử dụng các hành lang này để triển khai các hoạt động quân sự.

Vì những lý do trên, ông Vladimir Putin cho biết, Nga đang cân nhắc rút khỏi thoả thuận ngũ cốc này. Đồng thời, Tổng thống Nga nhấn mạnh trong trường hợp rút khỏi Sáng kiến Biển Đen, nga sẽ cung cấp miễn phí cho các nước nghèo nhất lượng ngũ cốc tương đương số lượng ngũ cốc do Ukraine đang cung cấp.

Sáng kiến Biển Đen hay còn gọi là thoả thuận ngũ cốc được ký kết giữa Nga và Ukraine dưới sự dàn xếp của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2022. Thoả thuận này nhằm đảm bảo nguồn cung ngũ cốc, đặc biệt là lúa mì và ngô, cho thị trường thế giới trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine khiến tuyến đường vận chuyển ngũ cốc tại khu vực Biển Đen bị phong toả. Trước khi cuộc xung đột nổ ra, 90% lượng ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu thông qua khu vực Biển Đen.

Sáng kiến Biển Đen được gia hạn lần đầu với thời hạn 120 ngày vào tháng 11/2022, gia hạn lần hai với thời hạn 60 ngày, cho đến ngày 18/5/2023, và tiếp tục được gia hạn lần 3 trong ngày 17/5/2023 và sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/7 tới đây.

Trong thời gian qua, Nga liên tục cáo buộc các nước phương Tây không thực hiện đầy đủ và nghiêm túc 5 vấn đề mang tính nguyên tắc, liên quan đến quyền lợi của Nga trong điều khoản của Sáng kiến Biển Đen. Các vấn đề này, gồm: kết nối lại Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT; dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với việc Nga nhập khẩu máy móc, phụ tùng máy nông nghiệp; dỡ bỏ các hạn chế về bảo hiểm và tái bảo hiểm; nối lại hoạt động đường ống dẫn khí amoniac Togliatti-Odesa; mở lại quyền tiếp cận cảng; và ngừng phong toả tài sản cũng như tài khoản của các doanh nghiệp Nga có thực hiện hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại về khả năng Nga rút khỏi Sáng kiến Biển Đen, đồng thời khẳng định Liên Hợp Quốc đang nỗ lực để có thể duy trì thỏa thuận cũng như đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi xuất khẩu hàng hóa của Nga.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) nhận định nhờ Sáng kiến Biển Đen nên giá lúa mì và giá ngô trên thị trường quốc tế đã hạ nhiệt đáng kể trong thời gian vừa qua, góp phần kiềm chế đà tăng của giá lương thực trên toàn cầu, giải toả phần nào áp lực lạm phát và rủi ro an ninh lương thực đối với các quốc gia thu nhập thấp.

Quỳnh Trang