Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) vừa cảnh báo Đức có thể rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế nhẹ trong cả năm nay với mức tăng trưởng GDP âm 0,3% so với năm 2022 do lạm phát cao kéo dài trong bối cảnh nền kinh tế này chưa phục hồi hoàn toàn sau các cuộc khủng hoảng liên tiếp diễn ra 3 năm qua.
Đức hiện là nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và việc nước này rơi vào suy thoái có thể tác động tiêu cực đến triển vọng chung của khu vực Eurozone. Đáng chú ý, nền kinh tế Đức đã rơi vào suy thoái kỹ thuật với hai quý vừa qua ghi nhận tăng trưởng âm (quý 4/2022 và quý 1/2023).
Chủ tịch Bundesbank ông Joachim Nagel cho biết nền kinh tế Đức vẫn đang phải vật lộn với hậu quả của lạm phát cao khiến sức mua của người dân giảm sút, dự kiến nước này sẽ ghi nhận tăng trưởng trở lại trong hai năm tới. Tăng trưởng kinh tế của Đức trong năm 2024 và năm 2025 hiện được dự báo lần lượt đạt 1,2% và 1,3%.
Cùng chung nhận định với Bundesbank, hai viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức là Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW) và Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW) cũng đều dự báo nền kinh tế nước này sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.
Theo Viện DIW, tăng trưởng GDP năm 2023 của Đức sẽ là âm 0,2% so với năm trước, trong khi Viện IfW dự báo mức giảm là 0,3%. Các viện nghiên cứu này cũng đều dự báo rằng nền kinh tế Đức sẽ trở lại đà tăng trưởng từ năm 2024.
Về tình hình lạm phát, Bundesbank cũng hạ dự báo lạm phát của Đức trong cả năm 2023 xuống 6%. Trong năm 2023 và năm 2025, lạm phát tại nước này được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm xuống còn 3,1% và 2,7%. Tuy nhiên, các mức lạm phát này vẫn cao hơn so với mục tiêu 2% trong năm 2024 và năm 2025 do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra.
Hồi đầu năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã sớm cảnh báo Đức là nền kinh tế duy nhất trong khu vực Eurozone có thể rơi vào suy thoái trong năm nay với kịch bản tăng trưởng kinh tế từ gần 0% đến âm 0,1%. Nguyên nhân chủ yếu do nền kinh tế Đức phụ thuộc nguồn cung khí đốt của Nga nhiều hơn so với các quốc gia châu Âu khác khiến nền kinh tế nước này chịu tác động mạnh hơn từ cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine.
Các nhà kinh tế hiện lo ngại Đức có thể đối mặt với rủi ro tăng trưởng thấp kéo dài, đặc biệt trong bối cảnh sản lượng kinh tế của nước này hiện sụt giảm sâu hơn so với các quốc gia khác trong khu vực Eurozone. Điều này gây ra lo ngại đặc biệt, trong những thập kỷ trước, nền kinh tế Đức thường phục hồi nhanh chóng sau những cú sốc kinh tế nhờ vào sức mạnh của khu vực xuất khẩu vốn dĩ có tính cạnh tranh cao của nước này.
Tuy nhiên, thương mại toàn cầu đã bị ảnh hưởng bất lợi bởi đại dịch và căng thẳng địa chính trị gia tăng, nên rất có khả năng thương mại sẽ không mang lại mức độ hỗ trợ như trước cho kinh tế Đức vào thời điểm này.
Trong một diễn biến khác, ECB vừa tiếp tục nâng lãi suất điều hành tại khu vực Eurozone lên mức cao nhất 22 năm trở lại đây nhằm kiềm chế lạm phát neo cao. Một số chuyên gia phân tích cảnh báo các điều kiện tín dụng bị siết chặt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp và hộ gia đình ở đây, khiến tăng trưởng kinh tế ở mức yếu.