- Nguyên nhân chính và chủ yếu là do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, nhiều nơi lũ vượt mức lịch sử, gây thiệt hại nặng nề đối với một số tỉnh ở khu vực này.
- Các hồ chứa thủy điện lớn ở khu vực miền Trung đã thực hiện đúng theo Quy trình vận hành.
- Các hồ chứa thủy điện lớn, không gây thêm lũ cho hạ du, đã góp phần cắt giảm đỉnh lũ và lượng nước lũ về hạ du trên các sông.
Diễn biến mưa lũ sau số 15
Về mưa: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ đêm ngày 14/11, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to; tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 300 đến 500mm và chủ yếu tập trung trong các ngày 15 và 16/11, riêng lưu vực sông Vệ, sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) lượng mưa lên tới gần 1.000mm.
Về lũ: Mưa lớn gây lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bắc Khánh Hòa và Tây Nguyên. Đỉnh lũ các sông phổ biến ở mức báo động 3 và trên báo động 3, đặc biệt lũ các sông Trà Khúc, sông Vệ (tỉnh Quảng Ngãi) và thượng nguồn sông Ba (tỉnh Gia Lai) đã vượt mức lịch sử. Nên rất nhiều địa bàn thuộc các tỉnh duyên hải miền Trung bị ngập nặng.
Thực trạng vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện
Tại địa bàn các tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên) hiện nay có 23 công trình thủy điện đang vận hành. Trong đó có 15 công trình thủy điện lớn với tổng dung tích điều tiết phát điện khoảng 2.440 triệu m3 được vận hành theo Quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa.
Vừa qua, có một số ý kiến cho rằng một số nhà máy thủy điện ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên xả lũ gây ngập lụt lớn ở hạ du là chưa phản ánh đầy đủ khách quan thực trạng. Nguyên nhân chính và chủ yếu là do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, nhiều nơi lũ vượt mức lịch sử, gây thiệt hại nặng nề đối với một số tỉnh ở khu vực này. Theo số liệu thống kê trực tuyến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và báo cáo của các chủ đầu tư cho thấy, việc vận hành các hồ chứa thủy điện lớn ở khu vực miền Trung đã thực hiện đúng theo Quy trình vận hành liên hồ chứa (đối với hồ chứa trong Quy trình liên hồ) và Quy trình của từng hồ đã được phê duyệt, không gây thêm lũ cho hạ du, đã góp phần cắt giảm đỉnh lũ và lượng nước lũ về hạ du trên các sông mặc dù các hồ chứa này không có nhiệm vụ chống lũ. Cụ thể như sau:
Trên lưu vực sông Vũ Gia - Thu Bồn
- Tại hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2: Từ 5h00 ngày 15/11/2013 lũ về hồ nhanh, trong 7h đầu lưu lượng về hồ từ 291 m3/s đến 12h45’ ngày 15/11/2013 lưu lượng đạt đỉnh 8.333 m3/s (tương ứng với đỉnh lũ lớn nhất có chu kỳ lặp lại khoảng 70 năm), lưu lượng xả tại thời điểm này là 2.115 m3/s, sau đó lưu lượng về hồ giảm dần. Trong 12 giờ đầu của trận lũ hồ Sông Tranh 2 đã cắt/giảm được 63% lượng nước lũ với dung tích 117 triệu m3 (trong đó cắt hoàn toàn được đỉnh lũ 5.380 m3/s lúc 9h30 ngày 15/11/2013). Sau khi qua đỉnh lũ và do không còn khả năng trữ mới xả qua tràn tự do, đến thời điểm 8h15’ ngày 18/11/2013 chỉ xả lưu lượng lớn nhất là 3.407 m3/s và đã cắt được lượng nước là 70,9 triệu m3 xả về hạ du. Nếu tính chung cả khi lũ xuống tại tuyến công trình, thì hồ chứa đã cắt được gần 5.000 m3/s. Hiệu quả cắt/giảm lũ của hồ là tích cực.
- Tại hồ chứa thủy điện Đăk Mi 4: lưu lượng về đạt đỉnh lũ lớn nhất 4.360 m3/s, hồ Đăk Mi 4 chỉ xả lưu lượng về hạ du lớn nhất 3.900 m3/s và đã cắt được 10,6% lưu lượng đỉnh lũ (460 m3/s). Trong thời gian đợt lũ từ 19h00 ngày 15/11/2013 đến 8h ngày 18/11/2013 hồ Đăk Mi 4 đã cắt được tổng lượng nước lũ về hạ du 45,62 triệu m3 (chiếm khoảng 18,84% tổng lượng nước lũ).
Trên lưu vực sông Ba
- Tại hồ chứa thủy điện Sông Ba Hạ: từ 19h00 ngày 15/11/2013 lũ về hồ nhanh, lưu lượng về hồ từ 800 m3/s đến 19h 17/11/2013 lưu lượng về đạt đỉnh lũ lớn nhất 5.300 m3/s, hồ Sông Ba Hạ chỉ xả về hạ du lưu lượng lớn nhất 3.900 m3/s và đã cắt được 26% lưu lượng đỉnh lũ (1.400 m3/s). Trong thời gian cơn lũ từ 19h00 ngày 15/11/2013 đến 19h ngày 17/11/2013 hồ Sông Ba Hạ đã cắt được tổng lượng nước lũ về hạ du 34 triệu m3 (chiếm khoảng 6,7% tổng lượng nước lũ).
- Trong thời gian từ ngày 15/11/2013 đến 7h ngày 18/11/2013 hồ Ka Nak đã cắt giảm được tổng lượng nước lũ 13,7 triệu m3 chiếm khoản 9,9% tổng lượng nước lũ về hồ, trong đó đã cắt được lưu lượng đỉnh lũ là 532 m3/s.
- Đối với hồ An Khê dung tích hồ chứa nhỏ (15,9 triệu m3) nhưng việc điều tiết hồ thủy điện An Khê cũng đã cắt giảm được khoảng 9,6% lưu lượng đỉnh lũ xả hạ du.
Đối với các vận hành các hồ thủy điện ở lưu vực sông khác
- Đơn vị quản lý vận hành hồ thủy điện Hương Điền và Bình Điền đã phối hợp chính quyền địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế vận hành có hiệu quả việc đảm bảo an toàn công trình và cắt giảm lũ cho hạ du. Sở Công Thương đã tham mưu để UBND tỉnh chỉ đạo các thủy điện chủ động hạ mức nước hồ để đón lũ và căn cứ vào hiện trạng ngập lụt phía hạ du để điều chỉnh lưu lượng xả theo yêu cầu của Ban chỉ huy PCLB tỉnh.
- Đối với sông Côn tỉnh Bình Định: không có các hồ thuỷ điện lớn tham gia điều tiết lũ. Cắt giảm lũ chủ yếu dựa vào hồ thuỷ lợi Định Bình có dung tích phòng lũ hơn 200 triệu m3 (theo thông tin, lũ đến khoảng 3.800 m3/s, đã xả 2.403 m3/s). Hồ chứa thủy điện Vĩnh Sơn có đập tràn tự do, đập tự tràn với lưu lượng nhỏ, không làm gia tăng lưu lượng đỉnh lũ so với tự nhiên.
- Đối với sông Trà khúc tỉnh Quảng ngãi, hồ thuỷ điện Đăk Đrinh đang xây dựng, không tham gia điều tiết lũ (không đóng/mở cửa van, lũ đến 2.600 m3/s tự tràn 1.769 m3/s).
- Đối với các công trình thủy điện nhỏ hồ chứa không có tác dụng điều tiết, vì vậy sẽ giảm không đáng kể lưu lượng đỉnh lũ so với tự nhiên.
Bảng thống kê xả lũ các hồ lớn khu vực miền Trung
đợt lũ trong tháng 11/2013
STT
Tên hồ chứa
Tỉnh
Lưu lượng đến lớn nhất
(m3/s)
Lưu lượng xả lớn nhất
(m3/s)
Cắt, giảm lưu lượng đỉnh lũ xả hạ du
(%)
Hình thức xả tràn
1
Bình Điền
Thừa Thiên Huế
1392,4
1392,4
0%
Cửa van
2
Hương Điền
Thừa Thiên Huế
2600
2.416
7,08%
Cửa van
3
A Vương
Quảng Nam
898
871,80
2,91%
Cửa van
4
Sông Bung 4A
Quảng Nam
1695
1680
0,88%
Cửa van
5
Sông Bung 5
Quảng Nam
1778
1741
2,07%
Cửa van
6
Sông Côn 2
Quảng Nam
573,5
573,5
0%
Cửa van
7
Đắk Mi 4
Quảng Nam
4360
3900
10,6%
Cửa van
8
Sông Tranh 2
Quảng Nam
8333
3407
59,1%
Tự tràn
9
Za Hung
Quảng Nam
1900
1900
0%
Cửa van
10
Sông Ba Hạ
Phú Yên
5300
3900
26%
Cửa van
11
Krông H'Năng
Phú Yên
1050
485
53,8%
Cửa van
12
Sông Hinh
Phú Yên
447
54
87,9%
Nhà máy
13
Vĩnh Sơn (hồ A)
Bình Định
258
75.7
70%
Tự tràn
14
An Khê
Gia Lai, Bình Định
2654
2400
9,6%
Cửa van
15
Ka Nak
Gia Lai
1456
924
36%
Cửa van
16
Đăk Đrinh
Quảng Ngãi
2500
1769
29,24%
Tự tràn
Theo các báo cáo của các Sở Công Thương và Chủ hồ thì nhìn chung các đơn vị quản lý vận hành đã tuân thủ báo cáo về thời gian và hình thức cho các cơ quan theo quy định tại Quy trình vận hành liên hồ và Quy trình vận hành từng hồ trước khi mở cửa van xả lũ, cụ thể: Hồ chứa thủy điện A Vương thông báo trước 3 giờ bằng fax sau đó gọi điện thoại xác nhận đã nhận đủ fax; Hồ Đăk Mi 4 thông báo ít nhất trước 02 giờ, khi tiến hành mở cửa van cung đầu tiên hoặc điều chỉnh tăng lưu lượng xả tràn đều gửi thông báo bằng văn bản thông qua fax, sau đó email, gửi EMS và gọi điện xác nhận; Hồ Sông Ba Hạ thông trước 3 giờ 30 phút; Hồ chứa thủy điện An Khê, Ka Nak đều đã gửi thông báo bằng fax trước 2 giờ; các hồ chứa thủy điện Bình Điền, Hương Điền, A Lưới đều thường xuyên thông báo công tác điều tiết nước hồ về Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn và Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua mạng Dropbox giúp cho địa phương chủ động điều hành việc điều tiết các hồ trên địa bàn giảm lũ có hiệu quả, đây là mô hình tốt trong điều hành chống lụt bão.
Như vậy, qua các số liệu thống kê và các thông tin trên, trong đợt lũ từ ngày 15-19/11vừa qua vai trò cắt giảm đỉnh lũ và lượng lũ cho hạ du là tích cực, góp phần giảm mức ngập lụt cho hạ du.
Những giải pháp phòng chống lũ
- Giải pháp công trình:
+ Đầu tư các hồ chứa, đê bao theo quy hoạch; nghiên cứu chỉnh trị sông để tăng cường khả năng thoát lũ, ổn định lòng bãi, bảo vệ các khu dân cư ven sông.
+ Huy động dung tích hợp lý các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang vận hành tham gia điều tiết giảm lũ, trong đó UBND tỉnh chủ động, chỉ đạo trực tiếp việc điều hành các hồ chứa trên cơ sở Quy trình vận hành được duyệt để điều tiết giảm lũ cho hạ du.
+ Rà soát và điều chỉnh năng lực thoát nước (khẩu độ cầu, cống, tràn…) trên các tuyến giao thông, đặc biệt là các tuyến giao thông lớn vùng trung và hạ du (các tuyến đường bị ngập và có chênh lệch mực nước lớn giữa 2 bên đường trong các đợt lũ vừa qua).
+ Đầu tư hạ tầng chống lũ, đường tránh lũ, sắp xếp lại dân cư vùng ngập lũ và vùng bị lũ quét
- Giải pháp phi công trình
+ Thực hiện ngay việc trồng bù rừng theo quy định, đẩy mạnh trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn.
+ Bổ sung mạng lưới các trạm đo trên các lưu vực sông, tăng độ chính xác của công tác dự báo mưa, lũ để điều hành chống lũ có hiệu quả hơn.
+ Quản lý chặt chẽ các hoạt động đầu tư xây dựng công trình đối với các dự án có ảnh hưởng tới việc tiêu thoát lũ trên địa bàn.
+ Nâng cao khả năng hoạt động quản lý, điều hành công tác phòng chống lũ tại các địa phương.
+ Các tỉnh triển khai xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du theo quy mô lũ và hệ thống cảnh báo lũ để chủ động tránh lũ.
(Nguồn: Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương)