Đó là, trong ba năm đầu trước thời điểm khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, luồng vốn FDI vào Việt Nam tăng đột biến: năm 2006 vốn đăng ký đạt 12 tỷ USD, năm 2007 đạt 21,3 tỷ và năm 2008 con số này đã vọt lên 71,7 tỷ USD, gấp hơn ba lần 2007. Trong hai năm cuối (2009 – 2010) mặc dầu chịu ảnh hưởng nặng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, cũng như các vấn đề nổi cộm hậu khủng hoảng, nhưng vốn FDI đăng ký vẫn đạt hơn 23 tỷ USD năm 2009 và 21 tỷ USD năm 2010. Bốn tháng đầu năm 2011, thu hút được 89 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 3,6 tỷ USD, tăng 0,6% cùng kỳ 2010. Cơ cấu ĐTNN theo ngành cũng có sự chuyển dịch đáng kể. Nếu như trong giai đoạn 2001 – 2005, chủ yếu tập trung vào khu vực công nghiệp chế biến định hướng xuất khẩu và bưu chính viễn thông, thì từ năm 2006 trở lại đây, tỷ trong ĐTNN vào công nghiệp chế biến đã giảm dần; trong khi đó đầu tư vào bất động sản, tư vấn, khách sạn, nhà hàng, vui chơi giải trí lại có xu hướng tăng mạnh. Sự chuyển dịch này tương thích với các cam kết của nước ta trong hội nhập và mở cửa kinh tế với quốc tế… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được rất đáng trân trọng nêu trên mà tiêu biểu là tốc độ tăng FDI đăng ký cao, một số dự án có quy mô lớn tới một hai tỷ USD đi vào khởi động, đóng góp cho ngân sách nhà nước… thì vẫn còn nhiều hạn chế có tính phổ biến, kéo dài, cần sớm được xem xét, điều chỉnh tạo sự chuyển động tích cực, hiệu quả cao hơn trong công cuộc đổi mới của đất nước.
Tính phổ biến của các hạn chế đó là: (1) Vốn thực hiện còn quá thấp so với vốn đăng ký. Năm 2006, vốn thực hiện chỉ đạt 4,1 tỷ USD, trong khi vốn đăng ký là 12 tỷ USD. Tương tự, năm 2007 là 8/21,3, năm 2008 là 11,5/71,7, năm 2009 là 10/23,1 và năm 2010 là 11 tỷ USD//21 tỷ USD. Bước sang năm 2011, theo Cục Đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả giải ngân quý I có khá hơn, tăng 1,6% so với cùng kỳ nhưng đây mới là tín hiệu ước đầu, chưa ai dám khẳng định đà này sẽ diễn ra ổn định cả năm, vì DN các nước chưa khắc phục hết hậu quả khủng hoảng và những thảm họa lớn do thiên tai, bão lũ, động đất, sóng thần gây ra trong các tháng 3 và 4/2011 ở một số nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản. Trong thực tế, ta có thể hình dung mối quan hệ giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện như là mối quan hệ giữa kết quả và hiệu quả, giữa doanh thu và lợi nhuận. Đăng ký lớn nhưng thực hiện thấp, không tương ứng thì khác nào doanh thu lớn nhưng lợi nhuận nhỏ; nói nhiều, làm ít; đánh trống, bỏ dùi hoặc hứa nhiều nhưng làm ít... Cũng chính vì vốn thực hiện đạt thấp hoặc quá muộn màng cho nên cũng không ít dự án chậm khởi công, tốc độ ì ạch, đất đai dự án bị đóng băng, lãng phí kéo dài, bị thu hồi giấy phép đầu tư, đành “bỏ của chạy lấy người”, trốn tránh các quy định của pháp luật về đầu tư FDI. Đó là, sau 12 tháng dự án không triển khai sẽ bị thu giấy chứng nhận đầu tư; dự án đã được cấp đất mà trong vòng 24 tháng không triển khai cũng sẽ bị thu hồi đất sử dụng... (2) Cơ cấu ĐTNN theo ngành, tuy đã có sự chuyển dịch đáng kể nhưng chưa tương xứng phù hợp với đặc điểm của một đất nước đang trong giai đoạn đầu phát triển, thu nhập bình quân đầu người chưa cao. Một số ngành mong muốn thu hút được nhiều FDI nhưng tỷ trọng thu hút nguồn vốn này lại thấp, như: nông, lâm, ngư nghiệp, điện, nước, tài chính, tín dụng, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao phục vụ cá nhân và cộng đồng. Phần lớn các dự án ĐTNN được thực hiện là những dự án sử dụng công nghệ thấp, tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường. Nói cách khác là các dự án mà các nhà đầu tư phải tìm mọi cách đưa ra đặt ở các nước ngoài (trong đó có nước ta), phổ biến là không được đặt trong nước của chính các nhà đầu tư do ảnh hưởng đến an sinh xã hội, hiệu quả thấp. (3) Nhiều dự án ĐTNN khi đi vào hoạt động do không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải, khói bụi, ồn ào đã gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường sống tự nhiên. Động, thực vật, dưới nước cũng như trên đất bị chết hàng loạt, tài nguyên cạn kiệt, sức khỏe cộng đồng bị suy giảm mà các nhà đầu tư coi như không biết gì! Các nhà máy của các công ty: Vê-đan, đóng ở tỉnh Đồng Nai; Tung-Kuang, đóng trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; Jorn Technology trong KCN Việt Hương, Thuận An tỉnh Bình Dương; Công ty Viwonl, sản xuất chế biến thực phẩm đóng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ… vừa bị phạt, vừa phải đóng cửa hoạt động một thời gian để hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải độc là một trong muôn vàn dự án tương tự. Hiện tại, nguồn vốn ĐTNN đang đổ nhiều vào các dự án đất đai, khai thác chế biến đá, khoáng sản. Môi trường sống quanh vùng cũng bắt đầu mất cân đối. Lao động trong độ tuổi tuy có việc làm nhưng chỉ là lao động thủ công, nặng nhọc. Công bố báo cáo môi trường quốc gia năm 2009 của nước ta, hiện có tới 57% tổng số KCN đang hoạt động (trong đó có DN nước ngoài) không có hệ thống xử lý nước thải, môi trường bị ô nhiễm trầm trọng. An toàn lao động thấp, theo đó là trật tự giao thông trong vùng cũng có nhiều diễn biến phức tạp… Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, nhiều người bình luận “đừng vội vui mừng về kết quả thu hút nguồn vốn FDI tăng nhanh hằng năm”. Vấn đề đặt ra là nguồn vốn đó có được ưu tiên đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, sản phẩm đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, “đi tắt, đón đầu” hay không? Có như thế, đội ngũ lao động được đào tạo có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mới ngày một đông hơn. Sản phẩm làm ra sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Tâm lý “sính hàng ngoại” sẽ bị đẩy lùi. Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” lúc này cũng sẽ đi vào tiềm thức tự giác của mỗi người dân. Chính vì vậy, việc thu hút nguồn vốn FDI là phải tính toán kỹ, có tầm nhìn xa, không thể để xảy ra thực trạng “người Việt làm thuê cho người nước ngoài ngay trên đất Việt, tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường, thu nhập thấp như hiện nay”.
Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút nguồn vốn ĐTNN (FDI) trong giai đoạn 2011 – 2015 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là phải rà soát lại hệ thống phân cấp quản lý đầu tư nước ngoài, bảo đảm tính chủ động của các địa phương trên cơ sở gắn với trách nhiệm giải trình và hệ thống chế tài để tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát, điều chỉnh của các Bộ, cơ quan Trung ương trong trường hợp cần thiết, nhất là một số lĩnh vực như khai thác tài nguyên, xây dựng, các dự án sử dụng nhiều điện, nước, ảnh hưởng đến môi trường. Triển khai áp dụng nghiêm hệ thống quy định các yêu cầu bắt buộc về công nghệ, chuyển giao công nghệ, thu hút, đào tạo kỹ năng cho người lao động Việt Nam và bảo vệ môi trường sống tự nhiên. Thu hút được càng nhiều dự án, nguồn vốn FDI là tốt, nhưng không phải bất cứ giá nào. Nếu chỉ coi trọng kêu gọi đầu tư nhưng lại xem nhẹ, bỏ qua việc bảo vệ môi trường sống tự nhiên, hiệu quả kinh tế - xã hội, đào tạo kỹ năng vận hành máy móc cũng như thu nhập, quyền lợi của người lao động... là một sai lầm lớn. Vấn đề đặt ra ở đây là phải cân nhắc, tính toán, chọn lọc ưu tiên những đồng vốn của những dự án hình thành các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện đại, sử dụng ít lao động nhưng sản phẩm làm ra lại nhiều, giá trị cao, tiêu thụ mạnh. Muốn vậy, chúng ta vừa phải hoàn thiện bộ máy và cơ chế quản lý FDI (nhất là các thủ tục xét cấp giấy phép, chọn nhà đầu tư…) vừa phải có cơ chế, chính sách khuyển khích thỏa đáng để thu hút các dự án đầu tư liên kết sản xuất, kinh doanh, các ngành công nghiệp hỗ trợ để hình thành chuỗi giá trị có lợi thế phát triển cao và bễn vững… Điều này đã được nhiều địa phương quan tâm nhưng mới chỉ là khởi động bước đầu. Tiêu biểu như thành phố Hồ Chí Minh hiện tại, tất cả 13/13 KCN, KCX trên địa bàn (trong đó có doanh nghiệp FDI) đã có trạm xử lý nước thải tập trung, công suất 50.000 m3/ngày đêm, là một trong số ít địa phương đã đi đầu trong việc thực hiện các yêu cầu trên, thông qua việc chọn lọc, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao của nước ngoài. Xin nêu một vài dẫn chứng gần đây nhất. Đó là Nhà máy lắp ráp và kiểm định “chíp” tại Khu công nghệ cao, với tổng số vốn đầu tư hơn một tỷ USD của Tập đoàn Intel (Hoa Kỳ) chính thức đi vào vận hành từ cuối tháng 10/2010. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế “khách hàng của Intel trên toàn thế giới sẽ sử dụng các sản phẩm từ dự án này tai Việt Nam để tạo ra các công nghệ có thể làm thay đổi thế giới”. Ngày 21/01/2011, TP. Hồ Chí Minh cũng đã cấp tiếp giấy phép đầu tư dự án hơn một tỷ USD tại khu công nghiệp Đông Nam, sản xuất pin mặt trời bằng công nghệ màng mỏng cho Tập đoàn First Sola (Hoa Kỳ). Theo kế hoạch tháng 4/2012 dự án đi vào hoạt động và tháng 9/2012 sẽ có lô hàng thương mại đầu tiên trên thị trường… Đây là những công trình, dự án cho sản phẩm công nghệ cao, môi trường sạch; Thu nhập của người lao động chắc chắn không thể thấp hơn so với các ngành nghề lao động giản đơn khác. Một hướng đi đúng trong đào tạo, thu hút một lực lượng lao động trong nước có tay nghề cao, trực tiếp vận hành các thiết bị, máy móc hiện đại, cần nhanh chóng nhân rộng ra nhiều địa phương khác nhằm phục vụ tốt lợi ích quốc gia.