Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có đại diện các đơn vị thuộc Bộ: Văn phòng Bộ; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Thị trường trong nước; Vụ Dầu khí và than, Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, Cục Công Thương địa phương, Cục Công nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp.
Về phía tỉnh Thanh Hóa có ông Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa; đại diện Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Sở Công Thương và các Sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh Thanh Hóa.
Sản xuất công nghiệp 10 tháng tăng gần gấp đôi mức tăng bình quân của cả nước
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Trần Đức Lương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho biết, 10 tháng đầu năm 2024, mặc dù tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, song được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn giữ được ổn định và tiếp tục phát triển. Đóng góp chung vào kết quả toàn tỉnh, có sự đóng góp tích cực của ngành Công Thương.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 10 tháng tăng 19,6% so với cùng kỳ; gần gấp đôi với mức tăng bình quân cả nước (10,8%), dự kiến IIP cả năm đạt trên 19%; trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 14,56%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,75%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 26,92%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,12%.
Cụ thể, sản lượng một số sản phẩm công nghiệp truyền thống chủ yếu 10 tháng bao gồm: xăng các loại ước đạt 3.061 nghìn tấn, tăng 39% so cùng kỳ; dầu diesel ước đạt 5.188 nghìn tấn, tăng 49,2% so cùng kỳ; thuốc lá bao ước đạt 274 triệu bao, tăng 33,8% so cùng kỳ; quần áo các loại ước đạt 617 triệu cái, tăng 17,7% so cùng kỳ; giày thể thao ước đạt 245 triệu đôi, tăng 21,5% so cùng kỳ; xi măng ước đạt 15,7 triệu tấn, tăng 76,7%; sắt, thép các loại ước đạt 3,5 triệu tấn, tăng 15,8% so cùng kỳ; điện sản xuất ước đạt 10.924 triệu KWh, tăng 24,6% so cùng kỳ.
Hạ tầng năng lượng và các khu công nghiệp phát triển ổn định
Về tình hình các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Khu kinh tế Nghi Sơn có diện tích quy hoạch 106 nghìn ha; được quy hoạch 23 phân khu công nghiệp (Có 07 phân khu khu công nghiệp đã được lấp đầy bởi các dự án đầu tư, 04 phân khu khu công nghiệp đã thu hút được nhà đầu tư hạ tầng, 12 phân khu khu công nghiệp chưa thu hút được nhà đầu tư hạ tầng), tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp bình quân là 35%.
Lũy kế đến nay, tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp có 656 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 181.307 tỷ đồng và 74 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 13.691 triệu USD, vốn thực hiện đạt 85.626 tỷ đồng và 13.275 triệu USD.
Trong năm 2025, dự kiến sẽ thu hút được các dự án lớn, trọng điểm như: dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp: Phú Quý với tổng mức đầu tư 55 triệu USD, Giang Quang Thịnh với tổng mức đầu tư 53 triệu USD, phía Tây thành phố Thanh Hóa với tổng mức đầu tư 122 triệu USD, dược phẩm công nghệ cao Việt Nam - Ấn Độ với tổng mức đầu tư 62 triệu USD; khu công nghiệp Hà Long với tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng; Nhà máy xi măng Đại Dương 3 với tổng mức đầu tư 5.990 tỷ đồng; Khu bến Bắc Nghi Sơn mở rộng với tổng mức đầu tư 14.119 tỷ đồng; dự án điện khí LNG Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 2.453 triệu USD; dự án sản xuất hạt nhựa cho linh kiện điện tử JinYunfeng với tổng mức đầu tư 40 triệu USD, dự án sản xuất kim loại với tổng mức đầu tư 35 triệu USD...
Ngoài Khu kinh tế, tỉnh tiếp tục thực hiện 08 KCN đã được quy hoạch với diện tích 1.424,2 ha và 09 KCN quy hoạch mới với diện tích 2.281,5ha; sau năm 2030, quy hoạch thêm 02 KCN với diện tích 872ha, nâng tổn số KCN của tỉnh lên 19 KCN (tỷ lệ lấp đầy các KCN: Lễ Môn 100%; Đình Hương - Tây Bắc ga 95%; Hoàng Long (GĐ 1) 100%; Bỉm Sơn 65%; Lam Sơn - Sao Vàng 5%; Thạch Quảng 6,6%).
Đối với cụm công nghiệp, Quy hoạch toàn tỉnh đến năm 2030 có 115 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 5.267 ha. Đến nay tỉnh đã thành lập được 44 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.557 ha; tổng vốn đầu tư đăng ký là 10.917 tỷ đồng, luỹ kế vốn đầu tư 3.049 tỷ đồng.
Về hạ tầng năng lượng, toàn tỉnh có 39 dự án nhà máy điện được bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất 5.486 MW. Trong đó có: 19 dự án đã đi vào vận hành với tổng công suất 2.488,36 MW; 06 dự án đang đầu tư, chuẩn bị đầu tư với tổng công suất 906 MW và 14 dự án đã được phê duyệt quy hoạch, chưa đầu tư với tổng công suất 2091,5 MW.
Ngoài ra, còn có 05 hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư với tổng công suất 99,2 MW; 01 hệ thống phát điện tự dùng của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn công suất 349,4 MW; 619 hệ thống điện mặt trời mái nhà, tổng công suất 67.126,6 KWp (57,05 MW).
Tỉnh Thanh Hóa hiện đang đầu tư mới 131 km đường dây 500 kV; 52km đường dây 220 kV; 137,64km đường dây 110kV; 607,11 km đường dây trung áp; 2.330 km đường dây hạ thế. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 345,74 km đường dây 500 kV; 443,6 km đường dây 220 kV; 1.057 km đường dây 110 kV; 9.648 km đường dây trung áp và 15.500 km đường dây hạ áp.
Cùng với đó, đầu tư cải tạo, xây mới 01 TBA 500 kV công suất 1.200 MW;21 TBA 110 kV tổng công suất 1.263,5 MVA; 2.190 TBA phân phối với tổng công suất 991 MVA. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 02 TBA 500 kV với tổng công suất 2.100 MVA; 04 TBA 220 kV với tổng công suất 1.750 MVA; 41 TBA 110 kV với tổng công suất 3.267,5 MVA; 24 TBA trung gian với tổng công suất 190,3 MVA và 10.230 TBA phân phối với tổng công suất 3.660 MVA.
Hệ thống lưới điện đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với nhân dân các khu vực trọng điểm như: TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn, TX. Bỉm Sơn, TX. Nghi Sơn và các khu công nghiệp, các nhà máy, cơ sở sản xuất quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Hệ thống lưới điện đã từng bước áp dụng lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng lưới điện phân phối, giảm tổn thất điện năng.
Mặc dù Thanh Hoá có tới 11 huyện miền núi, dân số khoảng 1 triệu người nhưng đến nay, 100% số thôn bản đã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ số hộ có điện đạt 99,58%. Điện năng thương phẩm năm 2024 của tỉnh dự kiến đạt 8,5 tỷ kWh. Sản lượng điện sản xuất năm 2024 dự kiến đạt trên 14 tỷ kWh.
Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh
Về hoạt động xuất khẩu, 10 tháng đầu năm tỉnh Thanh Hóa ước đạt 5,07 tỷ USD, bằng 84,5% kế hoạch, tăng 26,7% so với cùng kỳ; dự báo cả năm đạt 6,3 tỷ USD vượt kế hoạch đề ra (6 tỷ USD). Toàn tỉnh có 303 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, tăng 18 doanh nghiệp so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: dăm gỗ 615.000 m3, tăng 53,8 % so với cùng kỳ; hàng may mặc 346.276 sản phẩm, tăng 28,5% so với cùng kỳ; giầy dép các loại 273.343 đôi, tăng 27,2% so với cùng kỳ; ba lô du lịch 6.076 cái, tăng 83,1% so với cùng kỳ; thuốc lá bao 16.741 bao tăng 25,5% so với cùng kỳ…
Về hoạt động nhập khẩu, 10 tháng tỉnh Thanh Hóa ước đạt 8,9 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ; các mặt hàng nhập khẩu của tỉnh chủ yếu gồm: dầu thô, nguyên phụ liệu sản xuất thuốc tân dược, nguyên phụ liệu may mặc giầy da…
Về thị trường nội địa và hạ tầng thương mại chủ yếu, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ 10 tháng đầu ước đạt 162.640 tỷ đồng, bằng 86,5% kế hoạch, tăng 14,2% so với cùng kỳ; dự kiến cả năm ước đạt 190.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra (188.000 tỷ đồng).
Lũy kế đến nay có 389 chợ đang hoạt động, trong đó có 351 chợ đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm; có 27 siêu thị, 02 trung tâm thương mại được công nhận theo quy định; có 06 kho xăng dầu; 586 cửa hàng xăng dầu và 08 cơ sở chiết nạp LPG.
Tạp chí Công Thương sẽ tiếp tục thông tin về buổi làm việc...