Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 diễn ra chiều 7/12, trả lời câu hỏi của báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Ngày 30/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết với chủ trương tiếp tục thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; bên cạnh đó cho phép nghiên cứu về chương trình phát triển điện hạt nhân.
Cụ thể về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Thứ trưởng cho biết, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, rà soát báo cáo Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền trên cơ sở sự đồng ý về mặt chủ trương của Trung ương, sự thống nhất của Quốc hội.
Về vấn đề này, Chính phủ đã giao các Bộ ngành, địa phương liên quan và giao Bộ Công Thương nghiên cứu, báo cáo Chính phủ một số nội dung quan trọng.
Thứ nhất, về hoàn thiện thể chế pháp luật, tại kỳ họp vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), trong đó có nội dung phát triển điện hạt nhân.
Bên cạnh đó trong tuần này, Chính phủ đã thông qua và dự kiến báo cáo Quốc hội về sửa đổi Luật về Năng lượng nguyên tử làm cơ sở cho các vấn đề, nội dung cơ bản liên quan đến công nghệ, vấn đề an toàn, vấn đề phát triển điện hạt nhân. Cùng với đó là các hệ thống pháp luật khác có liên quan về đầu tư, xây dựng, an toàn, bảo vệ môi trường…
“Như vậy, về cơ sở pháp lý đã hội tụ đủ để chúng ta triển khai thực hiện Dự án”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Thứ hai, về vấn đề thiết chế, Bộ Công Thương đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà máy điện hạt nhân và Tổ công tác để tiếp tục khởi động chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.
Ban Chỉ đạo dự kiến do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực là một Phó Thủ tướng Chính phủ; bên cạnh đó các thành viên bao gồm Bộ trưởng các Bộ, ngành có liên quan.
Tổ công tác thực hiện theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo, dự kiến gồm đại diện các Bộ, ngành có liên quan và đặc biệt sẽ có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học trong vấn đề phát triển điện hạt nhân. Tổ trưởng Tổ công tác là Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Thứ ba, một vấn đề rất quan trọng, để có thể triển khai Dự án, Bộ Công Thương sẽ sớm trình các cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh sửa đổi, bổ sung Quy hoạch Điện VIII. Đây là một cơ sở pháp lý cơ bản trong vấn đề cụ thể hóa chủ trương của Quốc hội, của Trung ương.
Thứ tư, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để lựa chọn chủ đầu tư trong vấn đề triển khai thực hiện nhà máy điện hạt nhân.
“Việc lựa chọn chủ đầu tư là một nội dung rất quan trọng, vì đây là chủ thể rất đặc biệt tổ chức triển khai toàn bộ quá trình liên quan, từ nghiên cứu, đề xuất, xây dựng và vận hành nhà máy điện”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ năm, một vấn đề cơ bản khác cũng rất quan trọng là câu chuyện liên quan đến địa phương. Thứ trưởng cho biết, Bộ Công Thương đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu, sớm tạo điều kiện về mặt bằng sạch, cũng như tạo sự đồng thuận của người dân địa phương để tạo cơ hội thuận lợi nhất cho quá trình triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Về thuận lợi, khó khăn trong triển khai Dự án, theo Thứ trưởng, về cơ bản hiện nay Dự án đã đạt được sự đồng thuận rất cao cho nên có rất nhiều thuận lợi trong quá trình chuẩn bị, triển khai.
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có một số thách thức liên quan đến công nghệ, đảm bảo an toàn, liên quan đến góc độ có thể xảy ra sự cố hay không; cùng những khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, trong đó có khuyến nghị của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế liên quan tới những tiêu chuẩn chung.
“Chúng tôi muốn đặt ra để chúng ta cùng hiểu rõ, nhưng chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chúng ta sẽ từng bước thận trọng thực hiện được việc này. Hiện nay công nghệ rất tiên tiến, có rất nhiều công nghệ mới và đặc biệt đảm bảo cho sự an toàn ngày càng cao”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu.
Về vấn đề tổng mức đầu tư dự án, Thứ trưởng cho biết, để xác định mức đầu tư phụ thuộc rất nhiều yếu tố. “Hiện tại, dự kiến sơ bộ con số chưa chính xác nhưng chắc chắn cũng phải hàng tỷ USD, tùy thuộc vào quy mô, vị trí, yêu cầu công nghệ và cả yêu cầu về vấn đề an toàn”, Thứ trưởng thông tin.
Liên quan đến vấn đề lợi ích, theo Thứ trưởng, tựu trung lại Dự án có 03 lợi ích lớn nhất.
Lợi ích thứ nhất, chúng ta sẽ tạo ra được một nguồn năng lượng nền mà xanh, đáp ứng được tiêu chuẩn kép trong xu thế, xu hướng phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Đồng thời giúp cân đối các nguồn điện.
Sự phát triển của điện hạt nhân cùng với các nguồn điện xanh sạch khác, là một chủ trương đúng, đảm bảo lợi ích liên quan đến vấn đề an ninh năng lượng cũng như đáp ứng tiêu chuẩn kép, tạo ra nguồn năng lượng nền, xanh.
Lợi ích thứ hai, tạo ra một nguồn năng lượng an toàn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội không chỉ ở Ninh Thuận mà còn ở vùng xung quanh và đáp ứng nhu cầu toàn quốc. Thậm chí trong tương lai với sự phát triển mạnh về năng lượng tái tạo và năng lượng xanh, sạch, chúng ta có thể hướng tới xuất khẩu.
Lợi ích thứ ba, tạo động lực để chúng ta có một nền công nghệ, khoa học cao và đặc biệt khoa học về năng lượng nguyên tử. Đây chính là khoa học nền tảng, tương lai còn phát triển, và kéo theo cùng với đó là cả một ngành công nghiệp cũng như nguồn công nghệ cao, nguồn nhân lực cao để phát triển đất nước.