Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Làm việc với các Hiệp hội ngành hàng phía Nam

Trong 02 ngày 21- 22/11/2012, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với các hiệp hội ngành hàng: Lương thực; Hồ tiêu và Cao su Việt Nam. Cùng làm việc
Theo báo cáo kết quả về tình hình xuất khẩu năm (XK) năm 2012 và kế hoạch XK năm 2013, nhận định thị trường trong thời gian tới của các Hiệp hội, công tác XK sẽ gặp rất nhiều khó khăn, do tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, cạnh tranh trên thị trường giữa các ngành hàng ngày càng gay gắt, một số ít có thể đạt được về số lượng xuất khẩu, nhưng về chất và giá dự báo sẽ thấp hơn so với các năm trước. 

Cụ thể về kết quả hoạt động XK của các Hiệp hội được rút gọn lại qua các con số sau:
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, tính đến ngày 20/11/2012, XK gạo đạt 6,771 triệu tấn, trị giá FOB đạt 3,010 tỷ USD, trị giá CIF đạt 3,089 tỷ USD, giá XK bình quân đạt 444,6 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2011, số lượng tăng 3,17%, trị giá FOB giảm 5,77%, trị giá CIF giảm 6,96%, giá XK bình quân giảm 42,19% USD/tấn. Hợp đồng tập trung chiếm 19,54% và hợp đồng thương mại chiếm 80,46%. Dự kiến XK cả năm 2012 sẽ đạt khoảng 7,5 - 7,6 triệu tấn gạo. 

Những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp XK gạo trong năm 2012 có những điểm chính sau: Giá thị trường thế giới sụt giảm và cạnh tranh gay gắt với các nguồn cung cấp giá thấp, nhất là Ấn Độ, Myanmar; Thiếu hợp đồng tập trung với số lượng lớn, XK gạo chủ yếu thông qua hợp đồng thương mại, số lượng nhỏ từng chuyến giao hàng, giá thấp và rủi ro cao khi có biến động thị trường; Lãi suất cao, trong khi tín dụng thương mại cho vay thu mua gạo ngắn hạn trong vòng 3 tháng, nên doanh nghiệp không có khả năng dự trữ, phải bán nhanh với giá thấp để quay vòng vốn kịp trả nợ ngân hàng và hạn chế chi phí phát sinh. 

Dự báo về tình hình thị trường gạo thế giới năm 2013, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm 2012, do nhu cầu sụt giảm trong khi nguồn cung cấp dồi dào, bên cạnh đó là những biến động và rủi ro phát sinh từ nhu cầu giải quyết tồn kho ở các nước XK lớn, nhất là Thái Lan. Cạnh tranh sẽ gay gắt hơn giữa các nguồn cung cấp, bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan và Myanmar, làm hiệu quả thấp hơn. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng với đoàn làm việc với 
Hiệp hội Hồ Tiêu Việt Nam



Từ những khó khăn chính trên, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã kiến nghị các biện pháp tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh công tác XK năm 2013, với Bộ Công Thương, như: Tăng cường công tác xúc tiến thương mại cấp quốc gia, nhất là với các nước khu vực châu Phi, hạn chế mua bán thương mại qua trung gian, tạo điều kiện ổn định thị trường, trước mắt xúc tiến để ký nhanh MOU với Cộng hòa Guinea; Phối hợp với ngân hàng nhà nước tạo điều kiện tín dụng thông thoáng và giảm lãi suất, bảo đảm nguồn vốn thích hợp; Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để trình Thủ tướng Chính phủ Qui chế mua tạm trữ lúa gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2012, để kịp triển khai cho năm 2013 được đánh giá là sẽ còn nhiều khó khăn. 

Về Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, theo ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2012, đã XK được 102.759 tấn (giảm 7,4% so với cùng kỳ 2011), với tổng kim ngạch đạt 679 triệu USD (tăng 9,5% so với cùng kỳ 2011). Lượng XK cả năm 2012 ước khoảng 115.000 tấn (bao gồm cả tạm nhập tái xuất) và tổng kim ngạch ước cả năm 2012 đạt 780 triệu USD. 

Nhìn chung tình hình hoạt động kinh doanh, XK của hồ tiêu trong 10 tháng đầu năm 2012 diễn biến tốt, ổn định và hiệu quả, tiến độ lưu thông trong và ngoài nước được điều tiết hài hòa từ đầu vụ đến cuối vụ. Tuy nhiên, theo ông Nam vẫn còn quan ngại một số điểm chưa tốt như sau: Mặc dù đã được cảnh báo, nhưng do giá tiêu dùng cao, nên người trồng tiêu đã lạm dụng hóa chất để tăng năng suất, điều này sẽ nguy hiểm cho sự phát triển bền vững của cây trồng và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Trong XK năm 2012, số doanh nghiệp FDI có mức tăng trưởng về số lượng và giá trị khá cao so với trước đây, nếu xu hướng này ngày càng gia tăng trong thời gian tới, khả năng có thể xảy ra độc quyền, chi phối thị trường giá cả trong nước, ảnh hưởng đến thu nhập của người sản xuất. Để tránh tình trạng trên, ông Nam đề nghị các doanh nghiệp trong nước cần thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm, liên kết thống nhất, đổi mới cơ chế quản lý và điều hành, nâng cao trình độ thương mại, tránh rủi ro, đồng thời tăng cường đoàn kết, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Trong bối cảnh hồ tiêu Việt Nam có thể gia tăng về sản lượng trong những năm tới, thì ngay từ bây giờ, cần hướng đến đầu tư chiều sâu, đa dạng hóa sản phẩm, bảo đảm ATVSTP, trong đó có hướng đến đầu tư cho chế biến tinh dầu tiêu (nhu cầu thị trường rất lớn và có giá cao). 

Để ngành Hồ tiêu được phát triển bền vững trong những năm tới, ông Nam kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm hỗ trợ hơn nữa thông qua chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hàng năm đối với ngành hàng Hồ tiêu, tạo cho các doanh nghiệp có điều kiện duy trì và mở rộng thị trường truyền thống, nhất là thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Quốc. Chuyển XK tiểu ngạch đơn lẻ sang XK chính ngạch với số lượng lớn, ổn định, lâu bền. 

Theo tài liệu làm việc của Hiệp hội Cao su Việt Nam với Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trong buổi sáng ngày 22/11/2012, lượng cao su thiên nhiên do Việt Nam XK trong 10 tháng đầu năm 2012 đã đạt gần 815.019 tấn, giá trị đạt 2,3 tỷ USD, tăng mạnh về lượng (37,7%), nhưng giá trị giảm 8,7% do giá giảm mạnh, bình quân đạt 2.829 USD/tấn, giảm 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo ước tính, nếu trong 2 tháng cuối năm 2012, lượng cao su XK mỗi tháng khoảng 100 ngàn tấn, thì tổng lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam XK trong năm 2012 có thể đạt trên 1 triệu tấn và kim ngạch XK đạt khoảng 2,8 đến 2,9 tỷ USD. 

Về khó khăn, theo ông Võ Hoàng An - Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, trong 02 tháng cuối năm, nguồn cung sẽ tăng nhanh do vào mùa khai thác cao su ở các nước, tuy 03 nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia có kế hoạch cắt giảm sản lượng, nhưng với mức tiêu thụ cao su tăng chậm, sự cạnh tranh XK giữa các nước có cao su thiên nhiên sẽ gay gắt hơn. Nhưng trong thời kỳ này, Việt Nam lại áp dụng thuế XK với thuế xuất 3% đối với hai chủng loại cao su ly tâm và cao su hỗn hợp, đã làm cho doanh nghiệp mất lợi thế cạnh tranh về giá so với các nước trong khu vực, và bất lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài trong các khu chế xuất tại Việt Nam, làm hạn chế sản xuất, làm ảnh hưởng đến chiến lược đa dạng hóa của ngành Cao su. 

Ông Hồ Ngọc Hà Thy - Phó trưởng Ban XNK Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết một số bất cập, đó là tình trạng mất cắp hàng hóa của các doanh nghiệp XK ngày càng gia tăng, có khi lên gần đến 50% số lượng. Ông Thy nhấn mạnh, với các biện pháp ngày càng tinh vi, dùng kỹ thuật hàn và mài nhẵn lại khi đã rút ruột được hàng hóa, khi chủ hàng phát hiện thì hàng hóa đã sang đến bên nơi nhận. Tiếp nữa là phí vận chuyển bằng đường biển quá cao, làm tăng giá thành sản phẩm, hạn chế cạnh tranh về giá so với các nước khác trong khu vực, dẫn đến tình trạng, một số doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại các nước Lào, Campuchia, khi khai thác xong, hàng hóa không về Việt Nam để xuất, mà đã xuất thẳng sang các nước khác. 

Nhằm tháo gỡ khó khăn hiện nay cho doanh nghiệp ngành Cao su, tạo động lực để doanh nghiệp tích cực đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường, nhằm đạt kim ngạch XK tốt, trước mắt Hiệp hội Cao su Việt Nam kiến nghị với Bộ Công Thương tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cắt giảm thuế XK cao su thiên nhiên (HS 4001 và HS 4005) trong thời kỳ khó khăn về tiêu thụ và giá giảm, để củng cố năng lực cạnh tranh của ngành Cao su Việt Nam so với các nước trong khu vực. Bộ Công Thương sớm ban hành quy định về điều kiện XK cao su thiên nhiên, là phải có giấy chứng nhận chất lượng được cấp, từ các đơn vị có chức năng, với điều kiện này sẽ buộc các doanh nghiệp XK quan tâm đảm bảo chất lượng cao su, tuân thủ quy chuẩn quốc gia về chế biến cao su ở nhà máy sản xuất. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đánh giá cao vai trò của các hiệp hội Lương thực, Hồ tiêu và Cao su Việt Nam đã nỗ lực cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, biết tận dụng mọi ưu thế để khai thác thị trường, tìm kiếm cơ hội tăng kim ngạch XK cho đất nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Những thành tích đó đáng được trân trọng, biểu dương. Những giải pháp và kiến nghị của các hiệp hội sẽ được ghi nhận và giao cho từng bộ phận chuyên môn trong Bộ như các Vụ: Xuất nhập khẩu, Kế hoạch và Xúc tiến thương mại tích cực tìm giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Thứ trưởng yêu cầu, trong thời gian tới, các hiệp hội cần chủ động liên kết với các đơn vị chức năng trong Bộ, nhất là trong các tìm hiểu và thực thi quy định, các chương trình xúc tiến thương mại, nắm bắt nhanh những thông tin có liên quan đến ngành, để kịp thời truyền tải đến các doanh nghiệp, giúp cho các doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh với các nước trong khu vực, nâng cao hiệu quả XK hàng hoá Việt Nam trong thời gian tới.