Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), sáng 13/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và làm việc tại Hội Nhà báo Việt Nam về tăng cường, đổi mới công tác quản lý nhà nước trong hoạt động báo chí.
Tại đây, Thủ tướng yêu cầu Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí phải xây dựng, phát triển đội ngũ người làm báo nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ và nhân văn; xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ và lãnh đạo các cơ quan báo chí.
Báo chí luôn đồng hành cùng đất nước
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, 73 năm qua, kể từ ngày thành lập tại chiến khu Việt Bắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (21/4/1950), các thế hệ lãnh đạo và hội viên Hội Nhà báo Việt Nam cùng những người làm báo cả nước đã luôn đoàn kết, chủ động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, không ngừng lớn mạnh, luôn đồng hành, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đất nước và dân tộc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hội Nhà báo Việt Nam hiện có 24.242 hội viên, sinh hoạt tại 301 đơn vị cấp Hội (63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên Chi hội, 218 Chi hội trực thuộc). Trong mọi hoàn cảnh, hội viên, nhà báo luôn bám sát thực tiễn, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phản bác các quan điểm, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội bất mãn, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tại buổi làm việc, đại diện Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí phát biểu cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Hội Nhà báo nói riêng và báo chí nước nhà nói chung; khẳng định tiếp tục nỗ lực phấn đấu đồng hành cùng đất nước trong mọi hoàn cảnh; đồng thời cũng phản ánh những khó khăn trong công tác Hội và hoạt động báo chí như tình trạng chảy máu chất xám, thiếu nhân lực, khó khăn về tài chính...
Các đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí trong chuyển đổi số, tiếp cận thông tin, bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí, có cơ chế tài chính phù hợp, tạo điều kiện phát triển kinh tế báo chí; tăng biên chế, chế độ, chính sách cho người làm công tác Hội; triển khai Kế hoạch hành động hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu, khẳng định uy tín của Hội Nhà báo nói riêng và báo chí nói chung đối với Đảng, Nhà nước, xã hội và nhân dân; bản lĩnh, ý chí, khát khao cống hiến của người làm báo, hội viên Hội Nhà báo cả nước; thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Các bộ, ngành ủng hộ việc giải quyết các đề xuất, kiến nghị của Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí như xem xét mở rộng biên chế, xét nâng ngạch, chuyển đổi số, có cơ chế đặt hàng, tăng chi ngân sách cho báo chí…
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, báo chí là công cụ tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, phương tiện thông tin thiết yếu, món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đời sống xã hội. Trong đó, Hội Nhà báo Việt Nam có vai trò quan trọng trong đoàn kết, tập hợp, nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.
Trong suốt 73 năm xây dựng và trưởng thành (21/4/1950-21/4/2023), Hội Nhà báo Việt Nam đã không ngừng phát triển về số lượng và tổ chức, trưởng thành về chất lượng, có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Thủ tướng đánh giá cao, nhiệt liệt biểu dương những thành tích, đóng góp quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam và những người làm báo trong cả nước, góp phần quan trọng vào thành tích chung của cả nước; đặc biệt, tưởng nhớ, tri ân, chia sẻ với gia đình các nhà báo đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nhất là về mô hình tổ chức, công tác giám sát sinh hoạt của hội viên... Đặc biệt là những tồn tại, hạn chế như vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số cơ quan báo chí và người làm báo; tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang tin điện tử tổng hợp; biểu hiện “tư nhân hóa báo chí;" phản ánh nhiều bạo lực, chạy theo thị trường, thiếu tính định hướng, thiếu tính giáo dục và nhân văn…
Đặc biệt, Thủ tướng cũng chia sẻ với khó khăn, thách thức mà các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí, truyền thông và những người làm báo trên cả nước đang phải đối mặt, nhất là sự sụt giảm về doanh thu, thu nhập, sự cạnh tranh khốc liệt với các nền tảng xuyên biên giới và mạng xã hội...
Người làm báo phải nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ và nhân văn
Phân tích tình hình trong nước và thế giới, các thách thức đối với công tác thông tin, truyền thông trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, để báo chí Việt Nam thực sự cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh hoạt động tập hợp, xây dựng đội ngũ những người làm báo và hội viên có phẩm chất chính trị, tư tưởng, bản lĩnh, năng lực, trình độ chuyên môn cao để “phụng sự Tổ quốc," “phụng sự nhân dân," “phụng sự giai cấp và nhân loại” như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.
“Phải xây dựng và phát triển đội ngũ người làm báo nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ và nhân văn; xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân," Thủ tướng yêu cầu.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Hội Nhà báo các cấp và các cơ quan báo chí tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, qua đó giúp chấn chỉnh những “lệch chuẩn” về đạo đức nghề nghiệp, thúc đẩy giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí; bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên trong thực thi nhiệm vụ, đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm, nhất là lợi dụng báo chí để đi ngược lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chỉ đạo các cấp Hội và cơ quan báo chí tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng nhấn mạnh, báo chí phải đồng hành cùng dân tộc, làm tốt hơn nữa chức năng định hướng tư tưởng, là vũ khí sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Bám sát các nhiệm vụ chính trị của đất nước, cơ quan, địa phương, đơn vị để phản ánh, nhất là 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu báo chí phải phát huy, tôn vinh các giá trị cốt lõi của dân tộc như tính nhân văn; nét đẹp chân-thiện-mỹ; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; ý chí và nghị lực, dám đối diện và vượt qua những khó khăn, thử thách; khả năng sáng tạo to lớn của nhân dân.
Cùng với đó, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả…; khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tăng cường thông tin phân tích, báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp.
“Không né tránh những vấn đề tiêu cực, nhưng đưa tin theo hướng xây dựng, tìm ra cách khắc phục, giải quyết theo hướng nhân văn, nhân đạo, theo quy định của pháp luật để đem lại cảm xúc, niềm tin, cái nhìn và kết quả tích cực hơn cho cộng đồng," Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo tập trung phát hiện những vấn đề nóng, nhạy cảm, mới xuất hiện, các nút thắt, điểm nghẽn đang được dư luận quan tâm, đi vào những vấn đề khó, phức tạp trong nước và quốc tế; phản ánh sinh động, khách quan, đa chiều, toàn diện, khoa học, sâu sắc và có giải pháp cho từng vấn đề. Khắc phục tình trạng “báo hóa” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa báo chí”, chạy theo thị hiếu tầm thường. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa tương xứng với tuyên truyền về kinh tế, chính trị, xã hội.
Báo chí phải đi đầu trong phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, người tốt, việc tốt, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, tạo động lực, truyền cảm hứng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, xã hội; làm tốt vai trò giám sát, phản biện; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, minh bạch; đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ chân lý, lẽ phải, người lương thiện; lên án cái xấu, cái ác, cái tiêu cực; chống lại những suy nghĩ và hành động sai trái, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; phản bác thông tin xuyên tạc, xấu độc, sai lệch sự thật; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
"Tuyệt đối không để trống, không nhường mặt trận nóng bỏng này cho các thế lực thù địch, các tổ chức phản động chống phá trên mọi lĩnh vực truyền thông, nhất là truyền thông số, mạng xã hội," Thủ tướng chỉ đạo.
Tạo điều kiện để báo chí phát triển
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí gắn với kinh tế số và kinh tế báo chí truyền thông; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, các công nghệ mới vào hoạt động báo chí, truyền thông; bám sát các xu hướng tất yếu trong báo chí, truyền thông thế giới để đổi mới và làm tốt vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội; tăng cường bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho các phóng viên, nhà báo; hoàn thiện và thực hiện nghiêm pháp luật về báo chí, bảo đảm quyền tự do báo chí mà pháp luật quy định, bảo vệ nhà báo, quyền hành nghề hợp pháp, các lợi ích chính đáng của người làm báo.
Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước đánh giá cao đóng góp quan trọng của báo chí cả nước, trong đó có Hội Nhà báo Việt Nam và luôn tạo điều kiện để báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam phát huy vai trò, vị thế, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Chính phủ rất trân trọng và mong muốn được lắng nghe ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà báo trong xây dựng, thực thi chính sách; mong muốn báo chí phát huy hơn nữa tinh thần báo chí cách mạng để tiếp tục truyền tải những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đến nhân dân và phản ánh nguyện vọng của nhân dân, nhất là những chính sách tác động lớn như Luật đất đai, chủ trương đổi mới trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục, hạ tầng, y tế, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đối với vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, chủ trương đại đoàn kết dân tộc…
Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi tới những người làm báo trên cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất; những người làm báo ngày càng có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự tin tưởng, niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí, Thủ tướng Chính phủ cho rằng đây đều là những đề xuất chính đáng, xuất phát từ yêu cầu thực tế, thiết thực; đồng ý xem xét, đồng thời yêu cầu Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng cơ chế phù hợp với tình hình chung và triển khai thực chất, hiệu quả; nhằm tạo điều kiện hết mức có thể để báo chí tự lực, tự cường vươn lên, phát triển cùng đất nước; trong đó có việc rà soát, sửa đổi các nghị định, thông tư, hoàn thiện quy hoạch báo chí; đầu tư hạ tầng số, đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan báo chí; đổi mới cơ chế tài chính, đặt hàng giao nhiệm vụ cho cơ quan báo chí.