Cơ bản thống nhất những nội dung đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020, Thủ tướng hoan nghênh những ý kiến đóng góp của các đồng chí lãnh đạo, thành viên Chính phủ, ví dụ như Bộ trưởng Bộ GTVT đã nói rõ sẽ cố gắng giải ngân 100% số vốn đầu tư công, trước hết là 37.000 tỷ đồng được giao của Bộ, trong đó có các công trình đường cao tốc…
Các ý kiến phát biểu tại phiên họp đều cho rằng tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 thể hiện rõ nét ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là các ngành công nghiệp, chế biến chế tạo, xây dựng, dịch vụ vận tải, hàng không, du lịch. Nhiều ngành trong khối này đã giảm, như hàng không đã giảm đến 98%, du lịch quốc tế đã giảm tới 94,2%. Theo Thủ tướng, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và một bộ phận không ít người lao động không có thu nhập, nghỉ việc, “phải nhận thức rõ tình hình khó khăn này để chúng ta có biện pháp xử lý trong tháng 5 và các tháng tiếp theo”.
Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng khá tốt, kinh tế tăng trưởng quý I đạt 3,82%, dù thấp hơn cùng kỳ năm trước rất nhiều nhưng cũng ở mức cao nhất trong khu vực ASEAN và châu Á.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số nghị định, chỉ thị, nghị quyết đúng đắn, kịp thời và đã đi vào cuộc sống.
Tại phiên họp, Chính phủ thống nhất cao cần ban hành nghị quyết chuyên đề về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng cho biết, nghị quyết sẽ có một nội dung về sửa Nghị định 68, yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thống nhất để sửa một số điểm về quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong bối cảnh chưa sửa kịp Nghị định 68, để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư xây dựng hiện nay.
Với nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng, cần ban hành ngay thông tư để hướng dẫn trong tháng 5.
Đề cập đến phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng nêu rõ, đếu nay, chúng ta kiểm soát được dịch bệnh, đẩy lùi COVID-19 tại Việt Nam, nước có tỷ lệ số ca lây nhiễm trên dân số thấp nhất. Tuy nhiên, không được chủ quan, mất cảnh giác, vẫn tiếp tục chưa cho khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, vẫn đeo khẩu trang nơi đông người. Kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát trở lại.
Chính phủ đã có nhiều chính sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn, kịp thời, hợp lòng dân, đặc biệt là lần đầu tiên Đảng, Nhà nước trực tiếp hỗ trợ cho 20 triệu người khó khăn. Thủ tướng nhắc lại yêu cầu, phải đưa tiền đến đúng đối tượng, kịp thời gian.
“Tại phiên họp này tất cả các đồng chí thành viên Chính phủ và các vị đại biểu đều thống nhất quan điểm tiếp tục thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới, đặc biệt là phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, thực hiện nới lỏng để phát triển kinh doanh, nhất là các vùng công nghiệp trọng điểm, các đô thị lớn, những điểm tham quan nổi tiếng để phát triển mạnh du lịch nội địa”, Thủ tướng nói và giao cho chính quyền địa phương căn cứ thực trạng tình hình trên địa bàn thực hiện các biện pháp, đối sách phù hợp.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, cần quán triệt tinh thần “khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba”, chung sức, đồng lòng, quyết liệt trên mặt trận sản xuất, kinh doanh và cảnh giác dịch bệnh. Một tinh thần quyết tâm vượt khó khăn, thách thức trên mặt trận phát triển kinh tế-xã hội, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết thúc đẩy nền kinh tế bật dậy, phát triển mạnh sau dịch.
Thủ tướng đề nghị từng đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, địa phương sâu sát hơn, giải quyết kịp thời các bức xúc của người dân và doanh nghiệp. Đề cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết không để cơ quan hành chính, thủ tục hành chính, cán bộ, công chức cản trở sự phát triển.
Tất cả các cơ quan phải thực hiện nghiêm tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên. Phải xắn tay áo lên, vào cuộc, tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển ngành, địa phương mình trong phạm vi được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Các thành viên Chính phủ thể hiện bản lĩnh trí tuệ, đạo đức cách mạng của người lãnh đạo, “không phải quyền anh, quyền tôi lúc này mà chính là vì đất nước, vì dân tộc, vì 100 triệu dân”.
Thủ tướng nêu rõ, phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, chứ không phải như dự báo của IMF là Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng 2,7%. Kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn như vậy, thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa là 5 mũi đột phá để tăng trưởng, phát triển, vượt qua khó khăn giai đoạn này.
Trong bối cảnh tình hình thế giới vô cùng khó khăn, nhiều nước tăng trưởng âm, nước ta lại hội nhập quốc tế sâu rộng, do đó, cần xem xét điều chỉnh phù hợp một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Việc này cần làm ngay và báo cáo Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội ngay tại kỳ họp tới.
Với tinh thần đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan khẩn trương cập nhật kịch bản tăng trưởng, điều chỉnh chỉ tiêu tăng GDP, các chỉ tiêu liên quan, trên cơ sở đó, Bộ Tài chính điều chỉnh kế hoạch thu ngân sách, bội chi và nợ công.
Về lĩnh vực thông tin và truyền thông, Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, tạo khí thế mới trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội.
Đối với giáo dục và đào tạo, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các sở, các trường về bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trở lại; đồng thời lưu ý việc giãn cách học sinh phù hợp với điều kiện thực tế, không cứng nhắc, cực đoan.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo các phương án tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng 2020 và thống nhất với báo cáo này. Về thi tốt nghiệp THPT, cơ bản không có nhiều thay đổi so với năm 2019. Bộ ra đề thi, xây dựng và cung cấp phần mềm chấm thi, thí sinh vẫn dự thi ở địa phương mình, nội dung thi phù hợp, các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả kỳ thi này làm căn cứ tuyển sinh.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương ban hành các quy chế, hướng dẫn công tác thi, tuyển sinh; chuẩn bị đề thi bảo đảm chất lượng, phù hợp; phần mềm chấm thi an toàn, bảo mật; tăng cường phương tiện, công nghệ giám sát; đẩy mạnh thanh tra, bảo đảm kỳ thi tổ chức thành công.
Thủ tướng giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về an toàn kỳ thi tại địa phương.